Mô hình kinh tế Tập Huấn Kỹ Thuật Ương, Ấp Và Nuôi Thương Phẩm Cá Tầm, Cá Hồi

Tập Huấn Kỹ Thuật Ương, Ấp Và Nuôi Thương Phẩm Cá Tầm, Cá Hồi

Publish date Monday. August 5th, 2013

Từ 25-29/7/2013 tại Tuyên Quang, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia (KNQG) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I tổ chức tập huấn về kỹ thuật ương ấp và nuôi thương phẩm cá tầm, cá hồi cho 30 học viên là cán bộ khuyến nông, cộng tác viên (CTV) khuyến nông, cán bộ chi cục thủy sản và một số chủ trang trại nuôi cá tầm, cá hồi đến từ 04 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên.

Đây là hoạt động thuộc chương trình kế hoạch về đào tạo tập huấn khuyến nông năm 2013, nhằm bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, CTV khuyến nông cơ sở và một số chủ trang trại, có đầy đủ những kỹ năng và kiến thức cơ bản, từ đó ứng dụng phổ cập trong sản xuất tại địa phương.

Cá tầm, cá hồi vân là những đối tượng thủy đặc sản chỉ thích nghi với môi trường sống tại một số địa bàn có nguồn nước lạnh đối với cá hồi (nhiệt độ thích hợp từ 12 - 15 độ C) và nước mát đối với cá tầm (nhiệt độ thích hợp từ 18 - 22 độ C). Trong những năm gần đây, hai đối tượng thủy sản này đã được nuôi tại một số tỉnh miền Bắc và miền Trung: như ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Na Hang (Tuyên Quang) nuôi cá tầm; một số tỉnh nuôi được cả hai đối tượng như Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang, Sơn La và Lâm Đồng.

Tuy nhiên, do là đối tượng mới nên các tiến bộ kỹ thuật và qui trình nuôi chưa được phổ cập một cách hoàn thiện và rộng rãi, phần lớn các chủ trang trại chỉ thông qua thăm quan và sử dụng thông tin từ người cung cấp giống để áp dụng nuôi tại gia đình. Thực tế đã có nhiều chủ trang trại nuôi cá nước lạnh bị thất bại do thiếu các kiến thức về kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá.

Ông Sìn Văn Vu, chủ trang trại nuôi cá tầm tại xã Tả Sử Choong, Hoàng Su Phì, Hà Giang chia sẻ tại lớp tập huấn: “Tôi đã bắt đầu nuôi cá nước lạnh từ năm 2008. Khi mới bắt đầu nuôi, tôi mua giống ở Lâm Đồng, do không biết về kỹ thuật nuôi dưỡng nên phải mua luôn cả thức ăn của họ; rất vất vả và chi phí quá cao. Lần gần đây nhất là năm 2012, khi mua 1.500 cá giống của trại cá Tam Đảo, Vĩnh Phúc về nuôi, sau một tháng cá bị bệnh và chết gần 1.000 con do gia đình không biết cách chữa trị”.

Nắm bắt thực tiễn trên, ngay từ năm 2011, Trung tâm KNQG đã phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản xây dựng tài liệu tập huấn và tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông về “Kỹ thuật ương, ấp và nuôi thương phẩm cá tầm, cá hồi”.

Khóa tập huấn lần này không chỉ tạo điều kiện cho các học viên trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong nuôi các đối tượng cá nước lạnh mà còn giúp các học viên được giải đáp những vướng mắc, phát sinh trong thực tế và tiếp thu thêm những kiến thức mới về chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, cũng như về thị trường, đường lối chính sách trong việc quản lý; sản xuất và phân phối sản phẩm cá tầm, cá hồi.

Đào tạo, tập huấn là nhiệm vụ hoạt động thường xuyên hàng năm của Trung tâm KNQG, giúp gắn kết và chuyển giao nhanh những tiến bộ về kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho lao động nông nghiệp; xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa các tác động xấu đến môi trường.

Đây cũng chính là những việc làm cụ thể để góp phần thực hiện nhiệm vụ “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” mà Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 vừa qua.


Related news

nuoi-tom-the-thay-tom-su Nuôi Tôm Thẻ Thay Tôm… ca-bong-tuong-co-gia-nong-dan-phan-khoi Cá Bống Tượng Có Giá…