Tin thủy sản Thí điểm mô hình sản xuất giống cá leo tại Quảng Trị

Thí điểm mô hình sản xuất giống cá leo tại Quảng Trị

Author Trần Cát Linh, publish date Wednesday. October 21st, 2020

Quảng Trị có nhiều ao, hồ, đầm tự nhiên là thế mạnh để nuôi cá nước ngọt. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được gần 2.700 ha cá nước ngọt với sản lượng mỗi năm hơn 4.500 tấn cá các loại. Tuy nhiên, việc nuôi cá nước ngọt ở Quảng Trị còn thiếu sự chọn lọc các loài cá có giá trị kinh tế cao mà chủ yếu nuôi các loài cá truyền thống có giá trị kinh tế thấp.

Nông dân nuôi cá leo trong ao – Ảnh: TCL​

Hiện nay, một số hộ dân đã mở rộng nuôi các loài cá đặc sản như cá leo, cá vược… Song người nuôi lại gặp khó khăn về nguồn giống các loài cá này. Nhằm giúp người dân trên địa bàn chủ động nguồn giống cá đặc sản, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị đã đặt hàng Trường Đại học Nông lâm Huế nghiên cứu đề tài “Ứng dụng các tiến bộ khoa học để xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá leo phù hợp tại tỉnh Quảng Trị”. Đây là đề tài khoa học cấp tỉnh được thực hiện trong thời gian từ năm 2019- 2021.

Là loại cá nước ngọt có khả năng thích nghi tốt với nhiều môi trường sống, cá leo có những ưu điểm vượt trội so với các loại cá khác như chất lượng thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Đây là một loại đặc sản bán được giá trên thị trường với số lượng tiêu thụ tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá bán cá leo hiện nay từ 120 – 160 ngàn đồng/kg tùy vào trọng lượng cá. Cá leo có thời gian nuôi ngắn, từ 5- 6 tháng, có thể nuôi trong ao, hồ, lồng bè.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cá leo chưa được nuôi phổ biến, một số hộ dân nuôi tự phát nên chưa có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn về kỹ thuật. Giống cá nuôi là yếu tố quan trọng nhưng người nuôi cá lại chưa được chủ động. Các hộ nuôi phần lớn mua giống cá trôi nổi được nhập từ nước ngoài về, phần lớn chưa qua sự kiểm tra chứng nhận chất lượng của cơ quan chuyên môn. Vì thế hiệu quả nuôi không ổn định và chi phí giá giống cao.

Đề tài “Ứng dụng các tiến bộ khoa học để xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá leo phù hợp tại tỉnh Quảng Trị” nhằm mục tiêu tạo ra nguồn giống tại chỗ để chủ động trong việc nuôi cá leo tại địa phương. Hơn nữa, chi phí giá thành trong sản xuất cá leo giảm xuống nhờ chi phí giống giảm. Nguồn giống được sản xuất trên địa bàn có kiểm soát chất lượng chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, góp phần quan trọng mang lại hiệu quả cao trong nuôi cá leo. Phát triển các đối tượng đặc sản như cá leo có giá trị kinh tế cao thay thế các đối tượng truyền thống có giá trị kinh tế thấp giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trong nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, việc sản xuất giống cá leo tại tỉnh cũng giúp làm giảm nguy cơ xâm nhập các loài cá lạ vào địa phương.

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai đề tài đã đạt được kết quả bước đầu trong nghiên cứu các kỹ thuật nuôi cá sinh sản phù hợp với tỉnh Quảng Trị như: Kỹ thuật nuôi vỗ, đánh giá mức độ thành thục sinh dục của cá leo, kỹ thuật sinh sản nhân tạo, ương nuôi giống cá leo…

Trại Giống cá Trúc Kinh thuộc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Trị là nơi chọn thực hiện đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống bể ương, bể ấp trứng cá leo. Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành sản xuất giống trong điều kiện tự nhiên của Quảng Trị bước đầu đã cho kết quả tốt. Ông Võ Đức Nghĩa, Trường Đại học Nông lâm Huế, chủ nhiệm đề tài cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, nhóm thực hiện đề tài đã thử nghiệm thành công 2 lứa ấp nở trứng và ương giống cá leo. Cá giống đạt chất lượng tốt nên trong quá trình nuôi sinh khối tăng trọng nhanh. Qua 2 đợt sản xuất thử nghiệm giống cá leo, nhóm thực hiện đề tài đã bước đầu đưa ra quy trình sản xuất giống cá này như: Lựa chọn bố mẹ để đưa vào sinh sản, quy trình ấp trứng, ương cá bột trong hệ thống bể…Khi ương nuôi đối với giống cá leo là loài cá tạp ăn, chúng thường ăn lẫn nhau trong quá trình sống nên tỉ lệ sống thấp. Do đó, nhóm thực hiện đề tài đưa ra giải pháp để hạn chế cá ăn lẫn nhau trong quá trình ương nuôi là tạo giá thể, tạo môi trường nước, nhiệt độ, ánh sáng và điều kiện nuôi phù hợp với tập tính, môi trường sống của cá. Mặt khác, cho cá ăn no các loại thức ăn công nghiệp và thức ăn tự nhiên sẽ hạn chế được việc cá ăn lẫn nhau.

Sau khi thực hiện thí điểm thành công ban đầu sản xuất con giống, nhóm thực hiện đề tài đã chuyển giao con giống cho một số nông hộ trên địa bàn nuôi thử nghiệm, đồng thời tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả mô hình, từ đó rút kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng thành một quy trình ương, nuôi trong điều kiện tỉnh Quảng Trị cho phù hợp. Kết quả thực hiện đề tài sẽ được chuyển giao cho Trại Giống cá Trúc Kinh tiếp tục sản xuất giống cá leo để cung cấp giống cho nhu cầu nuôi cá leo trên địa bàn. Ngành chức năng cũng tăng cường tuyên truyền để người dân tự mở rộng diện tích nuôi cá leo tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi cá nước ngọt trên địa bàn. Nông dân cũng sẽ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá leo thương phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và chuyển đổi đối tượng nuôi cá nước ngọt sang các loài đặc sản có giá trị kinh tế cao hơn.

Cá leo thuộc đối tượng đặc sản nước ngọt, hiện được xếp vào loại có nguy cơ giảm trong nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Vì thế, với sự đầu tư của Sở Khoa học và Công nghệ, đề tài “Ứng dụng các tiến bộ khoa học để xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá leo phù hợp tại tỉnh Quảng Trị” cấp tỉnh của Trường Đại học Nông lâm Huế thực hiện trên địa bàn Quảng Trị là cơ hội tốt để tỉnh phát triển thêm một đối tượng nuôi cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.


Related news

quan-ly-long-nuoi-thuy-san Quản lý lồng nuôi thủy… huong-di-moi-cho-mo-hinh-tom-lua Hướng đi mới cho mô…