Tập Trung Phòng Trừ Sâu Đục Thân
Sau nhiều biện pháp kỹ thuật tổng hợp tác động nhằm kích thích lúa nhanh trỗ bông đến nay lúa xuân sớm ở đồng bằng và trung du Bắc bộ đang bắt đầu trỗ tuy nhiên đang bị các loài sâu đục thân gây hại nhất là sâu đục thân năm vạch và cú mèo, một số diện tích lúa bị hại nặng đặc biệt là những giống lúa thơm chất lượng cao. Lúa xuân bị hại vào giai đoạn này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất sau này.
Có 4 loài sâu đục thân hại lúa chính gồm: Sâu đục thân bướm hai chấm còn gọi là sâu đục thân mình vàng, sâu đục thân bướm cú mèo còn gọi là sâu đục thân màu hồng, sâu đục thân 5 vạch đầu nâu và đầu đen.
Các loài sâu đục thân này có một số điểm chung là sâu non đục vào thân làm cho lá nõn ban đầu héo xanh sau đó chuyển vàng lá, úa cây, bông bạc. Khi sâu non phá hại không để ruộng cạn nước; phải phun thuốc khi sâu non mới nở tuổi 1 hoặc 2 và sử dụng chung thuốc như Padan 4G, Regent hoặc Basudin 10H. Chúng còn khác nhau về đặc điểm phát sinh, tập tính hoạt động và mức độ gây hại.
Cách phát hiện các loài sâu đục thân trên ruộng lúa:
Dảnh lúa bị sâu đục thân 5 vạch đầu nâu, đầu đen và sâu đục thân bướm cú mèo hại bẹ lá thường bị sâu ăn thối nát. Còn dảnh lúa bị sâu đục thân bướm hai chấm gây hại phía ngoài bẹ và thân lúa gần như vẫn bình thường.
Do đặc điểm phát sinh mà thời điểm phòng trừ khác nhau:
Với sâu đục thân lúa bướm hai chấm phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm. Hàng năm sâu đục thân hai chấm xuất hiện 6-7 lứa. Do đó, chúng có thể phá hại liên tục trong suốt thời gian sinh trưởng của cây lúa kể từ khi lúa có 2-3 lá tới khi lúa trỗ và vào chắc thời điểm phòng trừ tốt nhất là sau 15/5 dương lịch.
Với sâu đục thân 5 vạch đầu đen, đầu nâu và sâu đục thân bướm cú mèo thì thời điểm phòng trừ sớm hơn tốt nhất là từ trung tuần tháng 4 đến đầu tháng 5 dương lịch. Bởi vì sâu đục thân 5 vạch đầu nâu và đầu đen thích nghi với nhiệt độ thấp hơn so với sâu đục thân bướm hai chấm nên có thể phát sinh liên tục trong các tháng mùa đông. Hai loài sâu đục thân này phá hại từ khi cây lúa ở cuối giai đoạn đẻ nhánh đến khi trỗ. Mỗi năm hai loài sâu này đều xuất hiện 5, 6, 7 lứa và thích hợp với ruộng có mức nước không ngập bẹ lá. Còn sâu đục thân bướm cú mèo mỗi năm xuất hiện 5- 6 lứa. Sâu thích hợp với khoảng nhiệt độ rộng nên phát sinh gây hại tất cả các vụ lúa, kể cả những tháng mùa đông.
Một điểm đáng lưu ý là nếu như những năm trước sâu đục thân bướm hai chấm hại lúa là chủ yếu thì vụ xuân năm nay sâu đục thân năm vạch và cú mèo xuất hiện và gây hại nhiều nhất do điều kiện thời tiết vụ xuân năm nay rất thích hợp cho chúng phát sinh phát triển.
Căn cứ vào tập tính hoạt động khác nhau của sâu non cho nên biện pháp phòng trừ phải khác nhau mới mang lại hiệu quả cao. Nếu sâu đục thân bướm hai chấm khi chui vào thân cây nào thì chỉ gây hại cho cây đó nhưng với sâu đục thân 5 vạch và bướm cú mèo có tính di chuyển mức độ gây hại nghiêm trọng hơn và nhanh hơn. Khi phát hiện có hai loài sâu này đã đục vào thân thì phải sử dụng 0,7-1 kg Basudin 10H trộn đều với 2–3 kg cát sạch rắc cho một sào lúa.
Mặt khác thời điểm này thông thường mọi năm lúa xuân ở đồng bằng và trung du Bắc bộ cơ bản đã trỗ xong và vào chắc trước khi sâu đục thân lứa 2 nở rộ gây hại nhưng năm nay hầu hết diện tích mới đang ở giai đoạn có đòng già và bắt đầu trỗ cho nên bà con nông dân không được chủ quan mà phải tích cực phát hiện và phòng trừ một cách có hiệu quả theo đúng hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.
Để giúp nhà nông phòng trừ một cách triệt để các loài sâu đục thân trên giảm thiểu thiệt hại chúng tôi khuyến cáo: Bắt buột phải phun thuốc phòng trừ sâu đục thân cho toàn bộ diện tích càng sớm càng tốt, với những diện tích vẫn chưa trỗ bông phải phòng trừ kép bảo vệ lúa đợt một vào thời điểm này, đợt hai khi lúa bắt đầu trỗ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao