Tin thủy sản Thách thức mới với mặt hàng chiến lược cá tra xuất khẩu

Thách thức mới với mặt hàng chiến lược cá tra xuất khẩu

Author Thanh Hải, publish date Tuesday. August 22nd, 2017

Ngày 17/8, tại Cần Thơ, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ hội thách thức mới đối với thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam”.

Vẫn còn rào cản cá tra xuất khẩu (Ảnh: HĐ)

Nhân sự kiện này, NNVN có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra VN Võ Hùng Dũng. 

Ông Dũng cho biết, tình hình hiện nay đang đặt ra những vấn đề đầy thách thức đối với sản phẩm cá tra, một mặt hàng thủy sản chiến lược của nước ta. Tập trung rõ nét nhất ở thị trường Mỹ, tôi có sự lo lắng là con cá tra sẽ không còn đường vào thị trường này.

Phía Mỹ đang xem xét, nếu công nhận sự tương đương tiêu chuẩn giữa ta với Mỹ thì xuất khẩu cá tra vào Mỹ vẫn giữ được, có thể còn tăng nhưng để được Mỹ công nhận tương đương lại “khó bằng lên trời”. Tất cả tùy thuộc vào kết quả đàm phán giữa hai nước. Tuy nhiên, trong một suy nghĩ cảm tính thì tôi cũng hy vọng là kết quả sẽ không bế tắc.

Ở thời điểm này, có thể đánh giá tình hình các thị trường hàng đầu như thế nào?

Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của cá tra xuất khẩu Việt Nam nhưng đang gặp khó khăn cũng lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm ngoái chiếm 22,6% tổng kim ngạch, 6 tháng đầu năm nay vẫn chiếm 21,1%. Tuy nhiên, như tôi vừa nói, từ ngày 1/9/2017 sẽ thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại Hoa kỳ, xác định các điều kiện tương đương nhau; kiểm soát sẽ nghiêm ngặt theo từng công đoạn từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y đến vận chuyển, nhà máy. Từ ngày 1/8/2017, tất cả các lô hàng cá tra vào Mỹ đã bị kiểm tra, tập trung 3 vấn đề là nhãn mác, các thông số ghi trên bao bì và dư lượng hóa chất. Bên cạnh, DOC công bố mức thuế cao áp cho cá tra (POR12).

"Thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá tra: Tập trung vào con giống, thương phẩm, chế biến, môi trường. Song song, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra. Xây dựng và phát triển cụm ngành, chuỗi ngành. Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam.

Chiến lược thị trường: Tập trung phát triển các thị trường có sẵn (Mỹ, EU, Trung Quốc, Asean, chiếm 50-60%  thị phần). Nghiên cứu, ứng dụng và tuyên truyền khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống, nuôi, thức ăn." (Ông Võ Hùng Dũng)

Thị trường EU trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch đạt 101 triệu USD, giảm 24,1% so với cùng kỳ, tỷ trọng chỉ còn chiếm 12,1%. Cá tra đang cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng bản địa (cá tuyết, cá Alaska pollock), cá biển khác như cá ngừ, cá hồi. Bị truyền thông một số nước EU bôi xấu, ảnh hưởng tới doanh số tiêu thụ.

Thị trường Trung Quốc - Hồng Kông mới nổi, giá trị và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Tỷ lệ tăng hàng năm so với năm trước luôn phát triển ở mức cao, năm 2014 là 6,4%, năm 2015 là 10,3%, năm 2016 là 17,8%, và 6 tháng đầu năm 2017 đến 20,5%. Dự báo trong năm 2017, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ, lên dẫn đầu.

Như thế, thị trường Mỹ tăng liên tục trong năm 2007-2012, sau đó ổn định. Thị trường EU có xu hướng giảm từ năm 2009 đến nay. Thị trường Trung Quốc - Hồng Kông xu hướng tăng liên tục đến nay.

Thị trường Trung Quốc có đặc điểm gì khác so với Mỹ, EU?

Các thị trường Mỹ, EU chuộng cá tra phillet, còn thị trường Trung Quốc không thích phillet mà thích cá tra nguyên con, khi nấu phải thấy trong nồi nổi lên cả đầu và đuôi. Thị trường Trung Quốc thích các món cá tra chế biến theo truyền thống ẩm thực của họ.

Phải chăng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông một cách vững bền, chúng ta phải thay đổi công nghệ chế biến?

Đúng thế. Năm 2014, tôi sang Trung Quốc có đến thăm một nhà máy chế biến cá xuất khẩu sang Nhật Bản của một gia đình đã dành cả đời nghiên cứu ẩm thực Nhật Bản. Họ cho biết, trước đây, chủ yếu chế biến cá chình nhưng vì nhiều khó khăn nên đang nghiên cứu chuyển sang chế biến cá tra vì dễ chế biến hơn. Theo họ, người Nhật Bản luôn đề cao chất lượng nhưng bây giờ cũng đã có nhiều thay đổi, quan tâm cả đến giá, muốn có sản phẩm giá thấp. Qua đó khiến tôi suy nghĩ, các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của ta cần học tập tư duy, cách làm để chuyển từ công nghệ chế biến cá tra phille sang chế biến gắn với văn hóa ẩm thực của từng thị trường. Điều này dĩ nhiên rất khó nhưng là con đường đảm bảo ổn định xuất khẩu cá tra, nhất là sang Trung Quốc.

Hoạt động xúc tiến thương mại của Trung Quốc - Hồng Kông như thế nào, thưa ông?

Trong 7 tháng đầu năm 2017, cá tra xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 223,531 triệu USD, giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 22% tổng giá trị xuất khẩu cá tra cả nước; Trung Quốc ước đạt 201,091 triệu USD, tăng 46%, chiếm 20,3% tổng giá trị xuất khẩu và EU ước đạt hơn 120 triệu USD, giảm 23,1%, chiếm 12,1% tổng giá trị xuất khẩu.

Các hoạt động xúc tiến sang Trung Quốc không chỉ ở vùng duyên hải nữa mà sâu bên trong nội địa như các tỉnh Hồ Bắc, Tứ Xuyên. Các hội chợ thủy sản của Trung Quốc trước đây nổi tiếng với Thanh Đảo, Thượng Hải thì gần đây đã hoạt động sôi nổi ở Trạm Giang trên bán đảo Lôi Châu, ở Phòng Thành Cảng tỉnh QuảngTây là những nơi gần với biên giới nước ta. Tại những nơi đó, nhằm thúc đẩy buôn bán, họ xây dựng những khu logistic hiện đại, tổ chức bài bản hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí. Họ còn tổ chức nhiều cuộc thi ẩm thực như cuộc thi ẩm thực ở Vũ Hán chế biến cả ngàn món ăn có cá tra.

Với cơ hội và những lợi thế đó, gần gũi về văn hóa ẩm thực, chi phí vận chuyển thấp thì có nên chăng sản phẩm cá tra tập trung phát triển thị trường Trung Quốc - Hồng Kông để khắc phục những thách thức ở thị trường Mỹ, EU?

Cá tra vẫn rất cần giữ thị trường Mỹ và EU, bởi vì nếu để giảm trên 30% kim ngạch là thiệt hại quá lớn. Quan trọng hơn, sản phẩm cá tra vào thị trường Mỹ, EU còn là neo giữ uy tín, thương hiệu. Tôi tìm hiểu được biết, những năm qua, cá tra vào thị trường Trung Quốc - Hồng Kông phát triển mạnh là nhờ niềm tin về chất lượng khi đã được xuất khẩu nhiều vào Mỹ, EU. Bởi Trung Quốc là điểm nóng thế giới về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi sản phảm phải đảm bảo chất lượng và sản phẩm cá tra xuất sang Trung Quốc cũng dần sẽ theo những tiêu chuẩn nhất định mà phía Trung Quốc yêu cầu. Do đó, nâng cao chất lượng để giữ thị trường Mỹ, EU và phát triển thị trường Trung Quốc - Hồng Kông mới giữ được sản phẩm cá tra chiến lược của chúng ta.

Còn thị trường trong nước, ông đánh giá thế nào?

Sản phẩm cá tra xuất khẩu hằng năm 1,7-1,8 tỷ USD nhưng tiêu thụ trong nước kém là điều khó chấp nhận.

Theo tôi, do trong nước quảng bá yếu, để dai dẳng ấn tượng “hầm cá dồ” (nuôi mất vệ sinh), không hay, trong lúc thực tế, cá tra đã là ngành công nghiệp hiện đại từ nuôi đến chế biến.

Nên đáng mừng là Bộ NN-PTNT có chủ trương tổ chức Hội chợ Cá tra lần thứ nhất ở Hà Nội vào đầu tháng 10 này, hy vọng sẽ được tổ chức thường niên, luân phiên ở các thành phố lớn. Bên cạnh, củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới: E – commerce; sàn giao dịch thủy sản, thực phẩm.

Cũng nhằm mục đích quảng bá sản phẩm cá tra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã tổ chức thường niên cuộc thi “Ngày hội ẩm thực cá tra Việt Nam” ở Cần Thơ và đang xúc tiến tham dự “Triển lãm thương mại điện tử ẩm thực Tứ Xuyên - Trung Quốc lần thứ hai và đại hội thu mua ẩm thực thủy sản Trung Quốc” vào giữa tháng 10 năm nay.

Việc xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam chục năm qua hô hào nhiều mà chưa có kết quả, bây giờ cần làm bài bản hơn, bằng những bước đi cụ thể, giản dị.

+ Ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ̉ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam:

Nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo lắng do Luật Farm Bill triển khai sớm nên việc chuyển giao từ Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) sang Cục Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ diễn ra nhanh hơn trong khi năng lực kiểm tra của hai cơ quan này khác nhau, nhất định sẽ gây ra những tác động không mong muốn.

Bên cạnh đó, ngày 31/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã kết thúc đợt rà soát hành chính lần thứ 14 đối với cá tra (POR 14) từ 1/8/2016 - 31/7/2017 thuế chống bán phá giá cá tra, và kể từ ngày 1/8/2017 sẽ bước sang kỳ POR mới. Dự kiến khoảng tháng 9/2017, DOC sẽ có kết quả sơ bộ của kỳ POR13.

Hai vấn đề trên là rào cản thương mại lớn, ảnh hưởng trực tiếp lên xuất khẩu cá tra vào Mỹ, có khả năng giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong các tháng cuối năm tiếp tục giảm.

NGỌC BÍCH

+ TS Đào Trọng Hiếu, trưởng phòng Phát triển thị trường thủy sản – Cục Chế biến và Phát triển thị trường thủy sản:

Dự thảo TCVN Quy phạm chế biến cá tra phi lê đông lạnh liên quan đến công đoạn chế biến cá tra, nhằm đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn thống nhất chung về qui trình chế biến; khuyến khích áp dụng để nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau 2 năm khảo sát thực hiện dự thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp dự kiến đến cuối 2017 sẽ hoàn hiện hồ sơ về Quy phạm chế biến cá tra phi lê đông lạnh để trình Bộ Khoa học công nghệ công bố.


Related news

nuoi-tom-quang-canh-cai-tien-it-thay-nuoc Nuôi tôm quảng canh cải… myanmar-chien-luoc-phat-trien-nganh-ro-phi Myanmar: Chiến lược phát triển…