Mô hình kinh tế Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Cần Giải Pháp Căn Cơ, Lâu Dài

Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Cần Giải Pháp Căn Cơ, Lâu Dài

Publish date Monday. January 19th, 2015

Ngày 16/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã chủ trì cuộc họp với UBND huyện Đơn Dương, đại diện Cty sữa Đà Lạt Milk (nay là TH true Milk) nhằm kiểm tra, đánh giá và tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn mà ngành chăn nuôi bò sữa Lâm Đồng đang gặp phải trong thời gian gần đây.

Tại buối làm việc, trước hiện tượng một vài hộ dân phản ứng đổ sữa thừa ra đường, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh: "Sự việc cơ bản đã được giải quyết, nhưng về tính ổn định lâu dài thì cần phải có những giải pháp mang tính đột phá, căn cơ, lâu dài để ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh Lâm Đồng phát triển bền vững".
Theo số liệu của UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh hiện nay là 13.600 con, bằng 148% so với kế hoạch cả năm 2015 (kế hoạch là 9.200con) và tăng 78% so với năm 2013. Trong đó, số lượng bò đã cho sữa chiếm khoảng 50% tổng đàn, sản lượng sữa tươi sản xuất ra khoảng 100 tấn/ngày. Năm 2014 vừa qua, sản lượng sữa bò tươi của cả tỉnh ước đạt khoảng 35.000 tấn. Trong tổng đàn bò sữa của Lâm Đồng, huyện Đơn Dương chiếm cao nhất với khoảng 8.448 con (được nuôi tập trung ở các xã Tu Tra, Đạ Ròn, Quảng Lập và xã Lạc Xuân) với số lượng bò cái cho sữa chiếm khoảng 4.000 con cho 70 tấn sữa mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Yên, hiện giá sữa nguyên liệu của thế giới giảm xuống gần một nửa - từ 480USD xuống 260USD/tấn, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất lựa chọn sữa hoàn nguyên với giá chỉ khoảng 7-8 ngàn đ/lít. Như vậy, hiện nay, nếu các công ty thu mua sữa cứ mua vào một lít sữa với giá theo hợp đồng đã ký kết với nông dân (12.000 - 14.000 đồng/lít) thì sẽ bị lỗ một nửa so với giá sữa bình quân trên thế giới. Do vậy, người chăn nuôi bò sữa cũng cần phải có sự thông cảm, sẻ chia với các công ty sữa của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Yên khẳng định: Tỉnh Lâm Đồng xác định ngành chăn nuôi bò sữa sẽ là ngành chủ lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Dựa trên cơ sở thực tế, khả năng của nông dân và doanh nghiệp và theo lộ trình phát triển ngành bò sữa, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển trên 30 ngàn con bò sữa.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc tăng đàn quá nhanh đã dẫn đến sự việc người dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sữa nguyên liệu, một số hộ bức xúc đã đổ sữa ra đường như trong những ngày gần đây. Trước phản ứng này của một số hộ dân, ngay sau đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng vào cuộc để giải quyết những khúc mắc của bà con. Đến nay, về cơ bản, các hộ chăn nuôi đã ký kết hợp đồng với các công ty thu mua sữa đã bán sữa ổn định trở lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Yên cho rằng, đây mới chỉ là cách giải quyết bước đầu, chưa bền vững. “Bà con hiện chưa thể yên tâm, nếu không có biện pháp giải quyết triệt để sẽ có thể nảy sinh những phức tạp mới” – ông Yên nhấn mạnh.
Để đảm bảo tính ổn định lâu dài cho ngành chăn nuôi bò sữa Lâm Đồng, tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề ra những giải pháp trong thời gian tới cần phải làm ngay. Đó là, cần nhanh chóng thành lập hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác nhằm liên kết giữa doanh nghiệp – HTX và xã viên với nhau để cùng phát triển; khuyến cáo người chăn nuôi bò sữa không tăng đàn cơ học vào thời điểm hiện tại; tích cực tuyên truyền cho người chăn nuôi về chủ trương quy hoạch phát triển ngành bò sữa; chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là kiểm soát con giống; các công ty thu mua sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cần tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để nâng công suất chế biến, tăng thời gian tiêu thụ các sản phẩm sữa và tìm cách phát triển thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu phía các công ty thu mua sữa cần tôn trọng hợp đồng với người chăn nuôi, khi hợp đồng cũ tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có sự thương lượng với các hộ chăn nuôi trước sự có mặt của chính quyền địa phương để nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên.
Với tất cả những giải pháp xử lý như trên, hy vọng trong thời gian tới, ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung sẽ phát triển ổn định, lâu dài và bền vững.
Huyện Đơn Dương hiện tại còn 62 hộ với 270 con bò sữa (trong đó đang cho khai thác sữa là 50%), sản lượng sữa 2,5 – 3 tấn sữa/ngày, chưa được ký kết hợp đồng tiêu thụ sữa với các đơn vị thu mua. Ngoài ra, còn một số hộ khác đang chăn nuôi bò sữa nhưng bò chưa đến tuổi cho khai thác sữa cũng chưa tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ sữa.


Related news

kha-gia-nho-nuoi-vit-de Khá Giả Nhờ… Nuôi Vịt… nuoi-nhim-lai-50-60-trieu-dong Nuôi Nhím, Lãi 50 -…