Tin thủy sản Thay đổi để sản xuất tôm sạch

Thay đổi để sản xuất tôm sạch

Author C.Quốc - K.Tâm - K.Nam, publish date Friday. March 24th, 2017

Ngành tôm nói riêng và thủy sản VN nói chung cần tổ chức lại vùng nuôi và kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm xuất khẩu để bảo vệ thương hiệu thủy sản VN, trong bối cảnh nhiều quốc gia nhập khẩu dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật.

Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp thủy sản ở Sóc Trăng - Ảnh: Chí Quốc

Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017, diễn ra tại Sóc Trăng ngày 23-3, ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng VN phải bắt tay làm lại từ đầu, giải quyết tận gốc những tồn tại của ngành tôm hiện nay, nếu muốn đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2025 như chỉ đạo trước đó của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều nước dựng rào cản

Báo cáo tại hội nghị, Cục Thú y cho biết sau khi phía Úc thông báo tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua chế biến chín của VN từ ngày 9-1, hoạt động xuất khẩu tôm của hàng loạt doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nặng, người nuôi tôm cũng bị vạ lây.

Dù tôm chưa qua chế biến chín chỉ chiếm 18-40% tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Úc trong giai đoạn 2013-2016 và sản lượng tôm VN xuất sang thị trường này không lớn, nhưng uy tín, thương hiệu tôm và sản phẩm tôm VN cũng bị ảnh hưởng khi xuất sang các thị trường khác.

Ngoài thị trường Úc, theo ông Phạm Văn Đông - cục trưởng Cục Thú y, năm quốc gia khác gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Saudi Arabia, Brazil và Mexico cũng có lệnh cấm hoặc lập các rào cản kỹ thuật, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm để hạn chế nhập khẩu.

Từ ngày 9-4, theo thông báo của Bộ Thủy sản Hàn Quốc, tất cả các loại thủy sản nuôi và hoang dã nhập vào thị trường này phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, bao gồm cả tôm đông lạnh và ướp lạnh.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên các lô hàng thủy sản để xét nghiệm mầm bệnh.

“Việc lấy mẫu xét nghiệm các mầm bệnh của Hàn Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản VN nói chung và xuất khẩu tôm nói riêng, bởi năm 2016 kim ngạch xuất khẩu tôm VN sang Hàn Quốc đạt hơn 300 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu thị trường này khoảng 600 triệu USD” - ông Đông nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Tám cho rằng việc các nước dựng rào cản kỹ thuật, đặc biệt là về an toàn thực phẩm và kiểm dịch đối với sản phẩm nông sản nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe người tiêu dùng là điều khó tránh khỏi.

Do đó, muốn xuất khẩu nông sản VN, trong đó có con tôm, không bị ảnh hưởng nhiều, trước hết VN phải làm tốt việc sản xuất trong nước.

“Giải pháp bền vững nhất là phải chỉ đạo, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản phẩm tôm nói riêng và các sản phẩm nông sản nói chung không có dư lượng kháng sinh và chất độc hại, an toàn thực phẩm cả trong nước lẫn thị trường thế giới” - ông Tám khẳng định.

Với thị trường nào áp dụng rào cản không tương thích hoặc không phù hợp với quy định của quốc tế, VN sẽ cương quyết đấu tranh trên cơ sở tìm hiểu kỹ các quy định của quốc tế và của các nước nhập khẩu.

Khó cũng phải làm

Trao đổi với chúng tôi, nhiều DN chế biến tôm xuất khẩu thừa nhận đã gặp rất nhiều khó khăn trước động thái dựng rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu tôm, nhất là trong bối cảnh ngành tôm trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn, giá cả và nguồn nguyên liệu thiếu ổn định.

Ông Hồ Quốc Lực, tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), cho biết Hàn Quốc là quốc gia đứng hàng thứ năm nhập khẩu tôm VN, sau sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Nếu thị trường xuất khẩu tôm này bị tắc, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất tôm của VN. Thực ra, trước đây Hàn Quốc cũng kiểm tra đối với tôm nhập khẩu nhưng chỉ kiểm tra tôm còn đầu, tới đây sẽ kiểm tra tất cả các sản phẩm chế biến từ tôm.

“Việc xây dựng quá nhiều hàng rào kỹ thuật sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN. VASEP dự kiến sẽ họp để lấy ý kiến thành viên trước khi có văn bản đề xuất Chính phủ can thiệp. Nếu VN không có giải pháp giải quyết ổn thỏa, không chỉ tôm xuất khẩu VN mà nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của VN cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong xuất khẩu” - ông Lực khuyến cáo.

Theo nhiều DN, không chỉ DN mà cả người nuôi tôm cũng lâm vào tình cảnh khó khăn hơn sau khi Úc ban hành lệnh dừng nhập một số sản phẩm tôm VN, do đó các cơ quan chức năng cần có giải pháp kịp thời để hạn chế những hậu quả xấu từ lệnh cấm này cũng như hàng rào kỹ thuật của một số nước nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trước khi đổ lỗi rằng các nước nhập khẩu dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, các DN và người nuôi thủy sản phải tự xem lại mình, tổ chức lại hoạt động sản xuất, nuôi trồng và chế biến để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Bà Quách Thị Thanh Bình, chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng, cho rằng Bộ NN&PTNT cần khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn việc cấp mã số cho từng vùng nuôi, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc.

“Nhưng trước mắt, để tự cứu mình, người nuôi phải nói không với những hóa chất kháng sinh cấm sử dụng” - bà Bình khuyến cáo.

Ông Quảng Trọng Thao, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết địa phương này đã cấp chứng nhận vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho một công ty chuyên nuôi tôm và chế biến tôm xuất khẩu theo dây chuyền khép kín, chuẩn bị cho việc cấp chứng nhận vùng nuôi tôm an toàn sinh học.

Việc nuôi tôm an toàn sinh học là cực kỳ khó, nhưng khó mấy cũng phải làm nếu muốn xây dựng thương hiệu mạnh và duy trì thị trường xuất khẩu một cách bền vững.

Xử lý bảo kê, chấm dứt bơm 
tạp chất vào tôm

Theo Đề án ngăn chặn bơm tạp chất vào tôm và dư lượng kháng sinh đã được Bộ NN&PTNT ban hành, đến hết năm 2018 sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các địa phương sản xuất tôm trọng điểm (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) và tiến tới chấm dứt trên phạm vi cả nước.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Vũ Văn Tám cho biết các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với lực lượng công an tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất và sẽ công khai danh sách những cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

“Các DN hay điểm bơm tạp chất đều được các địa phương nắm rõ nhưng vẫn chưa triệt phá được có thể là thiếu người, yếu kém nghiệp vụ, không có sự phối hợp tốt.

Nhưng không loại trừ đằng sau việc này có sự bảo kê, do đó chính quyền các địa phương phải cần quyết liệt hơn nếu muốn bảo vệ uy tín và thương hiệu của con tôm VN nói riêng và thủy sản VN nói chung, trong đó có “nồi cơm” của các hộ nuôi” - ông Tám khuyến cáo.


Related news

biet-tai-nuoi-ca-lon-nhu-thoi-bo-tui-hon-nua-ty-nam Biệt tài nuôi cá “lớn… nuoi-tom-cong-nghe-cao-lai-kep-vua-an-toan-vua-thu-bac-ty Nuôi tôm công nghệ cao…