Mô hình kinh tế Thiếu vắng công nghệ, cơ giới tổn thất trong sản xuất còn cao

Thiếu vắng công nghệ, cơ giới tổn thất trong sản xuất còn cao

Publish date Tuesday. December 1st, 2015

Tổn thất trong sản xuất còn cao Theo thống kê của các chuyên gia nông nghiệp, tổn thất ở khâu sau thu hoạch chiếm tỷ lệ nhiều nhất, trung bình đối với cây lúa là 10 - 13%, rau củ quả là 20 - 30%.

Tình trạng rau củ tổn thất cao được các nhà khoa học chỉ ra do đặc điểm hàm lượng nước trong rau chiếm gần 90% nên sản phẩm rất dễ bị hư hỏng, dập nát khi vận chuyển, bảo quản.

Cây ăn trái các nước nhiệt đới chín rất nhanh nên việc thu hoạch và tiêu thụ cũng gấp rút.

Cũng chính đặc điểm ấy mà xoài Cao Lãnh - nông sản thế mạnh của Đồng Tháp phải chịu tổn thất lên đến 30% trong khâu vận chuyển khi “cập bến” thị trường Hà Nội.

Bà Trương Thị Nên - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cũng chỉ ra thực trạng tổn thất trong sản xuất, dẫn đến việc chưa khai thác hết tiềm năng của trái quýt hồng: “Do chưa có hệ thống kho lạnh bảo quản quýt hồng để chủ động thời gian cung ứng cho thị trường, hầu như nhà vườn chỉ bán tươi cho thương lái tiêu thụ.

Giải pháp tạm thời để kéo dài thời gian bán sản phẩm là nhà vườn cho thương lái lưu trái lại trên cây.

Nhưng biện pháp này kéo theo hệ lụy là quýt bị kiệt sức, giảm tuổi thọ”.

Cây lúa - sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh cũng như của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mặt hàng xuất khẩu chiến lược của đất nước - những năm qua được đầu tư, hỗ trợ cơ giới, công nghệ nhiều nhất, nhưng nông sản này cũng không tránh khỏi cảnh tổn thất.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu ngành nông nghiệp, đối với cây lúa vùng ĐBSCL mỗi năm việc thất thoát lên đến 13.000 tỷ đồng.

Thất thoát chủ yếu trong các khâu rơi vãi trong thu hoạch, bảo quản, chế biến...

Hiện nay, công đoạn làm khô nông sản bằng máy sấy trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng 30% diện tích sản xuất.

Công nghệ sấy và chất lượng máy sấy cũng còn lạc hậu.

Phần lớn máy sấy hoạt động công suất thấp dưới 10 tấn/mẻ, số lượng máy sấy công suất từ 20 tấn/mẻ trở xuống còn hoạt động ít do không có lúa để sấy.

Mặt khác, người dân thường bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái và các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ.

Đối với những nông dân trữ lúa chờ giá, việc bảo quản sấy khô chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp truyền thống: hong nắng, gió.

Hình thức này vô tình làm tổn thất nghiêm trọng đến chất lượng hạt gạo do sản phẩm dễ bị gãy khi xay xát, không đạt thông số kỹ thuật trong xuất khẩu.

Riêng công đoạn bảo quản và cất trữ gạo cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Hầu hết các kho bảo quản của các doanh nghiệp, công ty lương thực chỉ dừng lại thuật ngữ đúng nghĩa là “kho chứa”.

Phần lớn kho được xây dựng theo kết cấu kho mái vòm hay kho khung thép.

“Chúng ta vẫn chưa có kho kín hiện đại, ở đó có hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm của gạo, diệt côn trùng, vì thế sản phẩm bảo quản chỉ được tầm nửa năm.

Nếu để lâu hơn thì gạo bị vàng, chất lượng thấp.

Trường hợp này, nhiều người nhận định đó là việc mất mùa trong kho” - ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.

Giảng viên Lê Văn Hòa - Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, việc bảo quản sau thu hoạch cho nông sản phát triển chưa cao đã làm giảm giá trị kinh tế cũng như tính thẩm mỹ của sản phẩm.

