Thanh Thủy Mở Rộng Diện Tích Trồng Táo
Cùng với việc làm giầu từ phát triển chăn nuôi nhím, thỏ, ong... nhiều năm gần đây người dân ở huyện Thanh Thủy còn làm giầu từ cây táo, loại cây dễ trồng, đầu tư, chăm sóc ít mà hiệu quả kinh tế lại rất cao.
Nghề trồng táo ở Thanh Thủy bắt đầu từ năm 1998. Người dân ở hai làng Thanh Lâm và Động Lâm, xã La Phù (nay là thị trấn Thanh Thủy) đem giống táo Thiện Phiến (táo chua) ra trồng trên bãi nổi sông Đà. Mỗi sào Bắc Bộ (360m2) trồng 30 gốc.
Năm đầu quả chưa nhiều nhưng cũng đã thu được bình quân mỗi gốc 20kg, cả sào được 600kg, giá lúc đó là 10.000đ/kg. Tổng thu được 6.000.000đ. Trừ chi phí hết 1.500.000đ, còn lãi 4.500.000đ. So với trồng ngô, đỗ, lạc, trồng táo thu cao hơn gấp 3-4 lần.
Tiếng lành đồn xa, bà con ở nhiều làng khác trong xã và một số xã lân cận như Tân Phương, Bảo Yên, Đoan Hạ... cũng đến thăm quan học tập và chuyển những vùng đất trồng cây rau mầu kém hiệu quả sang trồng táo. Đặc biệt là 5 năm trở lại đây phong trào trồng táo đã được tuyên truyền, phát triển rộng khắp tất cả các xã trong toàn huyện.
Hiện nay giống táo đang trồng phổ biến ở huyện Thanh Thủy là táo Đào vàng chua và Đào vàng ngọt. Thời gian trồng vào tháng Giêng và thu hoạch vào tháng 11-12 âm lịch. Táo Đào vàng chua có đặc tính chín sớm (vào tháng 11), vị chua giòn, ít sâu bệnh, còn táo Đào vàng ngọt quả to mọng, vị giòn ngọt, chín muộn hơn (vào tháng 12). Đây là hai giống táo cho năng suất rất cao.
Táo là cây dễ trồng, không kén đất, có thể trồng trên bãi phù sa, đất 2 lúa hoặc trên đồi, chỉ cần đủ chất mầu, độ ẩm, không úng ngập là được. Kỹ thuật trồng cũng rất đơn giản, ngoài việc chăm sóc phân, nước đầy đủ, hàng năm vài lần phun thuốc phòng trừ sâu hại lá, đục thân và phun thuốc định kỳ kích thích cho cây ra hoa, kết quả.
Sau khi thu hoạch, tiến hành cắt cành cách gốc từ 30-40cm, rồi bôi vôi vào vết cắt để chống nhiễm khuẩn và bón bổ sung phân tổng hợp vào quanh gốc cho mầm cây phát triển to mập.
Trồng táo không tốn công chăm sóc, không mất tiền mua cây giống hàng năm (5-7 năm mới trồng lại 1 lần) hiệu quả kinh tế lại rất cao, từ tháng Giêng đến tháng Tư táo chưa khép tán người dân còn tranh thủ trồng được vụ rau mầu ngắn ngày như: Vừng, đỗ, lạc hoặc bầu, bí...
Hiện nay, cây táo đang phát triển trồng rộng khắp ở tất cả 15/15 xã trên toàn huyện với tổng diện tích gần 60ha. Nhiều xã đã hình thành các vùng chuyên trồng táo với diện tích lớn như thị trấn Thanh Thủy, Tân Phương, Hoàng Xá, Bảo Yên, Trung Thịnh, Tu Vũ...
Tiêu biểu là thị trấn Thanh Thủy đã chuyển đổi 12ha đất ruộng hai lúa kém hiệu quả và đất đổi trồng sắn sang trồng táo, Tân Phương chuyển đổi 6ha/8ha đất bãi và 2ha đất ruộng hai lúa sang trồng táo...
Cây táo đang là cây chủ lực, cây làm giầu cho nhiều hộ dân ở huyện Thanh Thủy.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao