Thâm canh cây ăn quả theo VietGAP, thu 300 - 700 triệu đồng/ha
Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng sang cây ăn quả, áp dụng bài bản các quy trình kỹ thuật tại Ninh Thuận cho hiệu quả kinh tế từ 300 - 700 triệu đồng/ha.
Nông dân tại nhiều nơi ở Ninh Thuận được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nhiều quy trình kỹ thuật trồng cây ăn quả theo VietGAP.
Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đang triển khai thực hiện nhiều mô hình cây ăn quả, trong đó nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên cây ăn quả như hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật thâm canh cây ăn quả theo hướng VietGAP, hướng dẫn kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, thụ phấn cho hoa, cách cho cây ra hoa trái vụ, kỹ thuật bao trái, bảo quản sau thu hoạch để cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường được nông dân nhân rộng.
Nông dân tại Ninh Thuận ngày càng ý thức được vai trò của việc sản xuất cây ăn quả theo quy trình kỹ thuật bài bản.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, giai đoạn 2016 - 2020, đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện các mô hình mới và thâm canh các loại cây ăn quả như chôm chôm, măng cụt, bơ sáp, bưởi da xanh, mãng cầu và táo theo hướng VietGAP, quy mô 65,5 ha, trên địa bàn huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn và Bác Ái.
Trong quá trình thực hiện mô hình, đã nhân rộng được 4,8 ha bưởi da xanh và 0,4 ha mãng cầu tại huyện Ninh Sơn và Ninh Phước. Năm 2021, Trung tâm đang thực hiện xây dựng 14 ha mô hình thâm canh cây bưởi da xanh theo hướng VietGAP tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam và mô hình thâm canh cây táo theo hướng VietGAP tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn.
Các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao, ngoài mô hình trồng mới cây chôm chôm, măng cụt, bơ sáp đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản chưa đánh giá hiệu quả, các mô hình thâm canh bưởi da xanh, mãng cầu, táo đã cho hiệu quả tốt.
Cụ thể, tại xã Phước Bình (huyện Bác Ái), nông dân trồng 1 ha bưởi da xanh mỗi năm thu hoạch được hơn 12 tấn, giá bán 35.000 đồng kg, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 360 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng bắp 300 triệu đồng.
Đối với cây mãng cầu tập trung nhiều ở xã Phước Trung, Phước Chính, Phước Đại (Bác Ái), Phước Hà, Nhị Hà (Thuận Nam), xã Phước Vinh (Ninh Phước) cũng cho lợi nhuận cao, đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm.
Điển hình là mô hình thâm canh 0,7 ha mãng cầu theo VietGAP của gia đình ông Thiêng ở thôn Phước An 1, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước với mô hình trồng cây mãng cầu (na) Thái giống Hoàng Hậu (trồng từ năm 2017).
Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, bao trái theo hướng VietGAP, đến nay mỗi cây cho thu hoạch từ 30-40 kg/vụ, giá bán buôn thường ngày cao gấp 2-3 lần so với mãng cầu ta đã giúp gia đình ông Thiêng có lãi trên 700 triệu đồng mỗi năm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao