Thu lợi nhuận cao bằng cách xử lý chôm chôm ra trái nghịch vụ
“Trúng mùa mất giá”, hay “đụng hàng dội chợ” là những điệp khúc mà người nông dân luôn phải đối mặt. Để né tranh diệp khúc này, nhiều nông dân trồng cây ăn trái đã tìm hướng đi mới cho mình bằng cách xử lý cho cây ra trái vụ nghịch, mục đích bán được giá cao và nông dân trồng chôm chôm java Nguyễn Văn Sum ấp Phụng Đức A, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách đã thành công trong việc xử lý cho cây chôm chôm ra trái vụ nghịch. Năng suất đạt trên 6 tấn thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Ông sum cho biết, gia đình ông có 2.400 mét vuông đất trồng chuyên canh 60 gốc chôm chôm java, với khoảng cách 8 mét/cây. Hiện nay, cây được 20 năm tuổi. 2 năm trở về trước, vườn chôm chôm của ông chỉ cho trái vào vụ thuận khoảng tháng 4, 5 âm lịch, cây cho năng suất khá cao nhưng thường hay bị đụng hàng của chôm chôm từ nơi khác, nên giá cả bấp bênh, dao động từ 4-8 ngàn đồng/kg, có năm tệ hại hơn chỉ khỏang 2-3 ngàn đồng/kg. Gia đình có 4 nhân khẩu, 2 con còn nhỏ trong tuổi ăn tuổi học, hàng năm thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào vườn chôm chôm, bỏ công ra chăm sóc nhưng thu lợi không đến 10 triệu đồng, làm cho cuộc sống khó khăn càng chồng chất khó khăn.
Nhưng 2 năm trở lại đây, nhờ học hỏi kinh nghiệm bà con trong ấp, ông Sum xử lý cho cây ra trái vụ nghịch, giá cả ổn định cuộc sống gia đình khấm khá hơn. Ông Sum phấn khởi nói “2.400 mét vuông đất trồng chuyên canh chôm chôm java hiện nay đang vào vụ thu hoạch vụ nghịch ước trên 6 tấn trái, giá bán dao động từ 19 đến 22 ngàn đồng/kg, với giá này sau khi trừ chi phí gia đình còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Đây là nguồn thu lớn nhất của gia đình từ trước đến nay”.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Sum không giấu kinh nghiệm của mình, ông chia sẻ: “Để xử lý cho cây chôm chôm bán vào thời điểm tháng 10, 11 âm lịch, vào tháng 4 âm lịch là tôi xử lý bằng cách đậy mũ cho cây, trong thời gian này phải siết nước cho cây, nếu có nước trong mương thì phải bơm cạn, đến 2 tháng 10 ngày thấy cây ra bông đều là cuống mũ. Trong giai đoạn này rãi phân NPK 16-8, với trọng lượng 50kg/đợt, cách nữa tháng rãi 1 đợt trong thời gian 2 tháng. Khi cây chạy trái bằng tay cái thì chuyển sang rãi phân NPK loại 20-15 với trọng lượng cao hơn khoảng 75 kg/đợt, cách nhau khoảng 15-20 ngày rãi 1 lần, rãi cho đến khi trái chín. Từ khi cây nhú bông đến khi thu hoạch khoảng 3,5 tháng. Đặc biệt trong thời gian cây nhú bông phải thường xuyên theo dõi và phun thuốc trị bệnh phấn trắng cho cây 3 lần, (10 ngày phun 1 lần), kết hợp thuốc trừ sâu. Đến khi cây đậu trái không phun thuốc trị bệnh phấn trắng mà chỉ phun thuốc trừ sâu”.
Ông Sum còn cho biết thêm, sau khi ăn trái xong cần cho cây nghỉ ngơi khoảng ½ tháng, sau đó mới rong nhánh làm đọt chuẩn bị cho mùa vụ năm sau. Trong thời gian làm đọt rãi phân hữu cơ và trước khi đậy mũ rãi thêm 20-15 hoặc 16-8 nhằm giúp cây phát triển tốt, đạt năng suất cao. Với cách làm này, ông Sum quyết định không làm trái trong vụ thuận sẽ tiếp tục xử lý cho cây ra trái vụ nghịch.
Được biết, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách có hơn 400 ha diện tích trồng chôm chôm java tại 1.200 hộ dân, tập trung nhiều tại ấp Phụng Đức B và rãi đều ở các ấp còn lại. Năng suất bình quân đạt từ 35-40 tấn trái/ha trong vụ thuận. Riêng vụ nghịch năm 2010, toàn xã có khoảng 50% diện tích chôm chôm java được nông dân xử lý cho trái vụ nghịch, dù năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha thấp hơn so vụ thuận nhưng bù lại giá khá cao. Hiện nay, bà con trong xã tiếp tục xử lý đậy mũ cho cây ra trái vụ nghịch bán vào thời điểm tháng 1, 2 âm lịch. Với kỹ thuật như hiện nay nông dân không còn lo với việc trúng mùa mất giá vì họ có thể xử lý cho cây ra trái vụ nghịch và ông Nguyễn Văn Sum là một điển hình.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao