Tin thủy sản Thúc đẩy phát triển logistics nghề cá

Thúc đẩy phát triển logistics nghề cá

Author Sáu Nghệ, publish date Friday. May 31st, 2019

Logistics được đánh giá sẽ giúp thúc đẩy phát triển nghề cá khu vực ĐBSCL, đặc biệt là tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông, thủy sản. Việc hình thành một trung tâm logistics nghề cá tại vùng đất chín rồng đang là nhu cầu cấp thiết.

Ảnh minh họa

Chi phí dịch vụ quá cao

Báo cáo của VASEP tại hội thảo cho biết: “Tỷ lệ chi phí logistics của Việt Nam/GDP đang cao nhất thế giới, cao hơn rất nhiều so với các nước lân cận và các khu vực EU, Bắc Mỹ. Cụ thể, chi phí logistics/GDP cho hàng thủy sản ở nước ta là 20,9%; Trung Quốc chỉ 15,4%; Thái Lan 10,7%; vùng châu Á - Thái Bình Dương là 13,5%; châu Âu 9,2%, Bắc Mỹ 8,6%”.

Cũng báo cáo của VASEP, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta, chiếm 4 - 5% GDP, 8 - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu và đứng thứ 5 về giá trị mặt hàng xuất khẩu, đã xuất sang 165 thị trường. Năng lực ngành thủy sản có 612 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp đạt quy chuẩn ATTP, trong đó 461 nhà máy đạt điều kiện xuất khẩu sang EU (hơn 75%). Việt Nam là một trong số ít quốc gia có lợi thế về thủy sản, nhưng giá thành sản xuất ngày càng cao đã hạn chế khả năng cạnh tranh, phát triển. Ở vựa thủy sản quốc gia ĐBSCL có trên 70% sản lượng phải chở container lên TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa -Vũng Tàu để xuất khẩu, khiến chi phí vận tải cao hơn 10 - 40% tùy từng tuyến.  

Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam khảo sát từ tháng 3 - 4/2019 với các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp chủ hàng, cho thấy những yếu kém của logistics hiện nay. Theo đó, “Khó khăn lớn nhất gặp phải khi làm việc với nhà cung cấp dịch vụ logistics là chi phí không như mong đợi chiếm 72,2%; thiếu sự cải tiến liên tục 30,6%; chất lượng dịch vụ không như cam kết 27,8%. Còn ba vấn đề lớn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics gặp phải là nguồn nhân lực còn hạn chế chiếm 60%; giá cước thay đổi thất thường và thiếu kinh nghiệm quản trị chuỗi cung ứng đều 40%”.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam trăn trở: “Qua các số liệu thống kê trong ít nhất 5 năm trở lại đây, chi phí logistics cho xuất khẩu thủy sản và trái cây chiếm tỷ lệ vào khoảng 20 - 25% , như vậy là khá cao so với các nước trong khu vực (vào khoảng 10 - 15%). Kết nối hạ tầng logistics tại khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập, ngay cả các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương còn chưa rõ nên đẩy mạnh theo hướng nào là hiệu quả”.

Theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp xuất khẩu, nếu có dịch vụ tiếp vận hậu cần hợp lý hơn, hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ ĐBSCL, không phải đưa lên TP Hồ Chí Minh thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn, khoảng 30 - 40%; khi đó, tính cạnh tranh của các mặt hàng nông sản sẽ cao hơn. 

Hiện thực hóa

Trên thế giới hiện nay, cung ứng hàng hóa theo chuỗi là một nguyên tắc kinh doanh quan trọng nhất để cân bằng cung cầu, nâng cao hiệu quả kinh tế, từ đó vai trò logistics đã nổi lên. Nhằm khắc phục thực trạng chi phí logistics đắt đỏ và việc vận chuyển từ ĐBSCL lên TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu mất thời gian, VASEP đề xuất: “Thiết lập trung tâm logistics nghề cá cho ĐBSCL để đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu để kết nối với các vệ tinh của các tỉnh trong vùng nhằm giảm chi phí và quản lý thống nhất chất lượng hàng thủy sản”.

Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Nguyễn Minh Toại cho biết thêm: “Hiện nay, TP Cần Thơ đang lập quy hoạch và mời gọi đầu tư dự án xây dựng Trung tâm logisctics hạng II cấp vùng. Nếu hình thành được trung tâm logistics này, sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa lên TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời phát triển ngành kinh doanh mới là vận tải và logistics ở TP Cần Thơ vốn là trung tâm vùng ĐBSCL”.

Ủng hộ đề xuất, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam đưa ra các mô hình dịch vụ logistics thực tiễn để phát huy hiệu quả. Đó là, chuỗi cảng container phục vụ gom hàng ở các địa phương bằng vận tải thủy, tập trung chủ yếu dọc sông Hậu: Tân cảng Sa Đéc, Tân cảng Cao Lãnh, Tân cảng Mỹ Thới, Tân cảng Thốt Nốt, Tân cảng Trà Nóc, Tân cảng Giao Long. Đội sà lan và tàu biển phục vụ vận tải container từ các cảng dọc sông Hậu đi cảng Cát Lái và cảng Cái Mép hoặc cảng Hải Phòng.

Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cũng kiến nghị các bên liên quan cần thay đổi tư duy và hoạt động. Đơn vị cung cấp dịch vụ logistics cần liên kết các đơn vị để tạo chuỗi dịch vụ tại ĐBSCL giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian. Đơn vị xuất khẩu thủy sản kết hợp với các doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ logistics để tận dụng lợi thế nhờ quy mô, tạo sức mạnh của mạng lưới chủ hàng. Cơ quan quản lý chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics (hạ tầng cứng và cả hạ tầng mềm ICT), không quên truyền thông về kết nối hạ tầng logistics cho các tuyến, luồng hàng hóa.

Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,79 tỷ USD, xuất khẩu mặt hàng trái cây 3,81 tỷ USD; trong đó, ĐBSCL là chủ lực. Tuy nhiên, qua các số liệu thống kê trong ít nhất 5 năm trở lại đây, chi phí tiếp vận hậu cần cho xuất khẩu thủy sản và trái cây chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25%, cao hơn 10-15% so với các nước trong khu vực.


Related news

nuoi-tom-bat-an-kham-kho-ban-400-ngan-kg-ma-tranh-nhau-mua Nuôi tôm bắt ăn kham… nang-nong-keo-dai-ca-tom-ngap-ngoai Nắng nóng kéo dài, cá…