Mô hình kinh tế Tăng Tỷ Trọng Đầu Tư Cho Ngành Thủy Sản

Tăng Tỷ Trọng Đầu Tư Cho Ngành Thủy Sản

Publish date Tuesday. June 25th, 2013

Năm tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 2,28 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Phần lớn các thị trường xuất khẩu đều sụt giảm mạnh. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu, thị trường thu hẹp và các rào cản thuế quan..., đòi hỏi sớm có các giải pháp hữu hiệu để phục hồi một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế.

Ðối mặt nhiều khó khăn, thách thức

Có lẽ chưa bao giờ xuất khẩu thủy sản của nước ta chật vật và mất ổn định như năm tháng đầu năm 2013. Sau khi tăng hơn 34% vào tháng 1 thì bất ngờ sụt giảm tới 30% vào tháng 2 và tiếp tục sụt giảm thêm 17% trong tháng 3. Ðến tháng 4 và tháng 5, xuất khẩu bắt đầu có xu hướng hồi phục nhưng cũng chỉ đạt mức tăng trưởng thấp, từ 2 đến 5%. Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản giảm trong năm tháng đầu năm là nguồn cung nguyên liệu thiếu ổn định. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do đơn đặt hàng thấp, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng và thiếu chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng như các bộ, ngành.

Cụ thể, tính chung năm tháng đầu năm 2013, nuôi trồng thủy sản cả nước đạt 992 nghìn tấn, giảm 2,2% so với năm 2012 khiến việc thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Trong đó, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra liên tiếp bị đình đốn. Ngành sản xuất tôm phải đối mặt tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp với 5.000 ha tôm bị bệnh, giá thu mua nguyên liệu bấp bênh, sản xuất không có lãi khiến nhiều hộ nuôi phải "treo ao", dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Không phải vật lộn với dịch bệnh như con tôm, nhưng các hộ nuôi cá tra thời gian qua cũng điêu đứng vì giá bán ra luôn thấp hơn giá thành do giá cá tra xuất khẩu giảm, kéo theo doanh nghiệp giảm giá thu mua nguyên liệu. Nhiều hộ nuôi cá tra đã thu hẹp quy mô sản xuất hoặc bỏ ao vì không còn vốn tái sản xuất, nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết cho nên không được vay thêm, kể cả thế chấp ao nuôi. Tại Ðồng Tháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Hoàng Vũ cho biết:

Toàn tỉnh hiện có 20 doanh nghiệp hoạt động chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu nhưng sản xuất hằng năm chỉ đạt khoảng 40% công suất thiết kế. Hiện chỉ có chừng 10 doanh nghiệp duy trì mức sản xuất này, số còn lại đang giảm sản lượng, trong đó có ba doanh nghiệp ngưng sản xuất hoàn toàn. Cứ đà này, không biết còn bao nhiêu doanh nghiệp trụ lại được, dù chỉ duy trì sản xuất gần 40% công suất.

Không dừng lại ở nguồn nguyên liệu thiếu hụt mà các doanh nghiệp xuất khẩu còn phải đối mặt nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chính sụt giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu vào ba thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012. Năm tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ đạt 331 triệu USD, giảm 1,1%; Nhật Bản đạt 294 triệu USD, giảm 4,9% và Hàn Quốc đạt 118 triệu USD, giảm tới 20%.

Ngoài ra, các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu chủ lực đã và đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Ðó là thuế chống bán phá giá đối với cá tra, rào cản ethoxyquyn đối với tôm tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Mới đây nhất là rào cản thuế chống trợ cấp đối với tôm xuất sang Mỹ.

Kết quả sơ bộ thuế chống trợ cấp mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo đã ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý, chiến lược và lợi ích kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước. Mặc dù Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngay sau đó lên tiếng phản đối kết quả này và khẳng định đó là sự áp đặt bất công đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, nhưng kết quả cuối cùng vẫn phải chờ vào phán quyết từ phía DOC vào khoảng tháng 10-2013.

