Thương hiệu Việt: Đừng để lãng phí tài nguyên
Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến xa hơn nữa, việc xây dựng thương hiệu quốc gia là cần thiết giúp sản phẩm có được vị thế. Thế nhưng, làm được điều này không phải đơn giản, nhất là trong điều kiện hiện nay.
Trong ảnh: Khu nuôi cá basa ở An Giang, Ảnh: CTV
Mờ nhạt
Không phải ngẫu nhiên khi mặt hàng cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang gần 140 quốc gia trên thế giới. Con tôm Việt Nam cũng được xuất khẩu đi nhiều thị trường, cả thị trường khó tính. Nhiều người từng ví von: Sản phẩm thủy sản Việt Nam giống như cô gái xinh đẹp, đi đến đâu cũng được “mê”.
Tuy nhiên, “đầu xuôi” mà “đuôi chưa lọt”, dù có thế mạnh và tiềm năng nhưng dường như nhiều năm qua, thủy sản vẫn trong tình trạng “áo gấm đi đêm” khi sản phẩm xuất khẩu vẫn nhỏ lẻ, manh mún, mờ nhạt về thương hiệu. Cùng với những khó khăn về dịch bệnh, thời tiết, con giống, chi phí thức ăn, hàng rào kỹ thuật khắt khe của nước nhập khẩu, thuế chống bán phá giá… thì hiện nay vấn đề đáng ngại khác là thương hiệu. Việc đầu tư xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng hoặc nhận thức rõ nhưng không có điều kiện nên đầu tư chưa tương xứng. Chẳng thế mà những sản phẩm thủy sản mang thương hiệu “Made in Vietnam” còn vắng bóng, đa số các sản phẩm vẫn phải “mang danh” nhà nhập khẩu.
Điểm sáng
Nhiều năm nay, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đi đầu trong việc xuất khẩu thủy sản sạch với mặt hàng chủ lực là tôm. Thuận Phước đã đầu tư hàng chục khu nuôi với diện tích lên đến hàng trăm hecta nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Mỹ). Sản phẩm của Công ty được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến quá trình nuôi, chế biến, xuất khẩu và đã được thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước trong khối EU… chấp nhận. Sản phẩm giá trị gia tăng chiếm 65% trong tổng khối lượng xuất khẩu của Thuận Phước. Liên tục nhiều năm liền, giá trị xuất khẩu tăng giúp Thuận Phước không ngừng phát triển.
Cùng với tôm, cá tra cũng là mặt hàng được doanh nghiệp chú trọng sản xuất theo xu hướng khép kín. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ, trong đó có hệ thống siêu thị Walmart. Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long sau thời gian đàm phán về các tiêu chuẩn, hiện đã ký hợp đồng xuất khẩu cá tra trực tiếp với đại diện tập đoàn Walmart. Để xuất khẩu vào đây, doanh nghiệp phải đảm bảo từ khâu nguyên liệu đầu vào, an ninh chuỗi cung ứng, hệ thống nhà máy và tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh gồm chính sách với người lao động, bảo vệ môi trường.
Tránh “sớm nở tối tàn”
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, việc xây dựng thương hiệu do giá thành sản xuất cao, lợi nhuận chưa nhiều, nên doanh nghiệp Việt không đủ tiềm lực và chưa “mặn mà” trong chuyện này. Cùng đó là thủ tục, văn hóa tiêu dùng… khác nhau, chi phí cho việc quảng bá, in ấn cũng tốn kém. Việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu thành phẩm chế biến, từ đầu tư thiết bị đến liên kết thị trường. Phải có sản phẩm qua chế biến, có uy tín chất lượng.
Tại một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia coi việc phát triển thương hiệu là bắt buộc đối với sản phẩm xuất khẩu và là một nghĩa vụ với doanh nghiệp tham gia. Trong khi ở Việt Nam, vì sản xuất khó khăn kéo theo nhiều vấn đề phía sau nên thương hiệu ngày càng bị mai một. Điển hình như với sản phẩm cá ngừ, mỗi năm Việt Nam đánh bắt khoảng 10.000 tấn cá ngừ đại dương chế biến xuất khẩu nhưng khi tiêu thụ lại mang thương hiệu nước ngoài. Nghịch lý thật xót xa. Do đó, yêu cầu xây dựng thương hiệu là cần thiết. Muốn xây dựng thương hiệu quốc gia, dù trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm thô, nguyên liệu, cần phải có những bộ tiêu chuẩn quốc gia đối với từng sản phẩm.
Để cơ chế vận hành được thông suốt, doanh nghiệp mong muốn có những chính sách thực tế trong thu hút đầu tư, đồng thời hỗ trợ áp dụng các biện pháp tiên tiến trong sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu thông; đồng thời cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận đất đai, hạ tầng thương mại phục vụ nông sản sạch; tổ chức liên kết sản xuất và lưu thông. Đồng thời, cần tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các tổ chức nước ngoài... để trao đổi thông tin, chuyển giao, tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng có thêm kiến thức về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch…
Theo tâm sự của một doanh nghiệp hoạt động trong ngành, thế mạnh tôm Việt Nam trên thương trường chính là trình độ chế biến của các nhà máy. Nếu việc nuôi tôm tốt khả năng kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tăng mạnh. Nuôi tôm sạch không cần thị trường mới, bởi những thị trường cao cấp nhất Việt Nam đều đang thâm nhập. Cái cần ở đây là nguyên liệu “sạch”, và doanh nghiệp giảm giá thành.
>>Xây dựng thương hiệu bắt đầu từ phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp với vai trò đầu tàu trong chuỗi giá trị xuất khẩu kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ tối đa giúp doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh này.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao