Tin nông nghiệp Thông báo về việc quản lý dịch hại trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018

Thông báo về việc quản lý dịch hại trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018

Author Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang, publish date Friday. February 9th, 2018

Tình hình thời tiết vào giai đoạn trước, trong và sau Tết, trời nhiều mây, sáng sớm có sương mù, nắng yếu có thể có mưa. Căn cứ tình hình thời tiết và các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Qua thực tế thăm đồng và theo dõi bẩy đèn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang dự báo một số đối tượng dịch hại có khả năng phát sinh và gây hại trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 như sau:

- Rầy nâu: Dự kiến sẽ có một đợt rầy cám nở từ 10/02 - 20/02/2018 (nhằm ngày 25 tháng chạp năm Đinh Dậu 2017 đến mùng 5 tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018) trên lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ và ngậm sữa ở hầu hết các huyệ. Chú ý trên các giống nhiễm rầy như Jasmine85, lúa Nhật, OM4900, Nếp, OM4218, IR50404, OM2514, OM5451, OM7347, OM6561, OM6377,... Nếu phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ và mật số hơn 3 con/tép tiến hành phun thuốc trừ rầy. Tuyệt đối không phun ngừa khi mật số rầy còn thấp (dưới 3 con/tép). Khi phun thuốc cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc (đúng thuốc trừ rầy, nên sử dụng thuốc chống lột xác, không sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc, không sử dụng nhóm cúc là nhóm thuốc trừ sâu cuốn lá để phun trừ rầy, không kết hợp thuốc đặc trị rầy với nhóm trừ sâu cuốn lá sẽ làm bộc phát rầy), đúng lúc (lúc rầy tuổi 2-3 có màu vàng lợt đến vàng nâu), đúng nồng độ và liều lượng (theo khuyến cáo trên nhãn và đủ lượng nước), đúng cách (phun vào thân cây lúa, không phun phớt trên lá). Chú ý: không sử dụng thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid giai đoạn trổ và sau trổ và nên tuân thủ thời gian cách ly.

- Bệnh đạo ôn:Thời tiết hiện nay sáng sớm có nhiều sương mù là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lây nhiễm và gây hại với mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên các ruộng trồng giống nhiễm, sạ dầy, bón dư phân đạm như: IR50404, OM4218, OM4900, OM5451, Nếp, OM2514, OM6073, OM7347, OM1490, Jasmine85,… Cần chú ý bệnh đạo ôn cổ bông trên giống Jasmine85, OM6976, IR50404, … Nên thăm đồng kỹ trước, trong và sau Tết để phát hiện sớm và đưa ra biện pháp phòng trị có hiệu quả, đặc biệt trên lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng – trổ.

Lưu ý: Đối với bệnh đạo ôn lá: chỉ nên phun thuốc khi phát hiện 1-2 vết bệnh đạo ôn điển hình trên ruộng. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông nên phun ngừa trước và sau trổ 7 ngày, phun từ 1,5 - 2 bình máy 25 lít/1.000m2. Tuyệt đối không bón phân, sử dụng phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng khi ruộng đang  bị bệnh.

- Sâu cuốn lá: Gây hại mạnh trong khoảng giữa đến cuối tháng 02/2018 (từ 29 tháng chạp năm Bính Thân – ngày 12-13 tháng Giêng năm Mậu Tuất) có đợt sâu non nở trên trà lúa đại trà đang đẻ nhánh đến làm đòng, đây là đợt sâu chính trong vụ với mức độ từ nhẹ đến trung bình. Chỉ sử dụng thuốc trừ sâu cuốn lá khi mật số sâu cao trên 20 con/m2 ở giai đoạn lúa đòng – trổ; Không sử dụng thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ hay cúc tổng hợp hoặc hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ sâu vào giai đoạn 40 ngày đầu của cây lúa để bảo vệ hệ thiên địch, tránh bộc phát của các loài dịch hại nhất là đối với rầy nâu ở giai đoạn sau của cây lúa.

- Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá: Trên trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng, bệnh có thể lây nhiễm. Nông dân phải thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện sớm, khi thấy cây lúa bị bệnh rải rác cần nhổ và tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh. Chú ý: Đây là bệnh do virus gây hại nên không có thuốc trị, rầy nâu là môi giới truyền bệnh nên trên ruộng lúa bị nhiễm bệnh nông dân phải quản lý tốt rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

- Muỗi hành: Có khả năng xuất hiện và gây hại trên trà lúa xuống giống muộn có thời gian gieo sạ từ đầu đến cuối tháng 01/2018. Thời tiết tháng 02/2018 thích hợp để muỗi hành gây hại trên trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng. Ngoài ra, muỗi hành gây hại nhiều trên những ruộng trồng giống nếp Thái mỡ, Jasmine85, OM6976, ĐS1,…

Chú ý: Khi nông dân phát hiện muỗi hành đã gây hại trên ruộng phun thuốc phòng trị sẽ hiệu quả không cao, nên áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác như: Không bón thừa phân đạm; bón cân đối đạm, lân, kali; quản lý nước tốt,…

Ngoài ra, trong thời gian trước trong và sau Tết bà con nông dân cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ, theo dõi diễn biến dịch hại, áp dụng hiệu quả biện pháp quản lý các đối tượng dịch hại trên đồng ruộng.

- Chủ động áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước (chú ý cắt nước giai đoạn 27-30 ngày sau sạ).

- Buổi trưa, trời nắng nóng, nhiệt độ cao hơn 30oC sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa; Chú ý đến bón phân nuôi đòng theo nguyên tắc 4 đúng..

Đề nghị chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo các cấp phân công cán bộ thăm đồng thường xuyên giúp nông dân quản lý tốt dịch hại trong dịp Tết. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, thị, thành phố có kế hoạch phân công trực Tết, thăm đồng và báo cáo tình hình dịch hại về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trước 15 giờ hằng ngày, thông qua Phòng Bảo vệ thực vật, số điện thoại (0296) 3.854.698, email: kythuatbvtvag@gmail.com.

Kính chúc bà con nông dân hưởng Tết Mậu Tuất vui vẻ, gia đình đầm ấm, hạnh phúc và đạt vụ mùa thắng lợi.


Related news

trong-rau-sach-theo-kieu-nhat-ky-vong-vuon-xa Trồng rau sạch theo kiểu… hieu-qua-su-dung-giong-lua-cua-an-phong Hiệu quả sử dụng giống…