Mô hình kinh tế Thới Bình (Cà Mau) trồng gừng hiệu quả cao, nỗi lo lớn…!

Thới Bình (Cà Mau) trồng gừng hiệu quả cao, nỗi lo lớn…!

Publish date Friday. May 22nd, 2015

Ông Phan Chí Công, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Bình: “Vài năm gần đây, giá mía thấp, nhà máy đường hoạt động cầm chừng, người dân thu nhập bấp bênh, trong khi gừng tăng giá, nên nhiều hộ dân đã tự phát phá mía trồng gừng. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có gần 200ha gừng, tập trung nhiều ở 2 xã Biển Bạch Đông và Trí Lực. Đặc biệt, trong năm 2014, nhờ trúng giá gừng, cùng với việc đầu tư trồng gừng diện tích lớn, nhiều hộ dân có thu nhập khá, cá biệt có vài hộ thu tiền tỷ nhờ gừng”.

Đến Ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông vào thời điểm này, người dân đang khẩn trương lên liếp, cải tạo đất và đặt gừng giống. Bởi năm 2014, trên địa bàn ấp có hộ ông Phạm Văn Ưa, thu nhập tiền tỷ nhờ trồng gừng đã tác động rất lớn đến tâm lý bà con. Gia đình ông Ưa có 20ha đất, gồm: 10ha vuông, 8ha mía, 2ha gừng và hoa màu. Ông bắt đầu trồng gừng từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, năm đầu tiên trồng, gừng thối và lây lan nhanh, kết quả ông Ưa lỗ trên 300 triệu đồng (chi phí gừng giống).

Kết quả đó khiến ông rất hoang mang, song ông vẫn quyết tâm nghiên cứu thêm kỹ thuật trồng gừng thông qua báo, đài… Nhờ vậy, gia đình ông trúng gừng liên tục 3 năm (2013 - 2015), riêng trong tháng Giêng năm 2015, gia đình ông thu 1,6 tỷ đồng từ 1ha gừng, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Kiểm, vợ ông Ưa cho biết: “Gần đây, mía rớt giá thê thảm nên thu nhập từ cây mía rất thấp, còn vuông tôm thì chỉ đủ chi phí sinh hoạt trong gia đình chứ không có dư; nhờ trồng gừng, thu nhập gia đình mới đỡ hơn. Hiện gia đình tôi đã xuống giống gừng xong, đến khoảng tháng 7 âm lịch là thu hoạch, hy vọng gừng có giá”.

Trước tác động của giá gừng và nhiều hộ có thu nhập khá từ gừng, ông Lê Văn Được, cựu chiến binh ở Ấp 6 La Cua vốn được mệnh danh là “Vua mía” xứ này cũng quyết định phá gần 0,4ha mía để trồng thử nghiệm gừng. Ông Được cho biết: “Gia đình tôi có 8ha đất, trong đó có trên 5ha trồng mía, bình quân hằng năm thu hoạch 500 - 600 tấn mía, tuy nhiên gần đây mía rớt giá mạnh, tôi phá một phần diện tích mía để làm vuông, song làm vuông cũng “khó ăn”, nay tôi thử nghiệm trồng gừng. Tuy nhiên, tôi chưa dám mạo hiểm đầu tư trồng gừng với diện tích lớn”.

Ông Nguyễn Trang Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông: “Nếu như năm 2014, diện tích gừng trên địa bàn xã chỉ trên 50ha thì nay đã tăng lên trên 100ha. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do gần đây giá mía quá thấp, dân thu lợi nhuận không cao từ mía, thấy gừng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tự phát trồng gừng”.

Cùng nhiều nỗi lo

Sự phát triển diện tích trồng gừng ồ ạt do giá gừng tăng cao, đang khiến các ngành chức năng không khỏi lo ngại. Thứ nhất, trồng gừng ồ ạt, cung lớn hơn cầu sẽ không có đầu ra, mất giá. Thứ hai, một khi gừng nhiễm bệnh sẽ lây lan nhanh toàn diện tích, trong khi vốn đầu tư cho gừng giống khá cao (khoảng 30 - 40 triệu đồng/0,1ha), nên khoảng cách giữa “tỷ phú” và “bần cùng” rất gần. Thứ 3, nếu tình trạng phá mía trồng gừng tiếp diễn với diện tích lớn, sẽ phá vỡ quy hoạch vùng trồng mía trên địa bàn huyện…

Ông Phan Chí Công: “Với giá gừng như hiện nay, khoảng 50 - 55 ngàn đồng/kg thì 1ha gừng người dân thu từ 1,5 - 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng. Với lợi nhuận này, thật sự đã tạo được sự chú ý và hấp dẫn cho không ít nông dân trên địa bàn huyện. Thấy dân có thu nhập cao, chúng tôi rất mừng, song cũng rất lo, khi tái diễn cảnh “được mùa, mất giá”. Các ngành chức năng huyện vẫn chưa dám nhân rộng mô hình, chỉ khuyến cáo bà con không nên trồng ồ ạt với diện tích lớn”.

Ông Lê Văn Được: “Nhớ lại cách đây khoảng 5 năm, gừng rớt giá thê thảm, chỉ 2 - 4 ngàn đồng/kg, nhiều hộ dân trồng gừng trong tỉnh chấp nhận bỏ rẫy chứ không nhổ gừng bán. Mặt khác, khi gừng nhiễm bệnh, thối củ thì phải mất 2 - 3 năm sau mới có thể tái sử dụng lại phần diện tích ấy để trồng trọt nên gia đình tôi không dám đầu tư diện tích lớn cho mô hình này”.

Ông Nguyễn Văn Xinh, cũng là cựu chiến binh Ấp 6 La Cua: “Thấy nhiều người làm giàu từ gừng, tôi cũng mê lắm, tuy nhiên, để an toàn, tôi chọn cách thực thiện mô hình đa cây, đa con trên diện tích đất vốn có của gia đình. Ngoài 3,5ha vuông, tôi nuôi thêm 2 ao cá bống tượng; tận dụng phần đất trên 0,4ha, tôi trồng gừng và hành kết hợp cùng thời điểm, theo cách: Phía dưới đặt gừng, phía trên trồng hành, bởi sau một tháng rưỡi trồng thì hành đã thu hoạch. Khi ấy kịp lúc cho gừng đâm ngọn ra lá. Với cách làm ấy, gia đình tôi thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm. Tuy chưa cao, song lại rất bền vững”.

Ông Sử Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Biển Bạch Đông: Hiện nay, đa phần các hộ dân chỉ thấy lợi ích trước mắt nên tự phát trồng gừng. Giá gừng nói riêng và các mặt hàng nông sản thực phẩm những năm gần đây diễn biến phức tạp khó đoán trước, nên chúng tôi không dám vận động dân phát triển diện tích trồng gừng, cũng chưa có sự phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao, tập huấn kỹ thuật trồng gừng cho bà con. Chúng tôi sẽ đề xuất với các ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ bà con, đồng thời có những khuyến cáo, định hướng giúp bà con trong quy hoạch sản xuất, hạn chế tình trạng dân chịu thiệt vì được mùa nhưng mất giá.


Related news

voi-giong-moi-6-tan-ha-nha-nong-quay-lai-cay-dieu Với giống mới 6 tấn/ha,… nuoi-ga-gia-cong-bot-ngot Nuôi gà gia công bớt…