Mô hình kinh tế Thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua cây thốt nốt

Thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua cây thốt nốt

Publish date Tuesday. September 29th, 2015

Những ngày qua, tại khu vực Dốc Bà Đắc, xã Thái Sơn, huyện Tịnh Biên (An Giang), vẫn có rất nhiều người thu gom cây thốt nốt được mua của người dân chất lên xe tải trọng lớn vận chuyển ra ngoài tỉnh.

“Nhóm tôi đã trở lại thu mua thốt nốt gần 10 ngày nay. Cứ hai ba ngày là gom đủ một xe, việc ngắn dài tùy theo thời tiết nắng hay mưa.

Chi phí cho mỗi cây sau khi bứng xong chuyển đến tận xe là 2 triệu đồng”, một thương lái tên Minh đang chỉ đạo nhóm thợ chất 16 gốc thốt nốt lên xe cho hay.

Theo lời thương lái này, để thu gom được lượng lớn cây thốt nốt theo đúng yêu cầu và đảm bảo thời gian giao cho khách hàng thì phải thuê “cò” vào các phum, sóc hỏi mua của người dân và huy động cả xe cuốc, xe ben vào tận vườn để bứng gốc.

Sau đó, những cây thốt nốt này được cắt tỉa lá, bó buộc lại cho gọn rồi mới chuyên chở ra xe lớn.

Tài xế xe đầu kéo mang BKS 14C-092.xx kéo theo rơ-moóc 14R-003.xx cho biết:

“Cây thốt nốt được gom từ các xã Văn Giáo, An Cư, Tân Lợi của huyện Tịnh Biên… sau đó vận chuyển về cửa khẩu rồi xuất bán sang Trung Quốc”.

Ông Lê Văn Út (ngụ ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên) sở hữu gần 30 cây thốt nốt cho biết:

“Thốt nốt vườn tôi cây nhỏ nhất đến nay hơn chục tuổi, còn lớn là đến cả trăm tuổi.

Cách nay vài tháng, có thương lái đến hỏi mua với giá mấy trăm ngàn đồng một cây nhưng tôi không bán, vì mỗi cây cho thu hoạch đường, trái là không dưới 3 triệu đồng…”.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cây thốt nốt tập trung nhiều ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, chủ yếu do đồng bào Khmer trồng, với tổng số hơn 60.000 cây cho thu hoạch trái và nước để làm đường với sản lượng 5.500 - 6.000 tấn mỗi năm.

Thời gian qua, ngành chức năng huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã phát hiện nhiều trường hợp mua bán cây thốt nốt nhưng gặp khó khăn trong việc xử lý, vì loài cây này không nằm trong danh mục cấm, cần bảo vệ.

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Chánh văn phòng UBND huyện Tịnh Biên, địa phương đã gửi văn bản lên tỉnh đề nghị đưa cây thốt nốt vào diện cấm khai thác để có căn cứ xử lý những trường hợp mua bán, vì đây là loại cây đặc sản.

UBND huyện Tri Tôn cũng có văn bản chỉ đạo 15 xã, thị trấn trong địa bàn là không được bán cây thốt nốt cho người ngoài huyện...

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tịnh Biên Lê Văn Hạnh cho biết thêm, cây thốt nốt rất có giá trị kinh tế, vì có thể lấy nước nấu đường, ăn trái tươi…

Địa phương cũng đang vận động, khuyến cáo người dân không nên bán. Tuy nhiên thực tế vẫn diễn ra tình trạng người dân bán cây non khoảng 7-15 năm tuổi, với giá chỉ 300.000-400.000 đồng/cây.

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, chỉ trong thời gian gần đây, số cây thốt nốt được đào, bán cho thương lái là 190 cây.

Hiện có 2 thương lái ở địa phương nhận hợp đồng mua bán, cung cấp 6.000 cây thốt nốt, có quy chuẩn từ 4m đến 6m.

Qua thăm dò, giá mua cây tại vườn là 200.000 đồng đến 300.000 đồng/cây, nếu mua cây đứng tại vườn. Sau khi bứng cây đưa lên và vận chuyển đến điểm tập kết là 3 triệu đồng/cây. Còn cây thốt nốt được giao tận nơi tiêu thụ là 7 triệu đồng/cây.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, hiện chúng ta chưa rõ ai mua cây thốt nốt, mua với mục đích gì và chuyển đi đâu?

Nhưng theo lời một số thương lái, những cây thốt nốt được vận chuyển ra một số tỉnh miền Trung và phía Bắc để làm khu resort.

Còn thông tin về việc những cây thốt nốt này được cung cấp cho các thương lái Trung Quốc thì chúng ta chưa xác định được.

“Tác hại của việc đào, bán cây thốt nốt hiện nay thì đã quá rõ. Tùy theo từng vùng nhưng để cây phát triển đến độ cao 4-6m như thế, phải mất từ 12 năm đến 16 năm.

Đây không chỉ là cây đặc sản của địa phương mà còn được xác định là cây xóa đói giảm nghèo.

Nếu tiếp tục bị đào bán, người dân sẽ không có nguồn thu nhập, nhất là đồng bào Khmer.

Về phía chính quyền địa phương, nếu không có khuyến cáo hoặc biện pháp ngăn chặn sẽ gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, ảnh hưởng đến cảnh quan, truyền thống văn hóa của người dân vùng Bảy Núi” - ông Trần Anh Thư nói thêm.

Sáng 28/9, Sở NN&PTNT đã có cuộc họp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên Môi trường, Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn để đưa ra biện pháp tháo gỡ, ngăn chặn tình trạng mua bán cây thốt nốt ồ ạt đã và đang xảy ra tại vùng Bảy Núi.

Tại cuộc họp, các sở, ban, ngành đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh lập danh mục gửi Bộ NN&PTNT xin chủ trương bổ sung cây thốt nốt vào danh mục cấm, cần bảo vệ để trình Chính phủ.

Ông Thư cho biết thêm, trong khi chờ chấp thuận của Bộ NN&PTNT, địa phương sẽ tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ tác hại ảnh hưởng việc đào, bán cây thốt nốt đến đời sống kinh tế, môi trường, cảnh quan và truyền thống văn hóa.

“Tất nhiên việc này chỉ là giải pháp hạn chế trước mắt.Còn biện pháp căn cơ thì phải đưa cây thốt nốt vào danh mục cấm theo Nghị định 160 của Chính phủ, để bảo vệ”, ông Thư nói.

TS.Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ:

“Cây thốt nốt là văn hóa của Nam Bộ, việc đào, bán ồ ạt cây thốt nốt làm ảnh hưởng đến cảnh quan, cách nhìn về văn hóa từ lâu đời đến nay.

Cần cảnh báo, khuyến cáo người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của việc bảo vệ loài cây này, chứ không nên vì lợi ích trước mắt.

Dù có thể ban đầu sẽ mang lại chút lợi ít về kinh tế nhưng về lâu về dài sẽ gây ảnh hưởng đến sinh thái, phong tục tập quán của người dân Nam Bộ.

Còn về kinh tế, địa phương đang phát triển làm đường thốt nốt, một sản phẩm đặc trưng của vùng Bảy Núi nên chúng ta cần tuyên truyền cho bà con hiểu rõ”.


Related news

co-hoi-cho-nguoi-trong-ca-gai-leo Cơ hội cho người trồng… rau-qua-xuat-khau-sap-can-moc-2-ti-usd Rau quả xuất khẩu sắp…