Theo tính toán của ông Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí - Công nghệ Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, chỉ riêng sản xuất lúa, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch xuống mức 5 - 6% về khối lượng sẽ kéo theo tăng giá trị 6% cho 44 triệu tấn lúa của cả nước.

Đồng nghĩa sẽ tạo ra giá trị tăng thêm 13.000 tỷ đồng, trong đó ĐBSCL chiếm hơn 50%.

Thiếu vắng công nghệ đầu tư cơ giới chưa đồng bộ Thực trạng tổn thất trong sản xuất theo nhận định của chuyên gia nông nghiệp là do sự thiếu vắng của công nghệ trong và sau thu hoạch; đầu tư cơ giới hóa chưa đồng bộ.

Hiện nay, tình hình ứng dụng công nghệ sau thu hoạch đối với cây ăn trái trên địa bàn tỉnh chỉ dừng lại công đoạn sơ chế.

Một số địa phương có nông sản đặc thù (quýt hồng) được đầu tư nhà sơ chế nhưng người nông dân cũng không mặn mà với hình thức này mà bán ngay sau khi thu hoạch.

Riêng áp dụng công nghệ sấy cho hoa màu còn ít, chủ yếu sấy ớt và bắp vào các thời điểm mùa mưa, tỉ lệ dừng lại khoảng 0,3% diện tích.

Đối với việc áp dụng cơ giới vào sản xuất, thu hoạch nông sản cũng chưa đồng bộ các khâu và phần lớn cơ giới chủ yếu phục vụ cho cây lúa (với 100% diện tích sản xuất, 22% sử dụng công cụ sạ hàng, 78% phun xịt bằng máy, 86% chủ động bơm tưới, đặc biệt có 99% thu hoạch bằng máy).

Trong khi hoa màu, cây ăn trái chỉ một số khâu có sự góp mặt của cơ giới.

Hệ quả của việc thiếu công nghệ trong sản xuất là sản phẩm giá trị gia tăng “xuất hiện” khá khiêm tốn.

Vẫn còn một nguồn phụ phẩm lớn “bỏ hoang”.

Có chăng cũng chỉ vài doanh nghiệp lớn đủ sức khai thác như Công ty CP Vĩnh Hoàn đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ cao để sản xuất collagen từ da cá tra; Công ty CP Đầu tư Phát triển Đa quốc gia (IDI), đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại để tinh luyện dầu cá tra thành loại thực phẩm cao cấp...

Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp chia sẻ: “Khai thác giá trị tăng thêm từ thủy sản trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 3%, còn lại đến 97 - 98% là cá phi lê.

Riêng đối với cây lúa, ngoài sản phẩm hạt gạo, chúng ta vẫn chưa thực hiện được củi trấu để làm phân hữu cơ, cám làm dược liệu...

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mình đang “xài sang” đối với phụ phẩm nông nghiệp.

Phụ phẩm chủ yếu phục vụ cho chăn nuôi heo, trong khi nguồn lợi kinh tế mang lại rất cao”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Công cũng cho rằng, việc thiếu vắng những công nghệ đã bỏ qua cơ hội để có những sản phẩm giá trị gia tăng như nước uống đóng hộp, mứt sấy từ trái cây...

Chuyện thất thoát quá nhiều trong chuỗi sản xuất dẫn đến câu chuyện vì sao người nông dân vẫn còn nghèo...

Thực trạng tổn thất trong sản xuất được nhận định là sự đầu tư thiếu đồng bộ đối với cơ giới, công nghệ trong sản xuất.

Cần những giải pháp tiên quyết Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đóng góp 21% GDP của cả nước trong khi đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp chỉ tương đương 2,9% tổng GDP.

Riêng đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% tổng GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác.

Đây cũng là nguyên nhân chưa tạo cú hích để cơ giới, công nghệ phát triển bắt nhịp kịp với nhu cầu sản xuất.

Cũng dễ giải thích vì sao máy gặt đập liên hợp của nước ngoài, nhất là máy của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường đến 60%.

Trong khi máy “Made in Việt Nam” chỉ chiếm khiêm tốn 30%.

