Thách Thức Mới Cho Nghề Nuôi Tôm Công Nghiệp
Cùng với tôm giống kém chất lượng, phân vân giữa chọn đối tượng tôm sú hoặc thẻ chân trắng, người nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau còn đối mặt với những khó khăn về hạ tầng, môi trường nước bị ô nhiễm, thiếu vốn, dịch bệnh trên tôm hoành hành. Đó là nguyên nhân làm cho nghề nuôi tôm phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhấn mạnh, mặc dù Cà Mau có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn (chiếm 1/4 cả nước), sản lượng tôm nuôi gần bằng 1/3 cả nước, nhưng đầu tư cho nuôi trồng thuỷ sản còn quá ít.
Đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp, tuy tỉnh đã có cơ chế chính sách để phát triển vùng nuôi nhưng xem ra còn chậm, đặc biệt trong vấn đề hạ thế điện 3 pha, trong liên kết 4 nhà, trong xây dựng hạ tầng vùng nuôi, trong ưu đãi về vốn, trong nghiên cứu về dịch bệnh…
Theo báo cáo từ Chi cục Thuỷ lợi, kinh phí đầu tư cho 2 vùng Nam và Bắc Cà Mau khoảng 6.000 tỷ đồng (thời điểm năm 2000), trong khi đó tổng vốn ngân sách đã đầu tư từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất đến nay mới chỉ khoảng 15% theo yêu cầu quy hoạch.
Hạ tầng kém phát triển
Như vậy, so với nhu cầu thì kinh phí đầu tư như đã qua rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất đặt ra. Do đó, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song tình trạng ngập úng vẫn xảy ra, tình hình tôm chết lây lan vẫn tái diễn, triều cường gây tràn bờ làm thiệt hại đến sản xuất.
Bên cạnh vấn đề thuỷ lợi thì con giống cũng chưa được quan tâm đúng mức. Ông Châu Công Bằng cho rằng: “Đề án về sản xuất giống, tiến độ còn chậm. Vấn đề về vốn sản xuất cũng chưa được đáp ứng kịp thời”.
Ông Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khẳng định: “Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bảo lãnh tín dụng vay vốn sản xuất nông nghiệp - nông dân - nông thôn rất ít nông dân được tiếp cận. Trong khi đó, ngân hàng thì luôn dè dặt với những hộ nuôi tôm công nghiệp vì sợ rủi ro”.
“Trong xử lý dịch bệnh trên tôm cũng vậy, dịch bệnh đến nay đã gần 3 năm nhưng vẫn chưa có thuốc đặc trị, sự vào cuộc của các nhà khoa học còn chậm, hạn chế nhiều mặt”, ông Châu Công Bằng trăn trở.
Tình trạng tôm chết liên tục, trong khi chi phí sản xuất lại quá cao, sản lượng tôm nguyên liệu sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều nông dân điêu đứng vì… hết vốn đầu tư. Hiện tại giá tôm đang ở mức cao ngất ngưỡng nhưng người nuôi vẫn không có tôm để bán vì họ đã treo đầm hoặc chuyển sang nuôi loài thuỷ sản khác.
Đó là cái giá phải trả cho việc mở rộng diện tích nuôi tôm ồ ạt không theo quy hoạch. Bức tranh về mô hình nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau đang hiển hiện những gam màu tối.
Ý thức người dân chưa cao
Trong cuộc họp với ngành NN&PTNT vừa qua, ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỏ ra quan ngại khi 70% người nuôi tôm công nghiệp xả thải trực tiếp ra sông. Trong khi đó, đa số vùng nuôi tôm công nghiệp tiếp cận kinh cấp I, II, rất dễ ô nhiễm.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp thì hiện nay 98% hộ nuôi tôm công nghiệp đều có xét nghiệm tôm giống nhưng tôm nuôi vẫn chết. Như vậy, ngành cần xem xét đến yếu tố nguồn nước ô nhiễm và vấn đề tuân thủ lịch thời vụ.
Ông Trần Văn Của, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhị Nguyệt, khẳng định: “Do Đầm Dơi phát triển nuôi tôm công nghiệp trước nên giờ đây nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Một phần nguyên nhân của việc ô nhiễm nguồn nước là do hệ thống thuỷ lợi chưa đồng bộ khiến cho dòng chảy chưa được thông thoáng.
Mặt khác, do ý thức người dân còn hạn chế nên việc xả thải ra sông của các đầm tôm công nghiệp khiến tình hình dịch bệnh càng lây lan nhanh, không thể kiểm soát được”.
Một lý do khác không thể không nhắc đến đó là việc tuân thủ lịch thời vụ của người dân. Ông Phạm Văn Den, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, khẳng định: “Thành công của người nuôi tôm công nghiệp ở Phú Tân phần lớn là nhờ yếu tố nguồn nước chưa bị ô nhiễm nặng.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là nông dân Phú Tân tuân thủ sát sao lịch thời vụ, không nôn nóng trong tái sản xuất. Dù trúng hay thất thì bà con cũng hết sức kỹ càng, bình tĩnh, thận trọng trong những vụ nuôi tiếp theo”.
Theo số liệu thống kê từ ngành NN&PTNT, diện tích nuôi tôm công nghiệp đến thời điểm này là hơn 5.000 ha. Tuy nhiên, con số này trên thực tế còn thấp hơn nhiều do nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc các loài thuỷ sản khác. Việc nuôi không theo quy hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn như đã qua.
Ông Châu Công Bằng khẳng định, về lâu dài, tỉnh Cà Mau cần khắc phục, giải quyết tình trạng tự phát mạnh ai nấy làm, sớm triển khai quy hoạch đồng bộ về nuôi trồng thuỷ sản; có giải pháp, chủ trương phát triển từng loại hình nuôi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng nuôi, từng địa phương.
Theo đó, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ như: khu sản xuất giống tập trung; hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản; tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi thâm canh, quảng canh năng suất cao; đa dạng hoá các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hoá. Tạo đầu ra sản phẩm, ổn định thị trường xuất khẩu.
Vấn đề quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường nước phải được quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển vùng nuôi. Từng bước hướng dẫn nhân dân xây dựng vùng nuôi an toàn, vùng nuôi tôm nguyên liệu tập trung để phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp ổn định, bền vững.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao