Mô hình kinh tế Thử nghiệm thành công vắc-xin cúm trên chim trĩ

Thử nghiệm thành công vắc-xin cúm trên chim trĩ

Publish date Tuesday. September 15th, 2015

Tuy nhiên, việc sử dụng vắc-xin cúm A H5N1 để tạo kháng thể ở chim trĩ thì vẫn còn khá mới. Đây cũng là nội dung chính trong một nghiên cứu vừa được Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp thực hiện và công bố thành công.

Tuy nhiên, việc sử dụng vắc-xin cúm A H5N1 để tạo kháng thể ở chim trĩ thì vẫn còn khá mới. Đây cũng là nội dung chính trong một nghiên cứu vừa được Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp thực hiện và công bố thành công.

Lấy mẫu thí nghiệm trên chim trĩ

Chim trĩ là loại chim quý có tên trong sách đỏ. Những năm gần đây, ngoài việc nuôi phục vụ nhu cầu giải trí, nhiều hộ gia đình con nuôi chim trĩ phục vụ nhu cầu thực phẩm. Chim trĩ có nhiều chủng loại như: chim trĩ đỏ, chim trĩ cổ khoang.

Thời gian gần đây, thú nuôi chim trĩ phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là chim trĩ cổ khoang. Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh Đồng Tháp có 13 hộ nuôi chim trĩ với tổng đàn là 444 con (năm 2013). Tuy nhiên, việc nuôi chim trĩ chỉ dừng lại ở những mô hình nhỏ lẻ, tự phát, người nuôi còn hạn chế về kiến thức trong việc xây dựng quy trình chăm sóc, phòng bệnh, nhất là việc tiêm phòng vắc-xin.

Năm 2013, theo báo cáo của Cục Thú y, dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra trên đàn chim trĩ 177 con của tỉnh Tiền Giang và năm 2014 đã xảy ra trên đàn chim trĩ 558 con của tỉnh Lào Cai, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Mặc dù hiện nay trên thị trường có nhiều loại vắc-xin để tiêm phòng cúm cho các loài gia cầm nuôi tại hộ gia đình, nhưng việc sử dụng vắc-xin cúm để tiêm phòng cho đàn chim trĩ chưa được khuyến cáo do lo ngại vắc-xin không an toàn cho chim trĩ và không tạo được đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng.

Xuất phát từ thực tế đó, vừa qua Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp thực hiện đề tài khoa học “Thử nghiệm tiêm phòng và khảo sát hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm trên đàn chim trĩ tại Đồng Tháp”.

Thí nghiệm được nhóm nghiên cứu trên đối tượng chim trĩ 21 ngày tuổi, trọng lượng trung bình 70-80g/con tại trại chăn nuôi chim trĩ Bình Phong - TP.Cao Lãnh, trong thời gian 8 tháng (từ tháng 9/2014 đến tháng 5/2015).

Vắc-xin sử dụng là vắc-xin cúm gia cầm Navet-vifluvac của Công ty Navetco, chủng NIBRG-14, vô hoạt dạng nhũ dầu. Thí nghiệm được thực hiện với phương pháp bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 3 nghiệm thức (NT) với 3 lần lặp lại. Việc tiêm phòng vắc - xin được thực hiện trong 2 lần, lần 1 lúc chim trĩ 21 ngày tuổi, lần thứ 2 được lập lại sau 14 ngày.

Ông Bạch Tuấn Kiệt - Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y - người đồng chủ nhiệm đề tài cho biết: “Sau khi tiêm phòng, chúng tôi tiếp tục theo dõi biểu hiện của chim trĩ trong vòng 7 ngày. Kết quả, thời gian bắt đầu sinh kháng thể sau tiêm phòng là 7 ngày; kháng thể bắt đầu đạt ngưỡng bảo hộ (4 log2) ở thời điểm sau 28 ngày và đạt tỉ lệ bảo hộ trên đàn cao (>70%) từ sau 42 ngày.

100% chim trĩ ở các nghiệm thức đều khỏe mạnh, không có biểu hiện sốt cao, ủ rũ; không có chim trĩ chết do bệnh hay do phản ứng với vắc-xin trong vòng 7 ngày đầu sau khi tiêm. Từ kết quả này, chúng tôi kết luận vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm Navet-vifluvac là an toàn đối với chim trĩ”.

Đây là công trình nghiên cứu không những có ý nghĩa trong việc giúp người chăn nuôi trong việc lựa chọn vắc-xin phù hợp để tiêm phòng cho đàn chim trĩ, mà nghiên cứu này còn có ý nghĩa trong việc góp phần bảo tồn giống chim quý hiếm sắp bị tuyệt chủng.


Related news

hieu-qua-ky-thuat-gieo-tinh-nhan-tao-cho-bo-sua-bang-tinh-phan-biet-gioi-tinh Hiệu quả kỹ thuật gieo… se-hinh-thanh-khu-trong-co-nuoi-bo-sua-tu-nhien-tai-huyen-me-linh Sẽ hình thành khu trồng…