Thành công với mô hình nuôi gà lôi
Gà lôi dễ nuôi, thị trường tiêu thụ mạnh, người nuôi có lời... đó cũng là lời chia sẻ của anh Tư Quí (Nguyễn Tấn Quí), ở khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, đã nhiều năm nuôi thành công giống gà này.
Đàn gà lôi đang trong thời kỳ đẻ trứng tại hộ gia đình anh Quí.
Anh Quí cho biết gà lôi còn có tên gọi khác là gà tây (Meleagrisgallopavo), là loài gia cầm có nguồn gốc từ châu Mỹ, gà lớn con, thời gian tăng trưởng dài, thịt ngon. Gà có màu lông bông xám đen hoặc xám trắng, một số ít có màu lông trắng, gà trống có lông màu sặc sỡ, mào và tích tròn dài lòng thòng.
Gà con trưởng thành sau 28-30 tuần tuổi có thể đạt trọng lượng từ 5-6kg/con trống và 3-4kg/con mái và bắt đầu đẻ trứng. Gà mái mỗi lứa có thể đẻ từ 10-12 trứng/con rồi tự ấp, sau 28-30 ngày gà nở.
Ưu điểm của giống gà lôi là dễ chăm sóc, thức ăn cho gà chủ yếu là lúa, cây cỏ, lục bình, hay chuối cây băm nhuyễn trộn tấm, cám... Đây là những thứ không chỉ dễ tìm trong tự nhiên, mà còn là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho gà, người nuôi sẽ tiết kiệm được một phần chi phí, tăng thêm phần lợi nhuận.
Với kinh nghiệm nuôi gà nhiều năm, anh Quí cho rằng nếu muốn nuôi gà lôi theo hướng công nghiệp hoặc nuôi theo dạng gà thả vườn để đạt được hiệu quả cao thì người nuôi cần lưu ý sau khi trứng gà ấp nở thành con nên tách gà con ra nuôi nhốt riêng.
Dùng bóng đèn để giữ ấm cho gà con đến khoảng 30 ngày tuổi ở môi trường thích hợp như trong lồng khung tre, gỗ hay trên nền lót trấu khô sạch, dày khoảng 10-15cm. Trong tuần đầu tiên nên thay giấy lót hàng ngày, 3 tuần đầu phải để cho gà đủ ấm và tránh chó, mèo, chuột vào.
Mật độ giữ ấm khoảng 50 con/m2 trong 1-2 tuần đầu, từ tuần thứ 2 trở đi cho 25 con/m2. Thức ăn cho gà lôi trong giai đoạn gà mới 1-2 ngày tuổi tốt nhất là cho gà ăn bắp xay nhuyễn, từ ngày thứ ba trở đi bắt đầu cho ăn thức ăn hỗn hợp ít nhất 4-5 lần/ngày, nhưng phải cân đối đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng…
Gà tây có khả năng tiêu hóa và hấp thụ tốt thức ăn thô xanh, cho nên ngay từ giai đoạn này cần tập trung cho gà ăn rau xanh 3-4 lần/ngày và nước uống cũng không thể thiếu đối với gà. Gà lôi thường hay mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, vì vậy người nuôi cần cho gà ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Thường xuyên theo dõi đàn gà để phòng, trị bệnh kịp thời.
Trong thời gian này, cần tiêm vắc-xin phòng bệnh theo định kỳ cho gà, bổ sung thêm thức ăn để gà con tăng trọng lượng và tăng sức đề kháng. Tốt nhất là để gà con được 35-40 ngày tuổi mới thả ra vườn nuôi trong môi trường tự nhiên, sau 3 tháng nuôi thì gà đạt trọng lượng từ 3kg trở lên/con và có thể xuất bán.
Với nụ cười như mãn nguyện trên môi, anh Quí tâm sự: “Tôi cũng không ít lần thất bại trong những năm đầu nuôi gà lôi.
Nhưng qua tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trên báo, đài và sự hướng dẫn của cán bộ ngành chăn nuôi, gần 10 năm qua (2009-2019) tôi luôn ổn định nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm từ tiền bán con giống và gà thịt”.
Anh Quí cho biết hiện tại anh có gần 100 con gà lôi bố mẹ, mỗi con đẻ từ 10-12 trứng, tỷ lệ ấp nở đạt trên 90%. Nhờ đó, mỗi năm anh Quí bán ra hơn 1.000 con gà giống và gà thương phẩm cho bà con chăn nuôi không chỉ trong tỉnh, mà còn có các tỉnh lân cận như An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu…
Với giá bán tại chuồng hiện nay là 120.000-130.000 đồng/kg gà thịt, 50.000-90.000 đồng/con gà từ 10-60 ngày tuổi. Bấm đốt ngón tay, anh Quí suy đi tính lại sau khi trừ đi các khoản chi phí mỗi tháng anh có nguồn thu hơn 20 triệu đồng.
Anh Quí cho rằng với mô hình nuôi gà lôi thương phẩm theo lối nuôi gà thả vườn nếu được bà con vùng nông thôn, hộ ít đất hoặc hộ có đất vườn trồng cây ăn trái rộng thì rất phù hợp. Bởi nuôi gà trên cùng diện tích đất vườn sẽ ít tốn kém hơn tiền chi phí đầu tư xây cất chuồng trại, lại vừa nhẹ công chăm sóc, lợi nhuận cũng nhiều hơn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao