Tin thủy sản Thu lãi cao từ 'tôm xen tôm'

Thu lãi cao từ 'tôm xen tôm'

Author Anh Phương, publish date Friday. April 13th, 2018

Nhờ chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng, nông dân huyện vùng sâu Vĩnh Thuận (Kiên Giang) từng bước hình thành được vùng canh tác, nhất là hiệu quả từ mô hình nuôi một vụ tôm càng xanh xen tôm thẻ với một vụ lúa.

Nông dân xã Vĩnh Bình Bắc, H.Vĩnh Thuận (Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh từ mô hình 'tôm xen tôm'. Ảnh: A.Phương

Ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Thuận, cho biết những năm qua huyện đã quy hoạch lại vùng sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Theo đó, mô hình nuôi một vụ tôm càng xanh xen tôm thẻ với một vụ lúa đã đem lại hiệu quả khá cao, nông dân phấn khởi. Mô hình được triển khai tại các xã nằm ven sông Cái Lớn, gồm Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc, Bình Minh và một phần xã Tân Thuận, tổng diện tích gần 10.000 ha.

Theo ông Hậu, gọi là mô hình “tôm xen tôm” vì tôm càng xanh từ thả nuôi đến thu hoạch là 6 tháng, trong khi đợi thu hoạch, nông dân thả xen vào tôm thẻ chân trắng bởi loại này chỉ 3 tháng cho thu hoạch. Như vậy, trên cùng diện tích, nông dân thu hoạch 3 lần tôm trong 6 tháng. Theo thu hoạch thực tế của nông dân, 1 ha nuôi theo mô hình “tôm xen tôm” cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Đặc biệt, tôm càng xanh nuôi ở vùng nước này có ưu điểm là tôm sạch, thịt ngon, khi luộc chín màu đẹp. Vì vậy, trong khi một số nơi ở tỉnh Kiên Giang giá tôm càng xanh sụt giảm thì tôm ở đây vẫn có giá cao hơn 35.000 - 40.000 đồng/kg. “Cái được nhất của bà con hiện nay khi đầu ra rất ổn định, thương lái đến tận ruộng thu mua và cung cấp các dụng cụ ô xy để tôm luôn tươi sống”, ông Hậu phấn khởi.

Nuôi tôm theo mô hình này còn thêm cái lợi nữa là khi đã thu hoạch xong vụ tôm càng xanh, nông dân bắt đầu cấy lại một vụ lúa. Tuy không lãi nhiều, khoảng 10 triệu đồng/ha, nhưng bù lại làm cho đất được cải tạo tốt hơn, nhất là khi thu hoạch lúa xong, bơm nước vào nuôi tôm thì phần gốc rạ vừa làm thức ăn vừa là nơi cho tôm trú ngụ.

Ông Võ Văn Sữa (ngụ ấp Nước Chảy, xã Vĩnh Bình Bắc, H.Vĩnh ) cho biết trước đây gia đình ông chỉ nuôi tôm sú với diện tích 3 ha, có vụ lãi vụ không. Từ khi chuyển sang mô hình “tôm xen tôm” thì thu nhập rất cao. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Sữa thu về trên 900 triệu đồng. Nhờ vậy, ông đã xây dựng được nhà lớn, sắm xe hơi…

Ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT H.Vĩnh Thuận, cho biết hiệu quả từ mô hình “tôm xen tôm” đã giúp cải thiện đời sống bà con huyện vùng sâu và hướng cho ngành nông nghiệp đề xuất quy hoạch thời gian tới được hoàn thiện hơn. Cụ thể, kết thúc năm 2017, tổng diện tích thả nuôi tôm toàn huyện là 23.880 ha, sản lượng thu về 12.580 tấn, tăng gần 20% so cùng kỳ. Trong đó, chỉ tính riêng tôm càng xanh là 5.511 tấn, còn lại là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Với những triển vọng từ mô hình này, năm 2018 H.Vĩnh Thuận phấn đấu thả nuôi đạt 25.656 ha, sản lượng đạt 13.490 tấn.

Tuy nhiên, theo ông Hậu, con tôm càng xanh hiện nay chỉ quanh quẩn trong nội địa và xuất sang thị trường Campuchia. Về lâu dài, cần phải có nơi tiêu thụ ổn định thì nông dân mới mạnh dạn chuyển đổi mô hình và yên tâm sản xuất. “Trong năm 2018, H.Vĩnh Thuận sẽ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho tôm càng xanh sạch và lúa sạch trên nền đất nuôi tôm. Bước đầu sẽ thí điểm khoảng 150 ha, sau đó tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện”, ông Hậu thông tin.


Related news

du-bao-nhap-khau-ca-ngu-che-bien-dong-hop-cua-duc-tiep-tuc-tang-manh Dự báo nhập khẩu cá… ky-thuat-nuoi-chach-dong Kỹ thuật nuôi chạch đồng