Tin thủy sản Thị trường tôm đầu năm - Sức hút từ Trung Quốc

Thị trường tôm đầu năm - Sức hút từ Trung Quốc

Author Mi Lan - Theo Intrafish/Undercurrentnews, publish date Tuesday. March 8th, 2022

Nhu cầu tiêu thụ tôm phục hồi trở lại từ thị trường Trung Quốc được kỳ vọng là nhân tố tạo sự bùng nổ trên thị trường tôm toàn cầu. Thị trường khổng lồ này sẽ hấp thụ một lượng lớn tôm của toàn thế giới ngay từ những tháng đầu năm. 

Trung Quốc được dự báo sẽ là nước được hưởng lợi lớn nhất từ sự gia tăng khổng lồ về nguồn cung tôm đầy kỳ vọng trong năm nay. Ảnh: Aquapost

Nguồn cung tăng

Ngành công nghiệp tôm nuôi toàn cầu đang kỳ vọng sự tăng trưởng vượt bậc về nguồn cung trong năm nay. Với nhu cầu tiêu thụ tăng lên mức cao chưa từng có tại nhiều thị trường trọng điểm và các nhà cung cấp đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu, giá tôm nguyên liệu không ngừng leo thang khi nông dân tại các nước sản xuất chính đang đẩy mạnh sản lượng đầu ra.

Theo ước tính của hãng thực phẩm Charoen Pokphan Foods và nhiều công ty khác trong ngành thì sản lượng thu hoạch tôm toàn thế giới có thể tăng 10% trong năm nay, chủ yếu nhờ động lực từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam.

Jim Gulkin, người sáng lập hãng thủy sản đông lạnh Siam Canadian tại Thái Lan cho rằng, nguồn cung dồi dào đặt ra một câu hỏi lớn rằng liệu lượng cung tăng lên sẽ chảy về đâu? Theo ông, cho tới nay vẫn chưa thể biết chắc chắn liệu sức tiêu dùng thị trường Mỹ có đủ sức hấp thụ hết lượng tôm tăng lên nói trên hay không, bởi có thể thị trường này vẫn còn khá nhiều tôm dự trữ. Theo ghi nhận của Jim Gulkin, trong những tháng gần đây thị trường Mỹ có dấu hiệu giảm tốc sau một năm sôi động chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu tiêu thụ tôm nhập khẩu tăng đột biến từ các chuỗi dịch vụ ẩm thực và kênh bán lẻ.

Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ẩm thực tại Mỹ đã tăng tốc ngoạn mục trong năm qua; nhưng sau đó biến chủng Omicron xuất hiện và kéo mọi một số thứ tụt lại vài bước. Hiện, mọi sự xáo trộn đang tạm lắng xuống khi bước vào mùa xuân. Nhiều hãng kinh doanh tôm kỳ vọng các kênh bán lẻ tại Mỹ không thay đổi các mô hình mua sắm trong năm nay và sẽ tiếp tục trở thành kênh tiêu thụ lớn của mặt hàng tôm kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Tuy nhiên, theo Gulkin nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ có thể tăng cao hơn năm ngoái, nhưng kịch bản nhập khẩu ồ ạt sẽ không tái diễn. Ông nhận định lượng nhập khẩu tôm của Mỹ năm nay vẫn tương đương năm ngoái, giả sử Omicron biến mất và không xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn. Do đó, Trung Quốc sẽ hấp thụ lượng cung tôm tăng vọt trong năm nay. Gulkin cũng chưa dám chắc về thời điểm nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường Trung Quốc sẽ bùng nổ; bởi đây là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới và có một kênh dịch vụ ẩm thực với quy mô khổng lồ.

Dòng chảy về Trung Quốc

Nhiều dự đoán nghiêng về khả năng Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất từ sự gia tăng khổng lồ về nguồn cung tôm đầy kỳ vọng trong năm nay, đặc biệt là khi nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu nghiêm ngặt. Trước kịch bản trên, Ecuador sẽ là nước sản xuất tôm chịu tác động mạnh mẽ nhất. Tại quốc gia Nam Mỹ này, các nhà cung cấp đã bắt đầu đa dạng hóa theo hướng gia tăng giá trị sản xuất từ khi nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc lao dốc vào năm 2020.

Ngành tôm của Ecuador chưa thực sự đủ lực để loại bỏ châu Á ra khỏi phân khúc chuỗi sản phẩm chế biến hoặc giá trị gia tăng. Nhưng không thể phủ nhận Ecuador đã ghi dấu những thành tựu nhất định trong phân khúc này. Theo Gulkin, Ecuador sẽ tiếp tục tập trung mũi nhọn vào sản phẩm tôm không đầu và bỏ đầu, còn Trung Quốc sẽ quay trở lại thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của tôm Ecuador bởi Trung Quốc trả giá cao hơn; từ đó tạo sự thay đổi về thị phần nhập khẩu tôm của Ecuador khi một lượng lớn tôm từ thị trường Mỹ sẽ chảy sang Trung Quốc.

Giá duy trì ở mức cao

Một diễn biến thú vị cần theo dõi trong năm nay đó chính là những cách mà nông dân nuôi tôm đối diện với biến động giá bán. Gulkin cho rằng, nếu giá giữ vững ở mức tốt trong nửa đầu năm, thì đồng nghĩa nông dân sẽ tiếp tục hào hứng thả nuôi vụ mới và cho sản lượng thu hoạch tốt trong nửa cuối năm và ngược lại.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện tượng giá tôm giảm có thể xảy ra trong năm 2022 nhưng không nhiều, chỉ khoảng 5 – 10% bởi nhu cầu tiêu thụ tôm vẫn cao. Dù mức giảm không đáng kể nhưng có thể làm nông dân mất đi động lực sản xuất. Ngoài ra, giá tôm nguyên liệu tăng cao trong năm 2022 còn do chi phí vận chuyển tăng phi mã. Trong một số trường hợp, chi phí vận tải có thể giảm 10%, cụ thể là từ 24.000 – 28.000 USD/container nhưng vẫn quá cao so với mức chi phí 4.000 USD/container trước đại dịch.

Áp lực chi phí vận chuyển sẽ không kéo dài mãi bởi sẽ đến lúc nguồn cung container và tàu biển sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ vì đó là sự cân bằng trong kinh doanh. Nhưng tình hình này sẽ khó có thể được giải quyết trong vòng vài tháng tới mà vẫn tiếp tục kéo dài suốt năm nay. Thậm chí ngay cả khi cước vận chuyển giảm, thì cũng khó quay về mức giá cũ 3.000 USD/container cho chuyến tàu từ Đông Nam Á tới Los Angeles như thời điểm trước đại dịch.

Thời gian qua, Trung Quốc chỉ tạm thời tụt hạng trên thị trường tôm toàn cầu bởi COVID-19 và năm nay sẽ đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường này. Ngay cả khi phần lớn nguồn cung tôm Ecuador quay lại những thị trường chủ lực trước COVID-19, thì nước này vẫn duy trì chỗ đứng trên các thị trường giá trị gia tăng khác. Bởi Trung Quốc không có nhu cầu đối với tôm thịt chín, dễ lột vỏ, hay các loại sản phẩm chế biến ở mức độ khác.


Related news

nhung-luu-y-ky-thuat-trong-nuoi-ghep-tom-su-va-ca-chem Những lưu ý kỹ thuật… anh-huong-cua-do-man-len-tang-truong-cua-tom Ảnh hưởng của độ mặn…