Mô hình kinh tế Thị Xã Tân Châu (An Giang) Quan Tâm Phát Triển Mô Hình Nuôi Lươn Thương Phẩm

Thị Xã Tân Châu (An Giang) Quan Tâm Phát Triển Mô Hình Nuôi Lươn Thương Phẩm

Publish date Friday. February 6th, 2015

Lươn đồng (có tên khoa học là Monopterus albus) là loài thủy sản đang được nhiều hộ nông dân ở thị xã Tân Châu (An Giang) thả nuôi trong các bể xi măng và bể lót bạt nilong.Theo số liệu điều tra ở cuối năm 2014, toàn thị xã có 872 hộ nuôi lươn với tổng diện tích thả nuôi là 41.110 m2, trong đó tập trung nhiều ở xã Tân An với 377 hộ nuôi và chiếm 57,95 % diện tích nuôi lươn của toàn thị xã.

Do giá bán ổn định (dao động từ 110.000 – 136.000 đ/kg đối với lươn có trọng lượng trên 200 gram/con) và ít tốn chi phí đầu tư nên nhiều hộ gia đình ở thị xã Tân Châu đã có thêm nguồn thu nhập trong việc thực hiện mô hình nuôi lươn thương phẩm.

Điển hình là hộ anh Trần Văn Dư ngụ tạo ấp Tân Lập, xã Tân An, thị xã Tân Châu. Nhờ nuôi lươn có hiệu quả mà anh Dư đã sửa căn nhà cũ của mình thành căn nhà mới khang trang trong năm 2014. Anh Dư khi tâm sự: “Do có ít đất sản xuất nên trước đây kinh tế gia đình luôn gặp khó khăn. Nhờ nuôi lươn mà gia đình tôi đã không còn phải đi làm thuê kiếm sống như trước”. Hiện anh Dư có 12 bể nuôi lươn với diện tích khoảng 150 m2.

Mô hình nuôi lươn ở thị xã Tân Châu phát triển ngoài nguyên nhân là do nông dân cần cù, năng động áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào thực tế thì việc quan tâm khuyến cáo và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật của chính quyền địa phương và của đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển mô hình nuôi lươn thương phẩm.

Trong năm 2014, phòng Kinh tế thị xã đã xây dựng 02 điểm trình diễn nuôi lươn với mật độ cao là 200 con/m2 và áp dụng biện pháp kỹ thuật thay thế bùn đất bằng vĩ tre để làm giá thể cho lươn trú ẩn. Sau 8 tháng, lợi nhuận thu được từ mô hình là 9.077.000 đồng trên diện tích là 10 m2. Mô hình này đã được nhiều nông dân đến học tập kinh nghiệm và áp dụng.

Trạm Khuyến nông thị xã cũng xây dựng 01 điểm trình diễn nuôi lươn mật độ cao từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông và có phối hợp với Trung tâm Giống Thủy sản của tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn “Phòng trị bệnh cho lươn đồng bằng thảo dược” do TS Lý Thị Thanh Loan - nguyên là chuyên gia về bệnh học thủy sản của Viện Nguyên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2- thực hiện. Ngoài ra, Trạm còn tổ chức cho các hộ nuôi lươn đi tham quan các mô hình nuôi lươn ở địa phương khác để học tập thêm những kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất.

Nhờ các hoạt động khuyến nông trên nên mô hình nuôi lươn ở thị xã Tân Châu được duy trì và phát triển về năng suất và chất lượng. Để mô hình này được phát triển ổn định và bền vững thiết nghĩ cần có sự quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; các nhà máy chế biến có thể sản xuất thêm các mặt hàng đông lạnh từ lươn để cung cấp cho các siêu thị ở các thành phố lớn; các quán ăn, nhà hàng cần có sự quan tâm chế biến lươn thành các món ăn mang đậm chất Nam bộ của vùng miền sông nước Cửu Long để quảng bá đến khách du lịch trong nước và khách quốc tế thưởng thức.


Related news

thu-y-thuy-san-thieu-va-yeu Thú Y Thủy Sản Thiếu… gia-tri-san-xuat-thuy-san-thang-1-bang-108-8-so-voi-cung-ky-2014 Giá Trị Sản Xuất Thủy…