Tin thủy sản Thành công từ mô hình nuôi cá mú

Thành công từ mô hình nuôi cá mú

Author Thanh Thắng, publish date Monday. December 9th, 2019

Rời bỏ nghề biển, họ cưới nhau rồi cùng gầy dựng cuộc sống ven sông Trường Giang. Chật vật, thua lỗ với nghề nuôi tôm, đôi vợ chồng này chọn mô hình nuôi cá mú làm hướng đi riêng.

Ông Bùi Văn Lập giới thiệu mô hình nuôi cá mú. Ảnh: T.T

Năm 2000, vợ chồng ông Bùi Văn Lập (57 tuổi) - bà Lê Thị Lệ (48 tuổi, thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) dắt díu nhau lên khu đê bao ở thôn Hòa Bình để thuê đất nuôi tôm. Sáu năm chật vật nuôi tôm nước mặn nhưng không mấy dư giả, tôm chết nhiều, giá thấp nên vợ chồng ông thử sức với nghề nuôi cá mú.

“Hồi đó ở địa phương ít người nuôi cá mú, mà thị trường đang cần loại cá này nên vợ chồng tôi quyết định nuôi. Đầu năm 2007, tôi tận dụng ao nuôi tôm nước mặn trước đó để nuôi cá mú. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, tôi chỉ nuôi thử nghiệm vài trăm con. Sau đó nhận thấy cá mú phát triển tốt nên mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình nuôi trong ao đất” - ông Lập nói.

Năm 2009, gia đình ông Lập mở rộng diện tích nuôi cá mú lên 5 sào, hiện nay thì đã lên tới 1,5ha. Theo ông Lập, mỗi vụ ông thả nuôi khoảng 4.000 con cá giống (chi phí 100 triệu đồng). Trải qua 7 - 8 tháng nuôi có thể xuất bán.

Mô hình nuôi cá mú của gia đình ông Lập cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng/năm

Mỗi buổi sáng, ông Lập chạy xe ra vùng biển Tam Tiến (Núi Thành) thu mua cá biển về làm thức ăn cho cá mú. Trung bình mỗi ngày hết 1 triệu đồng tiền thức ăn. Để có độ mặn cho cá phát triển, ông tập trung thay nước, giữ mặn phù hợp.

Điều đáng khâm phục ở mô hình nuôi cá mú của ông Lập là đã 11 năm, nhưng ông luôn giữ cho đàn cá phát triển tốt, không để cá chết nhiều, cá lớn nhanh và duy trì ổn định số lượng đầu ra.

“Nuôi cá mú dưới hồ đất phải đảm bảo nước sạch và đủ ô xy cho cá thở. Ngoài ra phòng bệnh cũng là khâu rất quan trọng, bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất là bệnh nấm. Đối với loại bệnh này, tôi không sử dụng hóa chất mà có phương thức đặc trị riêng từ kinh nghiệm nuôi nhiều năm” - ông Lập nói.

Do địa hình thấp, gần với sông Trường Giang nên việc nuôi cá mú vào mùa mưa gặp khó khăn. Để chủ động ứng phó, ông Lập nâng cấp 15 sào nuôi lên khu vực cao. Vào mùa mưa, dồn hết số lượng cá về khu vực này để tránh bị nước cuốn trôi.

Để chủ động nuôi cá vào mùa mưa, gia đình ông Bùi văn Lập đã xây dựng ao nuôi có mặt bằng cao hơn mực nước sông Trường Giang vào mùa lũ để nuôi cá an toàn. 

Công việc của vợ chồng ông Lập được phân chia rạch ròi. Ông phụ trách khâu chăn nuôi sản xuất ra cá thương phẩm; bà Lệ chịu trách nhiệm cung ứng cá ra thị trường. Mỗi người một việc không ai bảo ai.

Bà Lệ cho hay, hiện nay mỗi ngày gia đình xuất ra thị trường 10 - 20 con cá mú. Vào tháng 1 - 2 có thể bán ra 50 con mỗi ngày. Do giá cá mú cao (280 nghìn đồng/kg) nên gia đình không bán cá ở chợ mà bán trực tiếp theo đơn đặc hàng của các nhà hàng ở Thăng Bình, Núi Thành, TP.Tam Kỳ… Nhờ thành công từ mô hình nuôi cá mú mà mỗi năm gia đình ông Lập thu nhập hơn nửa tỷ đồng, có điều kiện chăm lo con cái ăn học.

Ông Ngô Văn Hiệp - cán bộ thủy sản xã Tam Hòa cho biết, thôn Hòa Bình hiện có hơn 10 hộ chăn nuôi thủy sản. Trong đó hộ ông Bùi Văn Lập với mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc mở rộng mô hình là rất khó vì diện tích đất tại khu vực ông Lập chăn nuôi thủy sản còn hạn hẹp.


Related news

huong-dan-ky-thuat-va-mot-so-luu-y-khi-nuoi-ca-vu-3 Hướng dẫn kỹ thuật và… phong-va-tri-mot-so-benh-cho-ca-nuoi-trong-mua-dong Phòng và trị một số…