Tin nông nghiệp Thổ canh hốc đá

Thổ canh hốc đá

Author Đông Khánh, publish date Thursday. November 7th, 2019

Một phương pháp canh tác nông nghiệp đặc trưng đang được đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá thuộc tỉnh Hà Giang áp dụng hàng nghìn năm qua đã thực sự khiến nhiều người phải khâm phục.

Cha cõng con đi cày trên đá.

Đó là hình thức thổ canh hốc đá với biết bao nhọc nhằn, gian truân trong cuộc chinh phục thiên nhiên, vươn lên chống chọi cái đói, cái nghèo ở miền biên cương cực Bắc của Tổ quốc.  

Nhọc nhằn trên đá

Nếu ai chưa đến cao nguyên đá, chưa được tận mắt chứng kiến người dân canh tác trên đá thì thật khó có thể tưởng tượng nổi người nông dân nơi đây phải làm nông nghiệp vất vả và tốn nhiều mô hôi đến mức nào. Đó là một cuộc mưu sinh không giống bất cứ nơi đâu. Bao đời nay, đồng bào có câu nói “Sống trên đá, chết vùi trong đá”. Dân ca Mông lại có câu: Loài cá sống ở nước/Loài chim bay trên trời/Người Mông sống ở núi". Với ¾ diện tích là núi đá, quanh năm hạn hán, sản xuất đều trông vào nước trời, cộng thêm do ở trên cao, xa khu dân cư nên việc chăm bón, thu hoạch không mấy dễ dàng.

Một hộ dân người dân tộc Mông ở gần đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc đang cày thửa ruộng xung quanh toàn đá để chuẩn bị trồng vụ ngô mới.

Với những nương đá khô cằn và xương xẩu ấy, ngoài cây ngô và tam giác mạch ra thì hiếm loài cây nào có thể thích nghi và sinh trưởng mạnh như thế, nó cũng kiên cường, mãnh liệt như chính con người nơi đây

Ngô được trồng thành từng cụm, mỗi gốc có 3 cây mọc chen nhau nhưng vẫn xanh tốt mỡ màng, che bớt đi màu xám xịt đặc trưng của đá tai mèo. Vào bất cứ một gia đình nào trên cao nguyên đá cũng đều thấy ngô được chất đầy trên những gác nhà, gác thềm. Và bữa ăn hàng ngày với bà con chính là món mèn mén được chế biến từ hạt ngô để thay cơm gạo.

Hành trình hơn 150 km từ TP Hà Giang đi qua các huyện nằm trong vùng cao nguyên đá gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc chúng tôi như chìm vào một “rừng đá” lạnh lẽo đến ngợp trời màu xám xịt. Đá tai mèo lô nhô bốn bề và sắc nhọn như có thể đâm nát chân người bất cứ lúc nào. Ấy thế mà những nương ngô vẫn vươn mình tươi tốt để mang lại màu xanh, sự sống cho miền cao nguyên “khát”. Chính màu xanh ấy đã phần nào xua đi cái khô cằn, gai góc vốn đã vô cùng khốc nghiệt nơi biên viễn.

Tôi đã được chứng kiến những người Mông, người Dao, người Lô Lô hay Pu Péo... cày trên nương đá. Và người dân biết lấy đá xếp thành tường rào quanh các thửa ruộng để bảo vệ thành quả lao động và cũng để cho nước mưa không thể xói mòn những nấm đất đang nằm trong hốc đá.

Sức sống mãnh liệt.

Và tôi, ban đầu đã không thể tin khi nghe người dân kể rằng, để có những nương ngô xanh màu no ấm đó, đồng bào phải dùng gùi mang từng nắm đất nhỏ đổ vào những hốc đá rồi gieo hạt xuống đó, khi gặp tiết trời ẩm, hạt giống sẽ nảy mầm. Ấy thế mà chuyện đó là có thật, họ- những đồng bào dân tộc vùng cao đã làm nên điều kỳ diệu và đáng trân trọng. Bao đời nay bà con vẫn gắn bó, bám trụ với mảnh đất biên cương. Có lẽ khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc như thôi thúc đồng bào mạnh mẽ vươn mình lên trong cõi đá.

Thiên nhiên khắc nghiệt, điều kiện cơ sở vật chất (điện đường trường trạm) đều thiếu thốn, cuộc sống có muôn điều khó nhọc nhưng bà con đã kiên trì vật lộn với từng hốc đá tai mèo để gieo những mầm xanh. Đá đã không phụ công người, những nương ngô xanh tốt và cho năng suất thu hoạch cao, không ăn hết ngô đồng bào bán đi lấy tiền mua gạo, mua các vật dụng khác.  

Di sản độc đáo

Tìm hiểu về phương thức thổ canh hốc đá được biết, đây là kỹ thuật canh tác truyền thống ở những nơi có diện tích đá nhiều hơn đất. Tại cao nguyên đá Hà Giang, vào mùa xuân khi tiết trời ấm áp, bà con rẫy cỏ, xếp đá làm hàng rào. Đối với những bãi đất nhỏ, bằng phẳng thì dùng cày, bừa cho đất tơi xốp. Còn với những hốc đá trên cao thì phải gùi đất đổ vào, chỉ cần gieo hạt ngô, hạt bí hay đậu cô ve xuống rồi chờ những cơn mưa chúng sẽ nảy mầm.

Những nương ngô xanh mướt ở huyện Đồng Văn.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn, một mặt vì đá thì nhiều đất lại có hạn, mặt khác nguồn nước tưới khó bảo đảm chủ yếu chờ vào nước trời. Để làm nương rẫy người vùng cao ở Hà Giang thường có tập quán đổi công, tức là các gia đình xung quanh tập trung làm đất, trồng trọt, thu hoạch giúp nhau luân phiên. Vào mỗi vụ mùa, nhà này làm giúp nhà kia xuống hạt, cười nói rôm rả cả một vùng. Trồng hết rẫy nhà này, họ lại sang rẫy nhà khác. Nhờ thế, cuộc mưu sinh trên đá của đồng bào cũng bớt đi sự cơ cực và cô đơn.

Vào mùa thu, khi gió heo may tràn về, cũng là lúc người dân cao nguyên đá bước vào mùa vụ thu hoạch. Khi những bắp ngô được xếp ngay ngắn trong và trên gác bếp cũng là lúc đồng bào chuẩn bị cho một mùa lễ hội cơm mới và cưới xin, làm nhà. Những hạt ngô ấy chính là nguồn năng lượng dồi dào cho những bước chân và sức sống mãnh liệt của người dân cao nguyên đá.

Trước kia, người Mông có tập tục du canh, du cư. Họ đốt rừng làm nương, sau vài vụ đất bạc màu lại bỏ đi nơi khác. Sau đó, rừng ngày càng cạn kiệt nên đồng bào đã dần an cư, trồng cây lương thực qua nhiều đời nay. Tri thức thổ canh hốc đá thể hiện sức sống mạnh mẽ, tinh thần giữ đất, giữ làng, dù khó khăn đến đâu, các dân tộc vẫn tìm tòi sáng tạo, để duy trì cuộc sống, từng bước vươn lên xoá đói, giảm nghèo. Từ những ý nghĩa kinh tế, giá trị văn hóa đó, phương thức thổ canh hốc đá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014.


Related news

xu-ly-hat-giong-bang-fortenza-duo-480fs-giai-phap-moi-phong-chong-sau-keo-mua-thu Xử lý hạt giống bằng… qua-ngot-tren-vung-bien-gioi-muong-khuong Quả ngọt trên vùng biên…