Mô hình kinh tế Thế giới bên kia vẫn có cỏ xanh để Hồ Giáo chăn bò

Thế giới bên kia vẫn có cỏ xanh để Hồ Giáo chăn bò

Publish date Friday. October 16th, 2015

 Ở cõi trần, gần như cả cuộc đời ông đã gắn với những con bò thì chả có lý gì chốn niết bàn Thượng đế lại không cho ông tiếp tục chăn bò. Cứ tin là thế, ông Hồ Giáo - “Người chăn bò vĩ đại” ơi!

Đi làm báo, tôi có nhiều dịp được gặp và trò chuyện cùng ông Hồ Giáo.

Lúc thì ở Hà Nội, khi ông tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua; Nông dân điển hình tiên tiến.

Lúc thì ở Quảng Ngãi quê ông.

Tuy nhiên phải đến khi sống cùng ông một tuần ở trại trâu sữa Murrah (xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Thành, Quảng Ngãi), cách trung tâm TP.Quảng Ngãi chừng 5km, chứng kiến ông chăm chút cho từng con trâu mới hiểu không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi ông là “người chăn bò vĩ đại”.

Lên rừng theo cách mạng

Theo hồ sơ cán bộ thì ông Hồ Giáo sinh năm 1930, nhưng ông bảo, thực ra ông sinh năm 1927, trong một gia đình cố nông không có một tấc đất cắm dùi.

"Ông bà tôi, rồi bố mẹ tôi đều đi ở cho địa chủ" - Hồ Giáo có lần kể.

Và rồi đến lượt Hồ Giáo cũng vậy.

Là anh cả của 5 đứa em, 12 tuổi, chưa biết đọc chữ, Hồ Giáo đã phải đi ở đợ cho một gia đình giàu có cùng làng.

"5 giờ sáng tôi đã phải đưa 5 con trâu ra đồng để thả.

10 giờ lùa chúng về chuồng, 11 giờ đi cắt cỏ, 2 giờ chiều về ăn cơm trưa.

Lượng cơm được chia phụ thuộc vào số cỏ cắt được.

Nếu được 1 gánh đầy thì được 2 bát cơm, đúng ra là nửa bát cơm, một bát rưỡi sắn.

Còn hôm không đầy gánh thì chỉ được 1 bát cơm, hoặc nửa bát" - Hồ Giáo kể.

 

Anh hùng Hồ Giáo ở trang trại trâu xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành.Ảnh chụp năm 2007.

Những hôm không được ăn, đói quá, Hồ Giáo phải vào rừng sâu cắt cỏ lau.

Lá thì để cho trâu ăn, còn đòng lau thì Hồ Giáo giữ lại để ăn dần.

"Có lần đói quá, lả đi, ngủ quên trên lưng trâu, khi tỉnh dậy thấy đang ở giữa rừng rậm.

Thế là tối đó không về nhà được đành hái quả rừng mà ăn.

Sáng ra chủ cho người đi tìm khắp nơi.

May mà hổ không vồ mất trâu, nhưng bị một trận đòn thập tử nhất sinh" - tuổi thơ của Hồ Giáo đã trôi đi trên lưng trâu như thế, cho tới một lần không chịu đựng được sự láo xược của cậu ấm con ông chủ, Hồ Giáo đã "bế phắt cậu quý tử 12 tuổi ấy ném tùm xuống ao bèo cám trước ngõ" và bỏ về nhà.

Năm Hồ Giáo 17 tuổi.

Vào một đêm tối như mực của mùa đông năm 1948, Hồ Giáo và 3 người bạn cùng thôn bỏ làng trốn lên rừng theo cách mạng.

"Nghe dân làng nói phong thanh rằng Vệ quốc quân đã về Quảng Ngãi, đang ở trên rừng, thế là trốn bố mẹ, rủ nhau lên rừng luôn".

Sau đó Hồ Giáo được phiên vào lực lượng chủ lực của Tỉnh đội Quảng Ngãi, rồi bổ sung cho bộ đội chủ lực Trung đoàn 148, Quân khu 5.

Một thời gian sau Hồ Giáo được điều về Trung đoàn 210, Quân khu 5.

Năm 1954, Hồ Giáo tập kết ra bắc, phiên vào Trung đoàn 94, sau đó là Sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô.

Đi chăn bò

Nhà thơ Tố Hữu đã làm  bài thơ hết sức lãng mạn “Gặp anh Hồ Giáo” với những câu: “Lần trước gặp anh/ Chăn bò trên Tam Đảo/Sáng nay lại gặp anh Hồ Giáo/ Chăn bò ở Ba Vì/Hỏi anh: Có thú vui gì?/ Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò”.

 

Hồ Giáo phục vụ quân đội cho tới năm 1960 thì chuyển ngành.

"Một lần Bác Hồ gặp gỡ cán bộ tập kết và bảo: Các chú người miền Bắc, phục viên thì tuỳ vào khả năng và điều kiện có thể đoàn tụ với gia đình sản xuất tại địa phương hoặc chuyển ngành, con các chú tập kết thì nhất định là phải tiếp tục công tác rồi" – ông Hồ Giáo kể lại với tôi như vậy.

Thế là hàng trăm cán bộ phục viên được điều động lên Ba Vì (Hà Nội) xây dựng Nông trường chăn nuôi.

Trong số đó có Hồ Giáo.

"Những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời tôi chính là ở mảnh đất Ba Vì" - Hồ Giáo tự hào.

Nuôi bò, chăm sóc bò, vắt sữa bò...

việc gì Hồ Giáo cũng làm, nhưng công việc mà ông đam mê nhất vẫn là đỡ đẻ cho bò và chăm sóc bê con - "đây cũng là công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu vất vả và đặc biệt phải có lòng yêu thương con vật.

Phải coi con bò như là con người vậy" – ông Hồ Giáo giảng cho tôi.

Năm 1978 ông Hồ Giáo được điều vào tỉnh Sông Bé để tạo dựng Trung tâm Trâu sữa.  "Ngay sau giải phóng miền Nam, Chính phủ Ấn Độ tặng nhân dân Việt Nam 500 con trâu Murrah.

Ông Đồng (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó - PV) gọi tôi lên và bảo: Giải phóng miền Nam rồi, Giáo về xây dựng trại trâu trong đó đi thôi".

Hồ Giáo lại lên đường vào Nam, lên đường với tấm Huân chương lấp lánh, danh hiệu Anh hùng Lao động.

Từ nuôi bò, Hồ Giáo chuyển sang nuôi trâu.

Năm 1991 Hồ Giáo nghỉ hưu.

Thế là sau 43 năm theo cách mạng, trong đó có 31 năm chăn bò, Hồ Giáo nhận sổ hưu về Quảng Ngãi với danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ 2.

Nói là nhận sổ hưu chứ nào có được nghỉ.

Năm 1990, ông Đồng gọi Hồ Giáo ra Hà Nội và bảo: “Ấn Độ tặng tôi 15 con trâu Murrah.

Số trâu này tôi tặng lại đồng bào Quảng Ngãi, Giáo không được nghỉ đâu.

Về quê tiếp tục nuôi trâu đi.

Từ 15 con này lai tạo, nhân ra nhiều, thật nhiều để lấy sữa và sức kéo cho nhân dân Quảng Ngãi".

Trại trâu sữa Murah ở Hành Thiện (Quảng Ngãi) ra đời, Anh hùng Lao động Hồ Giáo lại tiếp tục nghề chăn trâu.

Một lần, ngay tại trang trại của mình,  Hồ Giáo đã kể cho tôi rằng Murrah là loại trâu rất dễ nuôi, cho nhiều sữa mà thịt lại ngon như thịt bò, chỉ có điều Murrah không biết kéo cày.

Để khắc phục nhược điểm này, Hồ Giáo nghĩ ra cách cho Murrah lai tạo với trâu ta, đây quả là một kỳ công.

"Chúng nó không chịu nhau đâu.

Vì vậy tôi phải cho chúng cùng ăn chung ở chung từ khi mới ra đời.

Cuối cùng mong ước  đã thành công- một loại trâu lai ra đời to hơn trâu Việt Nam rất nhiều mà lại kéo cày cực khoẻ” - Hồ Giáo nói.


Related news

no-ro-nuoi-hai-sam-tai-khanh-hoa Nở rộ nuôi hải sâm… tan-muc-suc-cong-pha-cua-ruoi-vang-len-vuon-chom-chom-mien-tay Tận mục sức công phá…