Tin nông nghiệp Thu nhập cao từ nghề nuôi vỗ cua mẹ

Thu nhập cao từ nghề nuôi vỗ cua mẹ

Author NT, publish date Wednesday. August 11th, 2021

Nghề nuôi vỗ cua mẹ đã xuất hiện từ lâu ở huyện Năm Căn và ngày càng mang đến thu nhập ổn định cho người dân nơi đây, nhờ nhu cầu cung ứng giống cho thị trường để phát triển sản xuất theo chuỗi, nâng tầm thương hiệu.

Anh Nguyễn Văn Niêm đã có nhiều năm thành công với nghề nuôi vỗ cua mẹ.

Nghề nuôi vỗ cua mẹ trước đây là nghề tự phát, nhưng sau đó thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao do nhu cầu con giống cung ứng cho thị trường, nên người dân ở Năm Căn mở rộng quy mô sản xuất.

Là người có kinh nghiệm 13 năm làm nghề nuôi vỗ cua mẹ, anh Nguyễn Văn Niêm, ở khóm 5, thị trấn Năm Căn chia sẻ: Để có được con cua mẹ mang trứng tốt, khỏe, người làm nghề này phải biết chọn cua có màu tươi, sáng và đầy gạch, sau đó đem về nuôi vỗ và xuất bán nguyên con cho các trại sản xuất cua giống.

Cua mẹ được chọn mua về nuôi vỗ có trọng lượng từ 380 – 500 gam/con, mỗi con có giá từ 250 – 300 ngàn đồng. Sau khi nuôi vỗ khoảng 15 – 20 ngày thì xuất bán nguyên con với giá từ 01 - 1,5 triệu đồng/con.

Nghề nuôi vỗ cua mẹ cũng phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu của thị trường. Quân bình mỗi hộ nuôi vỗ từ 150 – 200 con/tháng, nếu vào thời vụ, nhu cầu nguồn giống cao, mỗi hộ nuôi vỗ từ 300 – 500 con. Gặp thời tiết thuận lợi, giá tốt, cua mẹ phát triển khỏe mạnh, người nuôi có thể thu lợi từ 20 – 50 triệu đồng/tháng sau khi trừ hết các khoản chi phí.

Cua mẹ được nuôi vỗ trong thùng nhựa, có chạy hệ thống oxi.

Làm nghề nuôi vỗ cua mẹ đã lâu, ông Dư Minh Quang, ở khóm 5, thị trấn Năm Căn cho biết: Có lúc không đủ nguồn cua mẹ để cung ứng cho các trại sản xuất giống. Cũng như bao nghề khác, nghề nuôi vỗ cua mẹ cần có nguồn vốn đầu tư ban đầu, khoảng 50 – 70 triệu đồng, sau đó từ từ tích lũy rồi phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Năm Căn Trương Quốc Duẩn: Nuôi vỗ cua mẹ là nghề xuất phát từ nhu cầu của người dân, nhằm cung cấp cua mẹ cho các trại giống, phục vụ sản xuất. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, phù hợp với xu hướng của thị trường, nên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã quan tâm, tạo điều kiện tổ chức tập huấn, hội thảo để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những người làm nghề này. Cua Năm Căn hiện đang phát triển theo chuỗi giá trị khá tốt, từ sản xuất cua mẹ, ương cua giống đến nuôi cua thịt.

Hiện tại, cua mẹ sau khi được nuôi vỗ không chỉ cung ứng cho thị trường trong tỉnh, mà còn phát triển đến các tỉnh lân cận như: Kiên Giang, Bạc Liêu, thậm chí đến các tỉnh miền Trung.


Related news

giong-dau-phong-ldh09-va-ldh12-nang-suat-tang-15 Giống đậu phộng LDH09 và… quy-trinh-canh-tac-huu-co-giong-dua-le-vang-lai Quy trình canh tác hữu…