Mô hình kinh tế Thí Điểm Sản Xuất Cá Ngừ Theo Chuỗi Giá Trị Cần Đầu Tư Đồng Bộ

Thí Điểm Sản Xuất Cá Ngừ Theo Chuỗi Giá Trị Cần Đầu Tư Đồng Bộ

Publish date Friday. December 5th, 2014

Qua thử nghiệm, thiết bị gây tê cá ngừ đã mang lại hiệu quả cao.

Phú Yên là 1 trong 3 tỉnh được chọn triển khai đề án Thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Để mô hình này thành công, ngư dân Phú Yên cần được đầu tư đồng bộ từ khâu khai thác, thu mua, chế biến đến tiêu thụ và cả cơ sở hạ tầng nghề cá…

Chất lượng là khâu quyết định

Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia trong chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ với tinh thần chung là sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển ngành cá ngừ, tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu, đảm bảo giá trị kinh tế.

Phú Yên đã chọn mô hình tổ chức khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi do Công ty cổ phần Bá Hải trực tiếp đầu tư và tổ chức thực hiện. Đến nay, doanh nghiệp này đã xây dựng xong phương án sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị và được Sở NN - PTNT hỗ trợ để hoàn thiện. Theo phương án, Công ty cổ phần Bá Hải sẽ đóng 5 tàu composite hoạt động nghề lưới vây kết hợp ánh sáng, đồng thời liên kết với 8 tổ (80 tàu câu) sản xuất trên biển…

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, cho biết: “Để xuất khẩu cá ngừ đại dương sang các thị trường lớn, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đến thành công hay thất bại.

Công ty đã phối hợi với kỹ sư Phạm Duy Phượng, giảng viên khoa Điện Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa chế tạo thiết bị gây tê cá ngừ và chuyển giao quy trình sơ chế cá ngừ sau khai thác cho ngư dân thuộc tổ sản xuất trên biển mà công ty đã liên kết. Qua thử nghiệm, chuyến biển đã thành công ngoài mong đợi, chất lượng cá tốt, không bị tình trạng xô xương (phần thịt ở gần xương sống cá bị hư, màu sậm, cơ thịt không còn độ dai) như lâu nay.

Hiện công ty được Bộ KH - CN chọn phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ đông lạnh sản phẩm theo công nghệ CAS và thiết bị cấp đông có công suất 500kg/giờ. Với công nghệ này, chất lượng cá khi rã đông vẫn được giữ tươi ngon như ban đầu. Dự kiến đến tháng 4/2015, Tập đoàn ABI sẽ lắp đặt hoàn thành và đưa công nghệ CAS vào sử dụng tại công ty.

Tổng vốn đầu tư công nghệ đông lạnh sản phẩm theo công nghệ CAS này khoảng 120 tỉ đồng, trong đó Bộ KH - CN hỗ trợ 50%, phía Tập đoàn ABI sẽ tập huấn và chuyển giao quy trình vận hành”.

Theo ông Hồng, 5 tàu của công ty sẽ làm nhiệm vụ vừa khai thác vừa luân phiên thu gom cá từ các tàu liên kết với công ty để vận chuyển vào bờ nhanh nhất, đảm bảo cá từ khi đánh bắt đến khi vào tới bờ khoảng 10 đến 12 ngày. Làm như vậy, cá ngừ mới đạt được chất lượng và giá trị kinh tế khi xuất khẩu…

Cần đầu tư cơ sở hạ tầng

Mới đây, Bộ NN - PTNT đã phê duyệt kế hoạch triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2015, sở NN-PTNT 3 tỉnh thực hiện đề án (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) phải xây dựng và triển khai thí điểm các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, sở NN - PTNT 3 tỉnh này tiếp tục triển khai chính sách phát triển thủy sản hỗ trợ đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần cá ngừ. Từ quý I đến quý III/2015, các địa phương sẽ đầu tư dự án xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, trung tâm giao dịch và sàn đấu giá cá ngừ tại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên và trung tâm giao dịch cá ngừ tại tỉnh Khánh Hòa gắn với trung tâm nghề cá lớn. Bộ NN - PTNT cũng giao nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu hải sản điều tra nguồn lợi và công tác dự báo ngư trường phục vụ cho khai thác cá ngừ.

Tổng cục Thủy sản có nhiệm vụ thiết kế mẫu tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần cá ngừ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm cá ngừ, tiêu chuẩn nước đá phục vụ bảo quản cá ngừ. Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Tổng cục Thủy sản đào tạo, tập huấn về công nghệ khai thác, xử lý, sơ chế, bảo quản sản phẩm, sử dụng các trang thiết bị khai thác cá ngừ tiên tiến trên biển cho ngư dân.

Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ và xúc tiến đầu tư phát triển sản xuất, cơ sở hậu cần dịch vụ cá ngừ…

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN - PTNT, cho biết: “Trong 21 mẫu thiết kế tàu cá vỏ thép mà Bộ NN - PTNT đã ban hành, chỉ có 5 mẫu tàu được thiết kế cho khu vực miền Trung gồm lưới rê, lưới vây mạn, lưới chụp, nghề câu và tàu dịch vụ hậu cần. Sở NN - PTNT đã có đề nghị với Bộ NN - PTNT ban hành những mẫu tàu vỏ gỗ để phổ biến cho ngư dân lựa chọn. Hiện Phú Yên triển khai dự án Xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng Đông Tác (TP Tuy Hòa), tuy nhiên nguồn kinh phí đầu tư có hạn nên đã đề nghị Bộ NN - PTNT bổ sung nguồn vốn để đầu tư đúng tầm là cảng cá ngừ chuyên dụng…”.

Theo UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2020, Phú Yên cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập cho ngư dân, hướng đến phát triển ngành công nghiệp khai thác cá ngừ hiệu quả và bền vững.

Nguồn bài viết: http://www.baophuyen.com.vn/82/124321/can-dau-tu-dong-bo.html


Related news

loi-di-nao-cho-nganh-ca-tra Lối Đi Nào Cho Ngành… trai-cay-nghich-vu-huong-di-moi Trái Cây Nghịch Vụ Hướng…