Tin nông nghiệp Thu nhập cao với củ sắn lấy hạt

Thu nhập cao với củ sắn lấy hạt

Author ĐỨC TOÀN, publish date Wednesday. May 25th, 2016

Nặng công ban đầu

Mô hình trồng củ sắn lấy hạt xuất hiện ở xã Phước Hưng từ rất lâu. Không giống như các loại rau màu khác, trồng sắn lấy hạt đòi hỏi thời gian gieo trồng lâu hơn, từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 5 tháng. Để có được nguồn giống, nông dân phải trồng bằng củ để lấy hạt, sau đó dùng hạt đó trồng lại cho vụ sau. Có 2 loại củ sắn giống là sắn mùa và sắn Ba Tri. Hiện nay, nông dân thường chọn giống Ba Tri vì năng suất cao hơn và thời gian canh tác cũng ngắn hơn so với sắn mùa. Giống củ sắn Ba Tri có giá 5.000 đồng/kg và được người bán cho vào bọc 10kg. Ông Huỳnh Thanh Bình (nông dân xã Phước Hưng), thông tin: “Bình quân 40kg củ giống sau khi trồng sẽ cho 20 lít hạt. Mỗi công, tôi gieo khoảng 15 lít hạt, số dư còn lại đem bán lại cho bà con xung quanh với giá từ 300.000 – 350.000 đồng/lít”.

Là một trong những nông dân trồng sắn lấy hạt đầu tiên ở xã Phước Hưng, ông Bình cho biết, trồng sắn lấy hạt nặng công và cần chi phí đầu tư ban đầu. Trước đây, ông trồng theo hình thức lên liếp để sắn tự bò, thấy hiệu quả không cao nên khoảng 7 năm trở lại đây, ông chuyển sang trồng sắn leo giàn, năng suất được cải thiện. Vì phải làm giàn nên chi phí khá cao. Thông thường, giàn được làm bằng cây tràm, bình quân 1 công sắn cần từ 1.300 – 1.400 cây cọc tràm, giá mua mỗi cây là 6.000 đồng. Như vậy, chi phí bỏ ra cho 3 công sắn từ 23 - 25 triệu đồng, đó là chưa kể đến chi phí thuê nhân công róc chàm, bóc vỏ và cắm cọc.

Để giảm chi phí, ông Bình cắm cọc khoảng cách 1,5m, ở giữa ông căng dây để sắn có thể bò lên trên. Cọc tràm sau 3 năm phải thay mới một lần. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông Bình thường chặt bỏ phần cọc ở dưới đất để giàn được chắn chắn, tránh đổ ngã khi có gió mạnh. “Trồng sắn lấy hạt cực nhất và nặng vốn nhất là lúc ban đầu. Tuy nhiên, chăm sóc đúng cách thì chỉ vụ đầu là lấy lại vốn và có lãi khá” – ông Bình chia sẻ.

Lợi nhuận cao

Mặc dù chi phí đầu tư khá cao, thời gian trồng khá lâu mới cho thu hoạch nhưng bù lại năng suất và giá cả hạt sắn khá cao. Những năm gần đây, hạt sắn luôn ổn định từ 120.000 – 250.000 đồng/kg. “Bình quân 1 công sắn cho năng suất từ 280 - 300kg hạt. Với 3 công đất, tôi thu nhập trên 20 triệu đồng/công. Có những năm, vụ đông xuân tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng, còn vụ hè thu khoảng 45 triệu đồng. Tuy nhiên, do năm nay nắng nhiều nên năng suất không đạt bằng các năm trước đây” - ông Bình cho biết.


Hạt sắn có giá cao và ổn định

Ông Hồ Hoàng Dũng (ở cùng xã Phước Hưng) cho biết, củ sắn khá dễ trồng nhưng nặng công chăm sóc, quan trọng là chú ý ngắt đọt cho cây tập trung ra hoa, đậu trái nhiều. Sắn thích hợp với vùng đất gò cao, không chịu mưa nên cần phải thoát nước liền nếu không sẽ bị thối. Sau khi thu hoạch, nông dân thường cắt gần phần gốc để canh tách tiếp. Một gốc sắn có thể cho thu hoạch 2 đợt. Sau khi thu hoạch nên bón lót để tăng độ hữu cơ cho đất. Trong quá trình canh tác, phải thăm đồng thường xuyên để phòng tránh các loại sâu bệnh gây hại làm rơi bông, mù đọt, ảnh hưởng đến năng suất hạt.

Mô hình trồng sắn lấy hạt có hiệu quả cao, cho thu hoạch khá nên nông dân ở xã Phước Hưng vẫn duy trì tốt diện tích, còn người dân ở những nơi khác cũng tìm về đây để mua hạt giống về trồng. Hạt sắn được bán nhiều tại vùng Bảy Núi, bán ra miền Trung, Hà Nội… và xuất sang Campuchia. Tuy hiệu quả cao nhưng không phải đất nào cũng canh tác được nên cây trồng này chưa được phổ biến. Thêm vào đó là mất nhiều công sức và chi phí đầu tư nên nhiều nông dân không dám mạnh dạn bỏ vốn vào loại cây trồng này. Trong khi đó, nhờ đầu ra ổn định nên nhiều nông dân xã Phước Hưng vẫn yên tâm phát triển mô hình trồng sắn lấy hạt.


Related news

het-canh-duoc-mua-doi-cho-nho-trong-rau-an-toan Hết cảnh được mùa, dội… thai-lan-xa-kho-gao-11-4-trieu-tan-chieu-tro-trong-kinh-doanh Thái Lan xả kho gạo…