Mô hình kinh tế Tập Đoàn Cao Su Lỗ Đề Nghị Lấy Vốn Nhà Nước Giải Quyết?

Tập Đoàn Cao Su Lỗ Đề Nghị Lấy Vốn Nhà Nước Giải Quyết?

Publish date Friday. November 7th, 2014

Đến nay ngoài Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (ALC II) đổ bể, lại có Công ty Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su VN) bị đề nghị giải thể, để lại khoản lỗ trên 1.770 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Tập đoàn Cao su VN vừa có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép sáp nhập công ty tài chính vào tập đoàn và dùng vốn của tập đoàn để “giải quyết”.

Thua lỗ, nợ xấu

Công ty Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su VN) vừa bị đề nghị giải thể, để lại khoản lỗ trên 1.770 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về một số sai phạm của Tập đoàn Cao su, trong đó có hiện tượng lập “công ty sân sau” (Tuổi Trẻ ngày 6-11). Trong văn bản của chính tập đoàn này vừa gửi Thủ tướng còn nêu một vụ việc cụ thể khác, đó là thua lỗ của Công ty Tài chính cao su trực thuộc.

Cụ thể, văn bản của Tập đoàn Cao su nêu Công ty Tài chính cao su tính tới thời điểm gần nhất có vốn điều lệ là 1.088 tỉ đồng, tổng tài sản 1.630 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay tổng lỗ của Công ty Tài chính cao su đã lên tới 1.775 tỉ đồng - vượt quá tổng tài sản.

“Thành tích” và năng lực kinh doanh của Công ty Tài chính cao su đáng ngạc nhiên đến mức công ty này đem tiền đi cho vay trên 1.900 tỉ đồng thì đến nay, với nhiều lý do, nợ xấu lên tới 1.625 tỉ đồng (chiếm tới 83%), có khả năng mất vốn.

Các lý do được đưa ra cho các khoản lỗ, theo Tập đoàn Cao su, vì công ty tài chính ngoài việc cho các công ty thành viên tập đoàn vay, đã cho vay hầu hết vào bất động sản, chứng khoán... Đặc biệt, công ty này còn gửi tiền vào ALC II.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù Công ty Tài chính cao su có những khuyết điểm trên, Tập đoàn Cao su không thể không có trách nhiệm, nhưng trong văn bản gửi Thủ tướng, tập đoàn này giải thích đơn giản về trách nhiệm của mình: những yếu tố quản trị nội bộ công ty, lĩnh vực tài chính ngân hàng tập đoàn không có kinh nghiệm nên khi công ty tài chính mở rộng quy mô đã không theo kịp diễn biến và chưa có kiểm tra, giám sát kịp thời.

“Ngoài ra, là công ty còn non trẻ nhưng chưa có được sự hỗ trợ, cảnh báo kịp thời của các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra với công ty”- báo cáo của Tập đoàn Cao su viết.

Với tất cả thực tế và tồn tại trên, Tập đoàn Cao su đề nghị Thủ tướng cho giải thể công ty tài chính, sáp nhập nguyên trạng vào công ty mẹ. Công ty mẹ sẽ trích lập dự phòng và nhận lỗ 686 tỉ... Là một tập đoàn nhà nước lớn nên Tập đoàn Cao su tự tin nêu “có lợi nhuận để bù đắp khi tiếp nhận khoản lỗ này”.

Lấy vốn nhà nước xử lý

Ông Bùi Văn Dũng, trưởng Ban nghiên cứu cải cách phát triển doanh nghiệp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, bình luận Tập đoàn Cao su đã đẩy trách nhiệm lên cho Thủ tướng giải quyết.

Có thể nói nếu cho sáp nhập thì lỗ của Công ty Tài chính cao su sẽ được lấy vốn của Tập đoàn Cao su, thực chất là vốn nhà nước, để xử lý.

Ông Dũng cũng băn khoăn cần xem kỹ giữa việc cho phá sản công ty tài chính và việc sáp nhập. Bởi Công ty Tài chính cao su là mô hình công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trên vốn góp của mình (1.088 tỉ đồng).

Tổng tài sản của doanh nghiệp cũng vẫn còn trên 1.630 tỉ đồng, ngoài ra những khoản nợ xấu khó đòi đều có tài sản đảm bảo thì có thể tính toán cho phá sản.

Nếu Tập đoàn Cao su nhận sáp nhập công ty tài chính và gánh nợ thì có ưu điểm là các chủ nợ sẽ được tập đoàn trả nợ và Tập đoàn Cao su trong văn bản gửi Thủ tướng cũng khẳng định “có thể đảm bảo điều này”. Tuy nhiên, ông Dũng cũng đặt câu hỏi có ai được lợi khi đối tượng Công ty Tài chính cao su cần phải trả nợ phần lớn lại chính là... Tập đoàn Cao su và các công ty thành viên (chiếm tới 1.400 tỉ đồng trong tổng số nợ trên 1.900 tỉ đồng)?

TS Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, cũng nêu: việc Tập đoàn Cao su muốn sáp nhập và trả nợ thay công ty con, trong khi đối tượng cần phải trả nợ chủ yếu lại là tập đoàn và công ty con của mình, ông Thế Anh đặt câu hỏi và cho rằng chưa thể khẳng định, nhưng điều này dễ dẫn tới phỏng đoán về lợi ích nhóm.

Ngoài ra, ông Phạm Thế Anh cho rằng việc Tập đoàn Cao su sáp nhập công ty con vào mình, về bản chất là lấy tiền nhà nước trong tập đoàn để đi xử lý khoản nợ do làm ăn bết bát của công ty con.

Nêu quan điểm, ông Phạm Thế Anh cho rằng chỉ nên cho sáp nhập vào công ty mẹ nếu Công ty Tài chính cao su thuộc ngành nghề cốt lõi của công ty mẹ, có thế mạnh. Còn nếu không, nên tính toán để giải thể...

Ông Bùi Văn Dũng cho rằng việc công ty tài chính làm ăn thua lỗ đến như thế thì Tập đoàn Cao su có trách nhiệm liên đới. Cần làm rõ trách nhiệm ban lãnh đạo.


Related news

it-ngu-dan-dang-ky-dong-tau-lon-vi-nhieu-vuong-mac ​Ít Ngư Dân Đăng Ký… san-xuat-vu-dong-khong-dat-muc-tieu-vi-sao Sản Xuất Vụ Đông Không…