Thí Điểm Mô Hình Táo Dây Xanh Ở Lương Sơn (Bình Thuận):
Thực hiện chuyển đổi giống cây trồng trên vùng đất sản xuất kém hiệu quả, đang được người dân các địa phương trong tỉnh quan tâm áp dụng. Mới đây người dân thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã thử nghiệm trồng giống táo dây xanh trên vùng đất khô hạn, bạc màu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ.
Đến thăm mô hình táo dây xanh trên vùng đất khô hạn, bạc màu của gia đình ông Nguyễn Thanh Phùng, ở khu phố Lương Nam (thị trấn Lương Sơn), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi vườn táo dây xanh đang vươn mình cho hoa và trái non rất nhiều. Tâm sự mới biết cơ duyên ông Phùng đến với mô hình trồng táo dây xanh trên vùng đất khó khăn, đầy nắng nóng nơi đây. Đầu năm 2011, tình cờ đi Phan Rang (Ninh Thuận) thăm người bà con, thấy vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng” ở Phan Rang phát triển tốt giống táo dây xanh, lại cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, không ngần ngại, ông liền hỏi thăm và tìm hiểu cách thức trồng để mua về áp dụng trên vùng đất khô cằn của gia đình.
Nhờ giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của người bà con, ông Phùng mạnh dạn mua 120 gốc táo dây xanh về trồng thử, thấy sinh trưởng và phát triển tốt. Cuối năm 2011 ông mua trồng thêm 550 gốc. Hiện vườn táo dây xanh của gia đình ông có 670 gốc đang cho trái vụ thứ hai. Giữa vùng đất nghèo, khô hạn quanh năm, việc sản xuất các giống cây trồng, hoa màu khác thường bấp bênh, thiếu ổn định, vì thế chuyện ông đưa giống táo dây xanh vào trồng là điều đáng được lưu ý.
“Trồng giống táo dây xanh, chỉ cần chịu khó chăm sóc, bón phân, xịt thuốc, vô nước theo định kỳ thì cây sẽ sinh trưởng và phát triển nhanh. Trồng táo dây xanh chỉ khoảng 8 tháng bắt đầu cho hoa và đậu trái non, cách 2 tháng sau có thể thu hoạch trái. Táo dây xanh cho trái liên tục từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, vì vậy người trồng chủ động trong việc chăm sóc và thu hoạch trái. Đây là giống cây trồng phù hợp, nhanh cho trái ở vùng đất này”, ông Phùng nói.
Việc áp dụng mô hình trồng táo dây xanh của gia đình ông Phùng đã minh chứng cho cách làm khá mới và táo bạo. Trước đây, trên diện tích 1 ha, ông chỉ sản xuất được một vụ bắp và đậu, vì sản xuất theo nguồn nước trời nên khá bấp bênh. Gần đây, nhờ chủ động nguồn nước, ông chuyển sang trồng táo, đã có nhiều thay đổi. Từ khi đưa giống táo dây xanh trồng trên vùng đất này, ông thấy có nhiều ưu điểm hơn các giống cây ăn trái khác. Vốn đầu tư giống, phân, dây leo khoảng hơn 20 triệu đồng cho 1 ha, thời gian chăm sóc và cho thu hoạch nhanh, thu trái liên tục. Chỉ đầu tư một lần và có thu hoạch nhiều năm. Giá bán tương đối cao và được người tiêu dùng rất thích.
Bằng cách làm mới này, lứa thu đầu tiên trên 120 gốc táo, ông lãi hơn 20 triệu đồng, và lứa này vườn táo dây xanh 670 gốc sẽ đồng loạt cho trái và thu hoạch chính. Hiện trên địa bàn khu phố Lương Nam, có hai gia đình đã chuyển đổi trồng thử nghiệm giống táo dây xanh. Nhưng đó chỉ là cách làm kiểu gia đình, còn mang tính manh mún, chưa đồng bộ, nên ít được phổ biến rộng rãi. Nếu được quan tâm hướng dẫn, cũng như hỗ trợ về nguồn vốn và giống, thì người dân sẽ yên tâm, có định hướng để chuyển đổi dần các vùng đất sản xuất kém hiệu quả, nhằm tạo ra hướng đi thuận lợi trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
“Vùng đất đồi, đầy sỏi đá ở khu phố Lương Nam nếu biết áp dụng thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân. Trên đà phát triển này, không bao lâu nữa, những vườn táo dây xanh nơi đây sẽ phủ xanh, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho mỗi gia đình. Địa phương sẽ phổ biến và cố gắng nhân rộng để người dân mạnh dạn chuyển đổi trồng trên vùng đất sản xuất kém hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lương Sơn cho biết.
Theo tính toán của gia đình ông Phùng, khi trồng giống táo dây xanh thì hiệu quả mang lại gấp nhiều lần so với các giống hoa màu, rau quả khác mà ông đã áp dụng sản xuất. Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, nhất các vùng khô cằn, khó sản xuất thì việc trồng táo dây xanh cũng chưa thật sự nhiều. Hiện một số gia đình ở Tuy Phong đã phát triển mạnh giống táo này, và đã cho hiệu quả kinh tế cao trong nhiều năm qua.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao