Mô hình kinh tế Thử nghiệm một số cây ăn quả trên đất đã trồng cam, quýt

Thử nghiệm một số cây ăn quả trên đất đã trồng cam, quýt

Publish date Sunday. October 11th, 2015

Đến dự hội thảo có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Khoa học và Công nghệ; Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên; UBND xã Quang Thuận và 60 nông dân đại diện các các hộ gia đình sản xuất cam, quýt trên địa bàn xã.

Cam, quýt là cây trồng đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao của tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có khoảng 2.150 ha trồng cam quýt, trong đó tập trung ở huyện Bạch Thông với diện tích hơn 1.200 ha, riêng xã Quang Thuận có diện tích gần 600ha.

Đa số người dân xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông có thu nhập từ trồng cam, quýt. Mỗi năm các gia đình thu về khoảng vài chục triệu đồng, có gia đình thu về vài trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của xã, diện tích đất được sử dụng trồng cam, quýt trước đây đã thoái hoá hàng trăm hécta không thể tái trồng lại được bởi sau khi trồng mới cây phát triển còi cọc, chỉ trồng được 2 - 3 năm cây lại chết, không cho thu hoạch.

Vì vậy, bà con nông dân đã chuyển một số diện tích sang trồng các loại cây khác nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao nên không mở rộng diện tích.

Hiện nay, người dân trồng cam, quýt còn lúng túng trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp để đưa vào trồng nhằm khai thác diện tích sau trồng cam quýt.

Đồng thời mở rộng diện tích cam, quýt theo hướng tiến sâu vào các khe đồi, vườn rừng nên gặp rất nhiều khó khăn như xa nhà, đường đi lại khó khăn.

Nhằm tìm ra biện pháp kỹ thuật canh tác hoặc loại cây trồng phù hợp để khắc phục những khó khăn trên là rất cần thiết.

Do vậy, năm 2013 Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm tỉnh Bắc Kạn tiến hành thử nghiệm gồm 10 công thức trồng mới các loại cây ăn quả trên 2 loại đất có độ cao khác nhau, đó là đất đồi thấp <100 và đất đồi cao từ 10 - 250.

Trong đó, trên đất đồi cao gồm 04 loại cây như cam Bắc Kạn, quýt Bắc Kạn, sấu ghép và trám ghép, mỗi loại cây trồng thử nghiệm trên diện tích 0,2 ha, tổng diện tích 0,8ha.

Trên đất đồi thấp gồm các loại cây như ổi Đài Loan, hồng không hạt, nhãn chín muộn PHM 99 - 1.1, cam Bắc Kạn, quýt Bắc Kạn và bưởi Diễn. Mỗi cây trồng diện tích 0,2ha, tổng diện tích 1,2 ha.

 

Người dân chăm sóc cây ổi 02 năm tuổi

Sau khi thăm mô hình trồng thử nghiệm tại thôn Na Lìu, xã Quang Thuận các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận và bước đầu khẳng định cây cam, quýt vẫn tiếp tục trồng được trên đất sau trồng cây cam, quýt nhưng với điều kiện chăm sóc và quản lý tốt sâu bệnh hại;

Lựa chọn được các loại cây ăn quả phù hợp trên đất thoái hóa sau trồng cam, quýt như đối với đất vùng thấp thích hợp cho cây ổi Đài Loan, cây hồng không hạt; đối với đất vùng cao thích hợp cho cây sấu ghép, trám ghép.

Đến thời điểm này, cây ổi Đài Loan 02 năm tuổi của hộ gia đình ông Hà Sỹ Duy đã cho thu hoạch sản phẩm từ 3 - 5 kg quả/cây, giá bán trung bình 12.000 đồng/kg ước tính thu nhập từ 42 cây ổi trồng thử nghiệm cho thu nhập 02 triệu đồng (tương ứng 180 - 200 triệu đồng/ha).

Để mô hình sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững, các hộ tham gia mô hình cần tiếp tục chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trong những năm tiếp theo.

Bởi kết quả của mô hình chính là giải quyết vấn đề đưa cam, quýt Bắc Kạn trở về trồng trên các khu đồi thấp gần nhà, thuận tiện đi lại và đặc biệt việc vận chuyển vật tư, phân bón, sản phẩm thu hoạch mang đi tiêu thụ nhằm mục tiêu hạn chế dịch chuyển vùng trồng cam, quýt tiến sâu vào khu đất sản xuất lâm nghiệp.


Related news

thanh-pho-tuyen-quang-khuyen-khich-phat-trien-vung-cay-an-qua Thành phố Tuyên Quang khuyến… thao-go-kho-khan-trong-xuat-khau-chuoi-o-quang-tri Tháo gỡ khó khăn trong…