Bởi các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là xưởng nhỏ lẻ, yếu về kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo.

Ông Phan Tấn Bện - Giám đốc Công ty Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn chia sẻ: “Để sản phẩm cơ giới nông nghiệp cạnh tranh với các thương hiệu như Kubota thật sự là không thể.

Sản phẩm nước ngoài có độ bền cao, công đoạn hậu mãi chuyên nghiệp.

Trong khi, lợi thế sản phẩm tại đơn vị chỉ dừng lại là giá thành rẻ, phù hợp với địa hình đặc thù của vùng đồng bằng”.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp tiếp cận một số chính sách hỗ trợ cũng không dễ dàng.

Nếu có, mức hỗ trợ cũng thấp trong khi thủ tục thì quá rườm rà.

Riêng các chích sách liên quan đến hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch chưa mang tính bao quát, có lợi cho tất cả đối tượng thụ hưởng.

Đơn cử như Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm thiết bị áp dụng vào sản xuất nông nghiệp của nông dân dễ dàng (thủ tục thế chấp đơn giản để mua sắm), cũng không còn đóng khung bắt buộc tỷ lệ máy móc, thiết bị khi mua phải đảm bảo 60% tỷ lệ máy nội địa.

Tuy nhiên, Quyết định lại “quên đi” doanh nghiệp sản xuất cơ giới nông nghiệp trong nước phải cạnh tranh không cân sức với máy nước ngoài.

Cũng chính yếu tố này mà thời gian qua sản phẩm máy gặt đập của doanh nghiệp bán ra hạn chế.

Trước thực tế đó, để ngành nông nghiệp phát triển, hạn chế tổn thất, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Nhà nước cần đầu tư cho nông nghiệp nhiều hơn để tương xứng với tiềm năng thế mạnh của ngành.

Trong đó, nên nghiên cứu, tiếp cận và chuyển giao những công nghệ tiên tiến nhằm đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp trong thời kỳ hội nhập.

Ông Dương Nghĩa Quốc thông tin, hiện nay công nghệ CAS - công nghệ bảo quản tế bào nông phẩm là một trong những điểm sáng làm giảm tổn thất cho nông sản của cả nước.

Điểm nổi bật của hệ thống là phòng, chống nhiễm khuẩn, làm cho sản phẩm giữ nguyên mùi vị, màu sắc dinh dưỡng đến trên 99%, giống như khi vừa mới thu hoạch.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm chủ quy trình và đang thực hiện bảo quản tôm, cá ngừ, quả nhãn lồng tại Hưng Yên.

Với sự ưu việt đó, Sở cũng kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển giao công nghệ này cho tỉnh Đồng Tháp trong việc áp dụng bảo quản các sản phẩm nông sản của địa phương.

Hy vọng thời gian tới sẽ được chuyển giao, mở ra hướng đi mới cho nông sản tỉnh nhà.

Theo ông Nguyễn Văn Công, ngoài những chính sách, áp dụng công nghệ mới thì việc cần thiết không kém là liên kết sản xuất với doanh nghiệp để giảm tổn thất và “có thị trường”.

Với định hướng này, cần có các cơ chế, chính sách bao quát, “trọn vẹn” và sâu sát hơn để doanh nghiệp làm sức bật trong sản xuất.

Bởi đây là lĩnh vực vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi thấp, tỷ lệ rủi ro trong đầu tư cao.

Ngoài ra, cần tiến đến sản xuất nông sản sạch theo hướng VietGAP, GlobalGAP góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm là điều kiện thuận lợi trong khâu chế biến, bảo quản...

Theo tính toán của ông Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí - Công nghệ Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, chỉ riêng sản xuất lúa, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch xuống mức 5 - 6% về khối lượng sẽ kéo theo tăng giá trị 6% cho 44 triệu tấn lúa của cả nước.

Đồng nghĩa sẽ tạo ra giá trị tăng thêm 13.000 tỷ đồng, trong đó ĐBSCL chiếm hơn 50%.


Related news

trien-vong-tu-cay-hong-hoa Triển vọng từ cây hồng… thay-doi-thoi-quen-cho-nguoi-trong-che Thay đổi thói quen cho…