Cần giải pháp trọng tâm, quyết liệt

Có thể nói, thách thức mà ngành thủy sản nước ta gặp phải hoàn toàn không mới. Ngược lại, dường như đó là những khó khăn cố hữu từ nhiều năm nay. Vấn đề là tại sao sự tồn tại dai dẳng ấy không được giải quyết triệt để? Người dân đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay sống trên vựa tôm, vựa cá, hằng năm sản xuất ra một lượng hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu, nhưng không thể giàu lên được, thậm chí còn nghèo đi và không ít hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do phá sản. Câu hỏi này đã được đặt ra trong nhiều năm nhưng chưa có lời giải đáp.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra bằng chứng và những câu hỏi đối với ngành chăn nuôi nói chung và thủy sản nói riêng. Ðại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và người nông dân đang bị lỗ kép, nghĩa là doanh thu của nông dân suy giảm nghiêm trọng nhưng chi phí đầu vào sản xuất, tiêu dùng vẫn tăng.

Chính phủ có đưa ra gói giải pháp nào cụ thể, thông qua hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ về vốn và lãi suất cho người sản xuất và chăn nuôi? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát khẳng định: Khó khăn lớn nhất mà ngành chăn nuôi thủy sản đang gặp phải là thị trường khi khối lượng tôm, cá tra sản xuất ra khá lớn nhưng giá xuống, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, trước hết cần gói giải pháp hỗ trợ một cách trực tiếp, tích cực cho nông dân để sớm vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cũng chưa đưa ra lời giải nào trực tiếp và cụ thể hơn, mà nói như đại biểu Trần Hoàng Ngân thì "giải pháp của Bộ trưởng còn hiền quá". Có lẽ đó là một phản ánh đúng, bởi lẽ trong những năm qua, rất nhiều giải pháp được đưa ra để vực dậy và đẩy mạnh ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản nhưng hiệu quả thiếu rõ nét, tốc độ tăng trưởng của ngành chưa tương xứng tiềm năng.

Câu chuyện về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi từ nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu được nói từ lâu như một nhiệm vụ sống còn đối với ngành thủy sản nhưng nhiều năm rồi còn bỏ ngỏ. Liên kết bốn nhà: Nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước mới chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm, chưa thể nhân rộng. Nhất là tín dụng cho ngành thủy sản vừa hạn chế, vừa phức tạp về thủ tục, khiến nông dân và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.

Rõ ràng, trước những khó khăn của người nông dân, tiếng nói của ngành nông nghiệp còn quá nhẹ. Ðiều cần lúc này là sự mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp. Ðồng thời, cần có cái nhìn tổng thể và toàn diện để có chính sách mới cho ngành thủy sản.

Năm 2012, xuất khẩu gạo của Việt Nam đem về kim ngạch 3,7 tỷ USD, xuất khẩu cà-phê cũng đạt khoảng 3,74 tỷ USD, một số mặt hàng khác lọt vào câu lạc bộ xuất khẩu một tỷ USD thì xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch 6,1 tỷ USD. Ðiều đó chứng tỏ tiềm năng và giá trị lớn của ngành kinh tế mũi nhọn này. Theo đó, phải xác định đầu tư cho thủy sản là trọng tâm của ngành nông nghiệp.

Theo ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người cũng từng là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nhiều năm thì cần khai thác thêm không gian phát triển của thủy sản, vì trong nông nghiệp, hầu hết các ngành đã đạt đến giới hạn của sự tăng trưởng, trừ thủy sản. Ðồng thời đổi mới cơ cấu đầu tư, tăng thêm tỷ trọng đầu tư cho thủy sản. Giả sử tổng vốn đầu tư công không tăng, thì điều chuyển vốn từ thủy lợi cho thủy sản. Nếu đi theo hướng này, đóng góp của ngành thủy sản sẽ có bước nhảy vọt.

Với tất cả những lợi thế và giá trị kinh tế mà ngành thủy sản đem lại, tại sao không đầu tư một cách tập trung cho ngành kinh tế này thay vì đầu tư cào bằng, dàn trải ở khắp các lĩnh vực nông nghiệp mà hiệu quả không đem lại là bao? Trả lời câu hỏi này không còn là trách nhiệm chung chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, ngân hàng hay các sở, ban, ngành, liên quan mà đến lúc phải khẳng định rằng, là trách nhiệm và bản lĩnh của người đứng đầu các đơn vị đó.


Related news

hoi-thao-nuoi-trong-thuy-san-mekong-va-bien-doi-khi-hau Hội Thảo Nuôi Trồng Thủy… dua-khoa-hoc-len-dong-ruong Đưa Khoa Học Lên Đồng…