Tin nông nghiệp Tham quan các mô hình sản xuất rau ăn lá VietGAP

Tham quan các mô hình sản xuất rau ăn lá VietGAP

Author Minh Hoàng, publish date Monday. June 17th, 2019

Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chuyến tham quan các mô hình sản xuất rau ăn lá theo quy trình VietGAP tại các tỉnh miền Tây (Long An, Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ).

Một mô hình trồng rau ăn lá áp dụng công nghệ cao

Mục đích của chuyến tham quan nhằm tạo điều kiện cho cán bộ kỹ thuật, nông dân sản xuất rau ăn lá trên địa bàn các quận, huyện có cơ hội giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP có hiệu quả về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Khuyến nông thời gian tới,… 

Theo đó, đoàn đã đến tham quan các điểm: Thứ nhất là mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao sử dụng ánh sáng sinh học trong nhà theo công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH MTV Rrfarn Green Farm (lô M6B, đường số 7, Khu công nghiệp Long Hậu mở rộng, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An);

Thứ 2 là HTX rau an toàn Gò Công (ấp Chợ Mới, xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang);

Thứ 3 là 02 mô hình tại tỉnh Hậu Giang gồm: mô hình trồng rau ăn lá theo hướng VietGAP (Khu vực 6, phường 3, Thành phố Vị Thanh) và mô hình trồng rau bồ ngót của hộ Quách Văn Hậu (Khu vực 7, phường 4, Thành phố Vị Thanh);

Thứ 4 là nông trại Cần Thơ Farm (79A, đường Võ Văn Kiệt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ);

Đồng thời, trong chuyến đi đoàn cũng đã tham qua Ngày hội Tam nông và sản phẩm làng nghề (OCOP) 2019 tại Tỉnh Hậu Giang (khai mạc ngày 23/5 đến 29/5).

Trong đó, mỗi mô hình có những điểm riêng và khác biệt nhau, giúp nông dân tham quan có cơ hội giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Như với mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao sử dụng ánh sáng sinh học trong nhà theo công nghệ Nhật Bản, tại Công ty TNHH MTV Rrfarn Green Farm, là mô hình sử dụng hệ thống ánh sáng nhân tạo trong môi trường vô trùng, không hóa chất độc hại.

Đây là một trong những công nghệ hàng đầu Nhật Bản đạt tiêu chuẩn hyper-organic. Rau trồng ở đây không trồng trên đất theo phương pháp thông thường mà thay vào đó rau sẽ được trồng trên các tấm phản chiếu hình parapol được bố trí dưới hệ thống ánh đèn huỳnh quang chuyên dụng, cùng với các thiết bị công nghệ cao kiểm soát môi trường trồng giúp việc trồng đạt hiểu quả cao nhất.

Đồng thời, mô hình này còn sử dụng công nghệ khép kín, môi trường sản xuất cách ly tuyệt đối với các mầm bệnh, khói bụi,…ngay cả công nhân làm việc trong nhà máy cũng được trang bị đồng phục đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm từ mũ đến găng tay và phải khử trùng tuyệt đối trước khi bước vào nhà máy.

Đặc biệt, sản phẩm sử dụng công nghệ kép kín, cách ly tuyệt đối với các mầm bệnh và không sử dụng hóa chất, phân bón độc hại trong quá trình trồng, đảm bảo tuyệt đối về chất lượng sản phẩm và rau của Rrfarn Green Farm là rau sạch ăn không cần rửa.

Với mô hình Nông trại Cần Thơ Farm (79A, đường Võ Văn Kiệt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ) – là mô hình trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh truyền thống kết hợp với học đường chế biến ẩm thực, được hình thành theo hướng phát triển du lịch dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp xanh.

Mô hình có diện tích hơn 6.000m2, gồm khu trưng bày đặc sản bản địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực trồng rau sạch thủy canh và địa canh, nhà ươm cây giống, nhà trồng dưa lưới, ao nuôi cá với sinh cảnh hoa sen… Mô hình Cần Thơ Farm còn phục vụ ẩm thực với những nguyên liệu vốn có của nông trại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đại diện cho nông dân tham quan, anh Lê Văn Dể, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất -Thương mại VHF (ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) -  một trong những mô hình thành công về ứng dụng công nghệ thông minh 4.0 vào trồng rau thủy canh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thông qua chuyến tham quan, giúp nông dân trồng rau như chúng tôi có cơ hội tiếp cận những mô hình tiên tiến, trao đổi kinh nghiệm và chọn lựa, vận dụng phù hợp với từng mô hình của mỗi nông hộ ngày càng hiệu quả hơn.

Mong thời gian tới, Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều chuyến tham quan thực tế như trên, giúp nông dân chúng tôi có nhiều cơ hội, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất cũng như quản lý mô hình, để cùng nhau bắt tay góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thành phố phát triển bền vững, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị 4.0 như hiện nay”.


Related news

canh-tac-lua-an-toan-theo-huong-huu-co-sinh-hoc Canh tác lúa an toàn… phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-canh-giac-cao-do-mua-mua Phòng chống dịch tả lợn…