Tàu Nằm Bờ, Cá Biển Tăng Giá
Giá dầu tăng cao, cá tôm ngày càng ít... là nguyên nhân khiến cho hàng trăm tàu đánh cá ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... đang phải nằm bờ.
Cảng cá Gành Hào (H.Đông Hải, Bạc Liêu) trong những ngày này khá trầm lắng. Những chiếc tàu đánh bắt xa bờ nằm im lìm dọc hai bờ sông. Một cán bộ ở Phòng NN-PTNT H.Đông Hải cho biết, toàn huyện có gần 520 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, nhưng chỉ có khoảng 30 - 40% ra khơi, chủ yếu là tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ.
Bỏ biển thì biết làm gì?
Ông Nguyễn Văn Siếu - một ngư dân ở ấp 5, thị trấn Gành Hào, thở dài nói cặp tàu cào đôi của ông đã nằm bờ hơn một tuần nay. Chuyến ra khơi gần đây nhất, ông tốn tiền mua dầu, nước đá… hơn 150 triệu đồng, trong khi tiền bán cá chưa đầy 100 triệu đồng. “Từ đầu năm đến nay, tôi bị lỗ vốn hơn 250 triệu đồng. Do vậy tôi quyết định cho cặp tàu nằm bờ, hơn 20 ngư phủ phải tứ tán khắp nơi”, ông Siếu nói.
Tại Bình Thuận, ngồi thất thần trên con tàu nhìn ra cửa biển Phan Thiết, anh Nguyễn Giá (41 tuổi, quê ở Phù Mỹ, Bình Định) buồn bã nói: “Vất vả suốt tuần lễ trên biển, con tàu 360 CV với 12 người bạn chài vào Phan Thiết chỉ bán được 14 triệu đồng sản phẩm. Trong khi mỗi chuyến ra khơi tàu phải tốn ít nhất 40 triệu đồng. Bây giờ không dám về Bình Định, mà nằm đây thì phải nuôi bạn với 12 miệng ăn trong khi không biết hôm nào mới đi biển được”.
Chủ tàu Hồ Văn Sáu (45 tuổi, ở Phan Rí Cửa, H.Tuy Phong, Bình Thuận) đã phải giảm từ 3 chuyến biển/tháng xuống còn 1 chuyến/tháng. “Ở quê tôi, nhiều người đã và sắp bán tàu vì thiếu nợ ngân hàng không có tiền trả”, anh Sáu kể.
Ở cảng Vũng Tàu, anh Nguyễn Ngọc Châu (ngụ xã Phước Tỉnh), lo âu: “Phải đợi qua lễ xem giá dầu có xuống không mới có thể đi biển được. Bây giờ bỏ biển thì biết làm gì?".
Ngư dân Nguyễn Văn Minh (P.An Hòa, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) nhẩm tính: “Sau 2 lần tăng giá gần đây, hiện giá dầu đã tăng thêm 6.300 đồng/lít. Gia đình tôi có 3 chiếc tàu, mỗi con nước tiêu tốn hơn 10.000 lít dầu, vị chi chúng tôi phải mất thêm hơn 60 triệu đồng chi phí nhiên liệu. Trong khi đó, giá thủy sản chỉ tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg”.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 2.978 tàu lưới kéo (khoảng 25% số tàu cá toàn tỉnh). Phương tiện này tiêu tốn nhiên liệu rất lớn, trung bình một cặp tàu lưới kéo (500 CV/chiếc) tiêu tốn hết khoảng 60.000 lít dầu cho mỗi chuyến đi biển 50 ngày, chiếm đến 80% chi phí của cả chuyến đi. Dầu tăng giá, nhiều loại vật tư khác cũng tăng giá, chi phí chuyến đi biển bị đội lên khoảng 40%. Bên cạnh đó, cá tôm ít đi khiến sản lượng khai thác giảm, hiệu quả kinh tế thấp.
Theo tính toán của ông Tô Duy Đại, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, thì hiện các chủ ghe cào, lưới đèn phải tốn thêm chi phí nhiên liệu trên 30 triệu đồng/chiếc/chuyến biển; tàu câu mực phải mất thêm 10 - 15 triệu đồng/tháng. “Hiện trong hội của tôi có trên 100 chiếc nằm bờ”, ông Đại nói.
Liên kết để giảm chi phí
Ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế H.Phú Quốc cho biết, để tiếp tục bám biển, bám nghề trong điều kiện hiện nay, các chủ tàu cá đã hợp tác sản xuất theo tổ, nhóm; tổ chức trung chuyển nhiên liệu, sản phẩm... nhằm giảm chi phí. Nhiều chủ tàu cho biết họ vẫn cho tàu ra khơi chủ yếu là để giữ chân ngư phủ.
Một số chủ tàu thì chọn cách cho tàu... nằm biển thay vì năm bờ. Tức tàu cũng ra khơi nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, chỉ khi nào phát hiện được luồng cá thì tàu mới thực sự hoạt động.
Theo ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đang cho thống kê cụ thể số phương tiện, chủ tàu để kiến nghị Bộ NN-PTNT và Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ vốn hoặc hỗ trợ một phần giá dầu để bà con an tâm tiếp tục hoạt động khai thác. Cùng lúc, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản tăng cường đàm phán với các nước trong khu vực (nhất là Indonesia, Malaysia) để ngư dân có thể hợp đồng khai thác ở vùng biển nước ngoài một cách hợp pháp; đồng thời kiến nghị có chính sách hỗ trợ chi phí cho tàu khai thác hải sản xa bờ và xem xét miễn, giảm thuế cho ngư dân.
Doanh nghiệp điêu đứng
Bà Tô Tuệ Lang - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Bình Thuận cho biết: “Ngư dân không đi biển dẫn đến việc nhiều DN không có nguyên liệu chế biến. Tình trạng khan hiếm nguyên liệu, giá tăng cao trong khi giá xuất khẩu tăng rất ít khiến DN làm cũng lỗ, mà không làm thì càng lỗ”. Theo ông Lê Văn Kháng - Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản và XNK Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), công ty đã hỗ trợ giá dầu cho ngư dân, chấp nhận tăng giá mua cá nhưng nguồn nguyên liệu vẫn không đủ. Lượng nguyên liệu thu mua của công ty đã giảm từ 100 tấn cá/ngày trứơc đây xuống còn 20 - 30 tấn/ngày. Một số DN phải nhập nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài để duy trì hoạt động.
Thủy hải sản bắt đầu khan hiếm
Tại các chợ lẻ ở TP.HCM, nhiều mặt hàng thủy hải sản có dấu hiệu khan hiếm, giá tăng cao. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá nhiều loại thủy hải sản tăng từ 10 - 20%. Trong đó giá cá biển có loại tăng đến gần 50%. Chẳng hạn cá thu đao từ 45.000 đồng/kg lên 65.000 đ/kg, cá ngân từ 35.000 đ/kg lên 60.000 đ/kg, cá ngừ tăng khoảng 15.000 đ/kg, lên 40.000 đ/kg... Đại diện một số siêu thị cho biết tháng 5 này sẽ có đợt tăng giá thực phẩm khoảng 20%, trong đó có thủy hải sản. Hiện nhiều nhà cung cấp đã gửi thông báo tăng giá bán
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao