Mô hình kinh tế Tạo đà phát triển rau sạch

Tạo đà phát triển rau sạch

Publish date Monday. September 7th, 2015

Nhiều triển vọng

Những năm qua, với sự giúp sức từ các tổ chức dự án, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được tiếp xúc với mô hình sản xuất rau an toàn. Điển hình như Dự án Nhịp cầu châu Á - Nhật Bản (Bridge Asia Japan - BAJ), từ tháng 4/2014, hỗ trợ người dân 3 phường Hương Long, Thủy Biều, Thủy Xuân (TP Huế) triển khai mô hình chăn nuôi sử dụng hầm bioga. Sau này, dự án tiếp tục mở rộng hoạt động giúp người dân phát triển trồng trọt theo hướng thân thiện môi trường. Các sản phẩm nông nghiệp do người dân nuôi, trồng đều sử dụng phân bón hữu cơ, thức ăn truyền thống có nguồn gốc thiên nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp và phun thuốc trừ sâu…

Mô hình rau hữu cơ của tập đoàn Quế Lâm

Bà Katayama Emiko, Giám đốc dự án cho hay: Sau một thời gian tiến hành khảo sát, Dự án quyết định giúp người dân phát triển mô hình trồng rau theo hướng an toàn; tiến hành tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rau, đến nay, 9 hộ tham gia đã phát triển trồng trọt theo hướng an toàn sinh học với diện tích hơn 1,5 ha.

Ngoài các dự án do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, Trường đại học Nông lâm Huế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng triển khai khá nhiều dự án rau an toàn trên địa bàn các phường, xã trong toàn tỉnh. Những dự án này đã góp phần tạo nên chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân.

Ông Trần Đình Nghệ, xã Quảng Thành (Quảng Điền) cho biết: Tham gia mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn, tôi tiếp thu được nhiều kiến thức mới. Nếu như trước đây, mọi phương thức sản xuất chủ yếu theo kiểu truyền thống, hễ có sâu bệnh là bơm thuốc không theo một quy trình kỹ thuật nào, giờ đây chúng tôi phải tuân thủ nghiêm những kỹ thuật canh tác. Đơn cử phải viết nhật ký canh tác, mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo những chuẩn nhất định, phun thuốc theo đúng liều lượng và trong danh mục cho phép, trước khi thu hoạch phải có thời gian cách ly cụ thể... Sản xuất rau an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ ngay cho chính chúng tôi.

Gần đây, Tập đoàn Quế Lâm đưa 1 sào rau hữu cơ vào trồng thử nghiệm tại thôn Thành Trung, xã Quảng Thành, đây được xem là bước thử nghiệm mới trong việc xây dựng mô hình rau an toàn. Ông Nguyễn Đình Định, chủ doanh nghiệp Hóa Châu, Quảng Thành, người được hợp đồng chăm sóc vườn rau này cho hay: Sau 2 vụ trồng thử nghiệm cho thấy, mô hình trồng rau hữu cơ có hiệu quả kinh tế không thua kém gì trồng rau bình thường.

Do hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nên rau hữu cơ đảm bảo các tiêu chí rau an toàn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành nhân rộng mô hình này để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Cần sự liên kết

Mặc dù có nhiều dự án hỗ trợ trồng rau an toàn được triển khai, tuy nhiên diện tích rau an toàn vẫn ở mức rất thấp so với tổng diện tích trồng rau toàn địa bàn. Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn tỉnh có 4.437 ha rau màu các loại, trong đó chỉ có 263 ha sản xuất theo hướng an toàn, số diện tích rau an toàn được cấp chứng nhận Vietgap chỉ dừng lại con số 41 ha.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên phải kể đến là nhận thức, ý thức của người trồng và cả người tiêu dùng. Người tiêu dùng đã quen với cụm từ rau sạch, rau an toàn nhưng việc phân biệt đâu là rau an toàn là điều không hề đơn giản. Ngay cả chủ nhân những cửa hàng kinh doanh rau cũng khá bối rối khi chúng tôi hỏi rau đang bán là rau sạch hay rau an toàn.

Hiện nay, vùng trồng rau chủ yếu nằm rải rác trong dân chứ không phân bố tập trung tại những vùng nhất định. Đó là cái khó lớn nhất trong việc cấp chứng nhận Vietgap cho người dân. Để giải quyết khó khăn trên, bà Katayama Emiko, Giám đốc Dự án Nhịp cầu châu Á - Nhật Bản cho rằng: “Các địa phương nên tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn.

Song song với đó, cần đứng ra bảo lãnh chất lượng sản phẩm cho nông dân hay phối hợp kiểm tra cấp chứng nhận chất lượng cho mặt hàng này. Người nông dân sẽ tự chịu trách nhiệm về sản phẩm đã được chính quyền đứng ra bảo lãnh ấy”.

Theo ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản: “Cần có cách thức để nhận biết, phân biệt rau an toàn với các loại rau khác để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng. Nhiều quốc gia đã xây dựng một hệ thống quy chuẩn để công nhận chương trình rau an toàn và phổ biến chương trình chứng nhận này tới người tiêu dùng.

Đây là việc làm cần thiết để giúp người tiêu dùng tăng cường nhận biết về sản phẩm an toàn. Các nhà khoa học cũng cần vào cuộc nghiên cứu sản xuất những chế phẩm sinh học sử dụng trong trồng trọt, những phương thức canh tác đảm bảo an toàn…”.

Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển dự án, anh Lý Bá Khương, cán bộ Dự án Nhịp cầu châu Á - Nhật Bản cho hay: “Ở Nhật người nông dân đang dần quay lại với cách canh tác truyền thống. Nghĩa là họ quay lại tìm hiểu những kinh nghiệm trồng rau của thế hệ trước như: cây này thường xuất hiện những loại sâu bệnh nào, vào thời điểm nào, những phương pháp hạn chế bệnh đó mà không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón…

Tại các buổi tiếp xúc với người dân trong dự án, những kinh nghiệm ấy được chia sẻ, ví như sử dụng nước ớt để diệt sâu vào thời điểm chiều tối; hay việc ủ rác thải, phân chuồng để bón cho cây trồng không cần sử dụng các loại phân hóa học… Đó cũng những kinh nghiệm xây dựng nền nông nghiệp sạch theo phương pháp truyền thống”.

Việc giải quyết những khó khăn về thị trường, quy trình kỹ thuật, thay đổi nhận thức của người dân, người tiêu dùng về rau sạch, rau an toàn… là một việc làm hết sức khó khăn. Để làm được điều này, cần sự chung tay phối hợp của doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người dân và cả nhà khoa học.


Related news

ket-qua-buoc-dau-tu-ung-dung-cac-giong-dau-phong-moi Kết quả bước đầu từ… dua-nhau-trong-tieu-bang-tru-cao-su-song Đua nhau trồng tiêu bằng…