Tin nông nghiệp Thu nhập gần 5 tỷ đồng từ trồng cam, quýt trái vụ

Thu nhập gần 5 tỷ đồng từ trồng cam, quýt trái vụ

Author Lê Phước, publish date Thursday. November 23rd, 2017

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, gia đình anh Phan Duy Lam ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) thu nhập gần 5 tỷ đồng mỗi năm từ 4 ha cam sành và quýt đường trái vụ.

Hệ thống mương chạy dọc vườn cây để dẫn nước vào mùa mưa của gia đình anh Lam

Gia đình anh Lam từ Đồng Nai lên lập nghiệp tại thôn Phú Xuân cách đây gần 20 năm. Thời gian đầu, gia đình tập trung toàn bộ kinh tế vào trồng cà phê tại khu đất đồi rộng 12 ha. Khi mới cho thu hoạch, rẫy cà phê đạt năng suất khá, giúp gia đình có điều kiện trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Nhưng khi qua tuổi thứ 10, cây cà phê dần kém hiệu quả, năng suất bấp bênh, giá cả cũng chẳng được ổn định.

Trăn trở, anh đã tìm nhiều mô hình cây trồng khác để phát triển kinh tế. Trong một chuyến đi đồng bằng Sông Cửu Long vào năm 2008, anh Lam thấy nhiều vườn cam, quýt trái vụ sai và giá bán cao nên quyết định thử nghiệm trồng. Sau khi cải tạo vườn cà phê rộng 2 ha, anh đã trồng 500 cây quýt đường ghép từ Bến Tre.

Chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên những năm đầu khi mới trồng, anh khăn gói đi khắp nơi học hỏi các mô hình đã thành công trước đó. Thế rồi, cây quýt cũng chẳng phụ lòng người, sau 3 năm được vun vén, chăm sóc đã bắt đầu cho thu bói. Từ năm thứ 4 trở đi, cây cho năng suất khá, bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Với giá bán trung bình hơn 10.000 đồng/kg thời điểm đó, gia đình anh thu về gần 1 tỷ đồng từ 2 ha quýt.

Thấy vườn quýt cho thu nhập khá hơn cây cà phê, từ năm 2011, anh tiếp tục cải tạo 4 ha cà phê già cỗi để trồng cam sành và quýt đường. Nhưng vườn quýt khi đó ra trái quanh năm và cho thu nhiều nhất vào thời điểm trước tết. Tìm đầu ra cho hàng chục tấn quýt thời điểm đó không phải là dễ nên nhiều lúc gia đình anh đã bị thương lái ép giá. Thấy thành quả lao động của gia đình mình không được đền đáp xứng đáng, anh quyết định lần thứ 2 xuống đồng bằng Sông Cửu Long để tìm kỹ thuật “ép” quýt ra trái trái vụ.

Qua học hỏi, anh Lam nhận thấy là muốn quýt cho trái trái vụ cũng không phải khó, chỉ cần điều chỉnh nguồn nước tưới để cây phát triển, ra hoa theo ý người trồng. Anh bắt đầu thuê người làm hệ thống mương dẫn quanh vườn quýt. Đầu mùa mưa, anh không cho cây tiếp xúc với nước bằng cách dùng bạt nông nghiệp hứng toàn bộ nước mưa, cho chảy theo mương dẫn xuống suối. Đến khoảng tháng 7, anh tháo toàn bộ bạt ra để cây nhận nước mưa và bắt đầu ra hoa, kết trái. Rồi vào mùa khô, anh tưới liên tục như trời mưa thì vườn cây sẽ chín đồng loạt vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch.

Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, vườn quýt của gia đình anh Lam luôn sai trĩu quả

Anh Lam cho biết: “Năng suất cây vẫn bảo đảm nhưng trái chín đồng loạt nên chất lượng thành phẩm cao, quá trình thu hái cũng thuận lợi hơn. Vào thời điểm này, ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung bắt đầu nắng nóng nên nhu cầu về trái cây, đặc biệt là cam quýt cao nên bán có giá hơn. Mùa thu hoạch năm 2016, thương lái tìm đến tận vườn cây của gia đình mua với giá trung bình trên 30.000 đồng/kg, gấp đôi các thời điểm khác trong năm. Với năng suất trung bình gần 40 tấn/ha, vườn cam sành và quýt đường mang lại nguồn thu gần 5 tỷ đồng”.

Ngoài 4 ha đang cho thu hoạch, vào mùa mưa năm nay, gia đình anh Lam đã thay thế thêm 3 ha cà phê già cỗi bằng cây quýt đường. Ở những khu vực mới trồng, gia đình anh đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động theo công nghệ tiên tiến. Song song với đó, anh cũng đã chặt bỏ vườn quýt trồng từ năm 2008 để mùa mưa sang năm tiếp tục trồng lại. Theo anh Lam, cây cam sành và quýt đường trái vụ có hiệu quả gấp khoảng 5 lần cây cà phê nhưng nguồn vốn đầu tư rất lớn nên anh sẽ làm theo kiểu gối đầu, dần thay thế toàn bộ cà phê để mở rộng diện tích trồng trái cây ra toàn bộ 12 ha của gia đình.


Related news

hieu-qua-tu-trong-ca-phe-xen-cay-an-trai Hiệu quả từ trồng cà… su-dung-mang-phu-nong-nghiep-de-tang-nang-suat-cay-trong Sử dụng màng phủ nông…