Thống kê nông sản Thị trường cà phê tuần 16 (19/4 – 24/4): Giá tăng nhẹ so với tuần trước do nguồn cung

Thị trường cà phê tuần 16 (19/4 – 24/4): Giá tăng nhẹ so với tuần trước do nguồn cung

Author Phạm Hòa, publish date Tuesday. April 27th, 2021

Giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên kết thúc tuần 16 (19/4 – 24/4) ở mức 32.200 – 33.000 đồng/kg, tăng 400 đồng so với mức giá của tuần 15.

Tại thị trường nội địa, nông dân gần như đã bán hết cà phê của họ trong vụ gần đây, giá tăng nhẹ so với tuần trước do nguồn cung khan hiếm. Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, với 5% hạt đen & vỡ) được chào ở mức cộng 50 - 60 USD/tấn cho hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London, không đổi so với 1 tuần trước.

Xuất khẩu cả phê của Việt Nam từ đầu năm tới 15/4 đạt 508.855 tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Indonesia, cà phê robusta Sumatra được chào bán với mức cộng 180 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tại London, giảm từ mức cộng 200 USD trong tuần trước. Tuy nhiên, các thương nhân cho biết dự báo sản lượng giảm từ vụ thu hoạch này có thể khiến giá không giảm tiếp.

Tại thị trường thế giới, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London ở mức 1.416 USD/tấn; giá arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York chốt tại 140,4 US cent/lb. Giá cà hai sàn giao dịch đều tăng so với tuần trước đó với robusta tăng 2,61% và arabica tăng 5,44%.

Kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, tồn kho cà phê ở Mỹ trong tháng 3/2021 giảm và lo ngại tình trạng thiếu container rỗng cũng tác động tích cực lên thị trường cà phê. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát lần 3 tại châu Âu khiến sự phục hồi của giá cà phê là không chắc chắn.

Mặc dù thị trường đang có những tín hiệu tích cực, nhưng giá cà phê trong thời gian tới vẫn được dự báo sẽ giảm do lo ngại nhu cầu yếu. Tiêu thụ cà phê giảm khi những nước tiêu thụ cà phê lớn như Đức, Pháp đều áp dụng lệnh giãn cách xã hội.

Citi điều chỉnh giảm ước tính sản lượng niên vụ 2021/22 xuống 164,8 triệu bao do nguy cơ thời tiết tại Brazil, Colombia và Indonesia. Nhu cầu ước tính 173,1 triệu bao, khiến toàn cầu thiếu hụt 8,4 triệu bao.

Đồng real của Brazil đạt mức cao nhất trong 2 tháng so với USD ngăn cản nông dân tại nước này bán ra bởi lợi nhuận giảm.

Cecafé – Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê kể từ tháng 4/2021 sẽ giảm dần do đã xuất khẩu rất mạnh kể từ đầu niên vụ cà phê mới 2020/21, ước tính khoảng 32,61 triệu bao cà phê nhân các loại đã được giao cho các thị trường tiêu thụ, chưa tính lượng cà phê rang xay và cà phê hòa tan quy đổi.

Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA) báo cáo lũy kế xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu niên vụ hiện tại 2020/21 đạt 2,86 triệu bao, tăng 11,24% so với cùng kỳ niên vụ trước đó. Uganda là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai ở châu Phi với sản lượng hàng năm hơn 5 triệu bao, chủ yếu là cà phê robusta chất lượng cao, rất được thị trường Âu – Mỹ ưa chuộng.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Brazil (IBGE) đã đưa ra dự báo vụ cà phê 2021/22 của nước này sẽ thấp hơn 27,3% so với năm trước, ở mức 45 triệu bao, nguồn cung ít sẽ hỗ trợ giá cà phê. Tuy nhiên, việc xuất khẩu trước mắt sang thị trường EU và Mỹ vẫn gặp khó khăn do tình trạng thiếu container vận chuyển tuy đã đỡ căng thẳng hơn trước nhưng giá cước vẫn cao.

Việc dư cung được giảm dần, cán cân cung - cầu dần trở về điểm cân bằng do đó, giá cà phê có thể cải thiện trong thời gian tới. Ngoài ra, bước sang niên vụ 2021/22, với nhiều dự báo cho rằng thế giới có thể thâm hụt nguồn cung cà phê do nhu cầu tăng cao trong khi sản lượng giảm do chịu tác động của thời tiết cực đoan, giá cà phê có thể tiếp tục nhận được hỗ trợ, kết thúc nhiều năm liên tiếp chịu áp lực dư cung.


Related news

thi-truong-ngu-coc-the-gioi-27-04-2021-ngo-tiep-tuc-tang-gia-dat-muc-cao-nhat-gan-8-nam Thị trường ngũ cốc thế… thi-truong-ca-phe-ngay-27-4-gia-tang-kha-tai-cac-vung-trong-trong-diem Thị trường cà phê ngày…