Cá tra, basa Tăng tỷ lệ sống cho cá tra

Tăng tỷ lệ sống cho cá tra

Author Lê Loan, publish date Wednesday. November 13th, 2019

Cá tra thường có tỷ lệ hao hụt rất lớn khi ương từ cá bột lên cá giống, vì vậy, người nuôi cần chuẩn bị tốt điều kiện cũng như chế độ chăm sóc để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Cần quản lý tốt vấn đề môi trường trong quá trình ương  - Ảnh: CTV

Chú trọng chất lượng con giống

Cần chọn những con cá bột bơi lội nhanh nhẹn, khỏe mạnh và không có dấu hiệu bị bệnh, bởi đây là yếu tố quyết định đến chất lượng cá sau này. Ngoài ra, cá tra bột cần đảm bảo một số tiêu chí khác như kích thước, tuổi đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị dị hình. Người nuôi nên chọn mua cá từ những trại sản xuất có đăng ký công bố chất lượng, để nâng cao hiệu quả của quá trình ương nuôi.

Người nuôi có thể thả cá bột ra ao ương giai đoạn sớm hơn thông thường, khi cá được 20 - 24 giờ sau khi nở. Bởi, theo kết quả một số nghiên cứu trước cho thấy, hai thời điểm cá tra bột có tỷ lệ chết cao là thời điểm bắt đầu khoảng 40 - 70 giờ sau khi nở, khi đó có hiện tượng cá ăn thịt lẫn nhau, tỷ lệ chết từ 30 - 50% và thời điểm 5 - 7 ngày sau khi nở do vi khuẩn Aeromonas hydrophila, có thể gây chết 50 - 60%. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tỷ lệ chết cao là do giữ cá bột trong bể với mật độ cao. 

Thời gian thả cá bột vào ao ương tốt nhất vào sáng sớm và chiều mát. Mật độ ương thích hợp và dễ quản lý dịch bệnh là khoảng 500 con/m2. Mực nước ao ương ngày đầu 1 - 1,2 m sau đó cho thêm nước vào ao để đến ngày thứ 15 mực nước đạt 1,5 - 1,7 m.

Thức ăn

Cá tra bột mới nở có kích thước chiều dài khoảng 4 - 5 mm, không màu, trong suốt. Cá hấp thụ khối noãn hoàng vào ngày thứ 3 sau khi nở. Sau khi hết noãn hoàng, cá bột bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài. 

Thông thường, cá bột sau khi tiêu hết noãn hoàng, thức ăn duy nhất được cá ưa thích là động vật phù du. Sự thiếu hụt thức ăn tự nhiên là nguyên nhân chính làm cho cá khó sống sót ở cả môi trường tự nhiên và nhân tạo. Để khắc phục việc thiếu nguồn thức ăn tự nhiên trong ao ương nuôi cá giống, người nuôi cần gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao ương trước khi thả cá. Thức ăn tự nhiên bao gồm vi tảo và các loài động vật có kích thước rất nhỏ bé (động vật phù du) sống trong môi trường nước, trong đó trứng nước (Moina), luân trùng (Rotifera) là những động vật phù du rất thích hợp và quan trọng cho cá bột.

Sau khoảng 10 ngày tập cho cá bột ăn thức ăn công nghiệp để hạn chế gây ô nhiễm môi trường nuôi, thì nên chọn thức ăn phù hợp với cỡ miệng của cá. Lượng thức ăn bình quân là 0,5 - 0,8 kg thức ăn cho 100 m2/ngày. Cần cho cá ăn vừa đủ và 5 - 7 lần/ngày, tập trung cho cá ăn vào sáng sớm hay chiều mát. Tuy nhiên, phụ thuộc vào điều kiện môi trường cũng như sức khỏe của cá để điều chỉnh lượng thức ăn sao phù hợp. Không nên cho ăn quá ít vì sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của cá hoặc dư thừa làm ảnh hưởng đến chất lượng nước ao ương nuôi. Mỗi sáng sớm phải kiểm tra cá bột bằng cách dùng vợt mắt lưới dày và mịn vớt cá lên. Quan sát lượng thức ăn trong xoang bụng của cá. Thường thì ngày thứ 3 mới thấy rõ thức ăn trong xoang bụng cá.

Lưu ý, thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Không sử dụng thức ăn đã hết hạn sử dụng.             

Đảm bảo nguồn nước sạch

Nước sử dụng cho ao ương cá tra cần phải qua túi lọc thật mịn để tránh trứng, cá tạp, giáp xác… Tốt nhất, nước cần phải lắng qua ao trữ khoảng 5 - 7 ngày sau đó mới cấp vào ao.

Trong quá trình nuôi, khi cá bột bắt đầu sử dụng thức ăn công nghiệp, lượng thức ăn dư thừa và chất thải tích lũy càng nhiều nên nếu quản lý không tốt, nước ao sẽ nhanh chóng bị bẩn. Chất lượng nước trong ao ương cần được theo dõi vào mỗi sáng sớm, màu nước nên duy trì xanh nõn chuối; hàm lượng ôxy hòa tan trong khoảng 3,6 - 4 mg/l thì cá mới có thể bắt mồi và tăng trưởng tốt.

 Hàng ngày, thay nguồn nước sạch đã được lắng lọc cẩn thận để đảm bảo môi trường sống của cá luôn sạch. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học nhằm nâng cao chất lượng nước, ổn định trong quá trình ương. 

Quản lý tốt dịch bệnh

Vì cá tra bột có kích cỡ nhỏ nên dễ bị các loài địch hại trong ao ăn thịt. Do đó, người nuôi cần có biện pháp quản lý địch hại trong ao tốt để hạn chế tỷ lệ hao hụt.  Địch hại của cá con rất đa dạng như nòng nọc ếch nhái, bọ gạo, bắp cày (ấu trùng của con cà niễng), cá dữ, rắn... cần có biện pháp thu bắt, xua đuổi những loại địch hại này.

Hằng ngày, cần theo dõi tình trạng hoạt động, ăn mồi của cá để có biện pháp xử lý kịp thời những trường hợp cá bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, nên chủ động bổ sung thêm vitamin và khoáng chất trong suốt thời gian ương để tăng cường sức đề kháng cho cá. 

Từ khoảng giai đoạn cá được 2 tuần tuổi trở về sau cá rất dễ mẫn cảm với bệnh: Ký sinh trùng, trương bóng hơi, thối đuôi, gan thận mủ, xuất huyết đường ruột, tỷ lệ hao hụt rất cao. Định kỳ kiểm tra môi trường để xử lý kịp thời.

Thông thường, trong quá trình ương sẽ có những sự biến động của thời tiết, làm cho các yếu tố lý hóa của môi trường nước bị thay đổi đột ngột như: pH, nhiệt độ, ôxy… làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá. Đặc biệt là cá thường bị chết sau những cơn mưa lớn đầu mùa mà không có dấu hiệu bệnh trên cơ thể cá. Khi gặp trường hợp này, có thể dùng vôi bột với lượng 20 - 30 kg/1.000 m2; vôi phải được lắng trong trước khi tạt xuống ao, khi cá nhỏ hơn 25 ngày tuổi; kết hợp tạt thêm 80 - 100 kg muối/1.000 m2.


Related news

he-gen-cua-ca-tra-lan-dau-tien-duoc-giai-ma Hệ gen của cá tra… giam-hao-hut-khi-uong-ca-tra-giong Giảm hao hụt khi ương…