Mô hình kinh tế Thịt độc ra chợ

Thịt độc ra chợ

Publish date Tuesday. September 29th, 2015

Tại cuộc họp ngày 28-9, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, cho biết qua kiểm tra ngẫu nhiên 9 mẫu thịt heo lưu thông trên thị trường đã phát hiện 3 mẫu dương tính với chất cấm (thuộc nhóm Beta-agonist gồm: Salbutamol, Ractopamine, Clenbuterot).

Ba mẫu thịt này có nguồn gốc từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không thể tạm giữ

Trước đó, vào đầu năm 2015, kết quả giám sát mối nguy an toàn thực phẩm trong thịt heo do Viện Y tế công cộng

TP HCM thực hiện cũng phát hiện có 4/15 mẫu thịt sống bị nhiễm chất tăng trọng Salbutamol.

Trong 4 mẫu thịt chứa chất cấm, có một mẫu lấy tại một siêu thị lớn ở quận 8, các mẫu còn lại được lấy tại cửa hàng và điểm bán lẻ ở quận 2, 8 và Bình Thạnh.

Điều này cho thấy xác suất người tiêu dùng ra chợ mua phải thịt heo chứa chất cấm không hề nhỏ.

Ông Phan Xuân Thảo nêu thực tế hiện nay, việc lấy mẫu kiểm tra tồn dư chất cấm trên thịt tươi chỉ dừng lại ở việc kiểm tra giám sát, chưa có cơ sở để tạm giữ, xử lý nên phải cho tiêu thụ thịt trong quá trình giám sát.

Nguyên nhân do thời gian đợi kết quả xét nghiệm định lượng có giá trị về pháp lý để xử lý vi phạm và công bố mẫu vi phạm phải mất từ 3-7 ngày, trước đó còn phải mất khoảng 36 giờ để kiểm tra định tính (xay mẫu, đồng nhất mẫu và tách chiết mẫu).

Trong khi đó, việc giết mổ, phân phối và tiêu thụ thịt trên thị trường diễn ra rất ngắn (ngay trong đêm) nên khi xác định mẫu thịt dương tính với chất cấm thì toàn bộ sản phẩm đã được xuất bán, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trường hợp cơ quan chức năng tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ phân tích định lượng nếu kết quả xét nghiệm âm tính dễ xảy ra tranh chấp, bồi thường thiệt hại.

“Những khó khăn trên đã tạo kẽ hở cho các thương nhân lợi dụng. Trước việc

TP HCM tăng cường kiểm tra chất cấm tại các lò mổ, họ đang chuyển hướng đưa heo đi giết mổ ở các địa phương lân cận rồi vận chuyển thịt về TP HCM tiêu thụ để né kiểm soát.

Do đó, Chi cục Thú y TP đã có báo cáo các cấp lãnh đạo, trong đó có Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm để đủ lực kiểm soát tình hình, tránh bị động, bảo đảm sức khỏe cho người dân” - ông Thảo nói.

Sợ vẫn phải ăn

Thông tin thịt heo có chất cấm tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang bởi trong cơ cấu các loại thịt sử dụng trong bữa ăn người Việt thì thịt heo chiếm hơn 70% (còn lại là thịt gia cầm và thịt bò).

Chị Lê Thị Trinh (ngụ quận 12) cho biết nghe thông tin heo siêu nạc có chứa chất độc hại rất sợ nhưng không thể từ bỏ món ăn này.

“Ra chợ thấy miếng thịt nào nạc dính da thì né, chỉ chọn loại có mỡ dày rồi về nhà lóc bỏ phần mỡ, chỉ ăn nạc vì sợ chất béo động vật không tốt cho sức khỏe, tính ra đắt hơn thịt nạc nhưng đỡ lo hơn” - chị Trinh chia sẻ kinh nghiệm.

Để trấn an người tiêu dùng, siêu thị Lotte Mart (quận 7) đã phải dán kết quả xét nghiệm thịt heo âm tính với 2 chất cấm phổ biến là Salbutamol và Clenbuterot.

Còn lãnh đạo Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho biết nhờ kiểm soát chặt đầu vào thịt heo và người tiêu dùng tin tưởng nên sản lượng tiêu thụ thời gian qua vẫn ổn định, không ảnh hưởng bởi thông tin heo siêu nạc.

Theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, heo tạo nạc là vấn đề nhức nhối nhưng người tiêu dùng sẽ khó đòi được bồi thường nếu xảy ra vấn đề về sức khỏe vì không thể chứng minh được.

Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra từ gốc để bảo đảm sức khỏe cho người dân và nhanh chóng đưa ra các chế tài để bịt lỗ hổng về mặt pháp lý.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo chuỗi an toàn thực phẩm TP HCM, hiện nay TP HCM đã có 2 đơn vị tham gia và đạt chứng nhận với sản lượng 350 con/ngày (được kiểm soát từ trang trại đến giết mổ tiêu thụ).

Tuy nhiên, số lượng thịt heo này khi ra thị trường chưa được đóng gói, dán nhãn, logo nên vẫn trong tình cảnh “áo gấm đi đêm”.

Thịt tẩm chất cấm có khắp nơi

Trong 9 tháng đầu năm 2015, kiểm tra tại cơ sở giết mổ, Chi cục Thú y TP HCM đã phát hiện 95 mẫu dương tính với chất cấm (18,41%) từ những lô hàng xuất phát từ các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu và Vĩnh Long. Kiểm tra trong giết mổ và vận chuyển heo trái phép cũng phát hiện 3 trường hợp dương tính với chất cấm.

Ngoài ra, giám sát nguồn từ các tỉnh gửi về phân tích còn ghi nhận 12 mẫu (9,09%) dính chất cấm. Theo ông Phan Xuân Thảo, tình hình vi phạm đang có chiều hướng gia tăng, phạm vi rộng hơn và mức độ phổ biến hơn.

Chi cục Thú y TP đề xuất không cho phép tồn dư Salbutamol và Clenbuterot trong thịt, gan, thận, máu, nước tiểu động vật thay vì cho phép trong giới hạn như hiện nay do đây là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Đồng thời đưa chỉ tiêu kiểm tra tồn dư chất cấm tại cơ sở chăn nuôi và giết mổ là chỉ tiêu kiểm tra bắt buộc để bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.


Related news

ga-tam-bot-sat-tai-xuat-hien Gà tẩm bột sắt tái… chat-tao-nac-salbutamol-nguy-hiem-nhu-the-nao Chất tạo nạc Salbutamol nguy…