Mô hình kinh tế Thương Lái Trung Quốc Thu Gom Tôm Tại Khánh Hòa

Thương Lái Trung Quốc Thu Gom Tôm Tại Khánh Hòa

Publish date Thursday. September 26th, 2013

Tình trạng thương lái Trung Quốc đổ xô sang Việt Nam thu mua tôm nguyên liệu với giá cao, số lượng lớn đang gây rối loạn thị trường tôm nguyên liệu trong nước. Điều này còn khiến nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu chao đảo bởi thiếu nguyên liệu.

Mua tôm giá cao

Hơn nửa tháng qua, thương lái Trung Quốc đã tìm đến các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh thu mua tôm nguyên liệu với giá cao để đưa về nước. Tại vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh), nhiều người dân địa phương cho biết, thương lái Trung Quốc chủ yếu thông qua các đầu nậu người Việt để thu mua tôm thẻ chân trắng với giá cao hơn so với giá các doanh nghiệp trong tỉnh đưa ra. Có ngày, họ thu gom cả chục tấn tôm. Cũng như nhiều hộ nuôi tôm khác ở thôn Tuần Lễ, mới đây, hộ ông Lê Quang đã xuất bán một đìa tôm hơn 4,5 tấn cho thương lái Trung Quốc. “Khi chúng tôi thu hoạch tôm để bán, có mấy đầu nậu từ Phú Yên vào, đi cùng có cả thương lái người Trung Quốc.

Sau khi họ nói chuyện với nhau, đầu nậu người Việt cho biết sẽ thu mua hết số tôm đang thu hoạch với giá 130.000 đồng/kg tôm kích cỡ nhỏ khoảng 100 con/kg, cao hơn so với giá các doanh nghiệp Việt Nam thu mua khoảng 10.000 đồng/kg. Với người nuôi tôm chúng tôi, ai mua giá cao thì bán. Tính ra, với 4,5 tấn tôm bán cho thương lái Trung Quốc, chúng tôi thu lãi cao hơn so với bán cho doanh nghiệp trong nước đến 45 triệu đồng” - ông Quang nói.

Chỉ tính riêng thôn Tuần Lễ, có ngày cao điểm, thương lái Trung Quốc thu mua đến 10 tấn tôm chân trắng. Ông V.Đ.K - thương lái chuyên thu mua tôm ở Tuần Lễ chia sẻ: “Từ khi các thương lái Trung Quốc đến đây thu mua tôm, họ đã đẩy giá lên cao hơn so với mặt bằng giá các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước khoảng 20 - 30%. Thế nhưng, làm ăn với họ, chúng tôi cũng phải cảnh giác. Khi họ giao đủ tiền, chúng tôi mới dám bán tôm. Ngoài ra, cũng phải dành lại một phần để bán cho các doanh nghiệp trong nước, bởi họ là bạn hàng lâu năm”.

Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Theo bà Trần Thanh Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, như nhiều tỉnh khác trong nước, tại Khánh Hòa đã xuất hiện thương lái Trung Quốc đến thu mua tôm sú, tôm thẻ chân trắng nguyên liệu với giá cao hơn mặt bằng giá trong nước. Họ chủ yếu mua thông qua đầu nậu tại các địa phương. Trước tình hình này, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đã báo cáo lên cấp trên để có hướng giải quyết.

Nỗi lo của doanh nghiệp Việt Nam

Thực trạng nói trên đã gây ảnh hưởng đến thị trường tôm nguyên liệu và ngành chế biến tôm trong nước. Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã liên tiếp phát đi 2 công văn gửi các bộ và cơ quan chức năng, báo cáo khẩn tình trạng này.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep nhận định: Việc các thương lái Trung Quốc thu mua tôm nguyên liệu tươi đưa sang Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu tôm của Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp ngành tôm trong nước không còn đủ nguyên liệu để chế biến và cung cấp cho thị trường. Tình hình này sẽ khiến lượng tôm xuất khẩu thô tăng cao, trong khi cơ cấu tôm xuất khẩu đã qua chế biến giảm sút.

Về chất lượng, các thương lái Trung Quốc thu mua tôm mà không quan tâm đến việc kiểm soát kháng sinh trong tôm, thậm chí còn bơm chích tạp chất có mục đích sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh con tôm của Việt Nam. Việc cạnh tranh mua tôm với giá cao đang gây rối loạn thị trường tôm nguyên liệu tại Việt Nam.

Việc thương lái Trung Quốc cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh (tại Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự việc này.

Ông Nguyễn Trọng Thuận - Giám đốc điều hành nhà máy cho biết: “Nhà máy chúng tôi có công suất lên đến 4.600 tấn thành phẩm/năm, doanh thu từ xuất khẩu khoảng 30 triệu USD/năm. Năm nay, chưa kịp vui vì thị trường xuất khẩu tôm đang ấm dần lên, thì chúng tôi đã nhận một cú sốc lớn khi thương lái Trung Quốc ồ ạt đổ sang Việt Nam thu mua tôm nguyên liệu.

Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà máy do thiếu nguyên liệu trầm trọng; việc làm của hàng nghìn công nhân cũng bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể, Công ty phải đối mặt với việc bồi thường hợp đồng cho đối tác nếu không có tôm xuất khẩu. Vì vậy, Công ty sẽ bị thiệt hại rất nặng nề…”.

Lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh cho biết, thương lái Trung Quốc đổ xô sang Việt Nam thu mua tôm với giá cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do thị trường tôm nguyên liệu truyền thống của họ (thị trường Thái Lan) đang mất mùa. Mặt khác, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua tôm không có giấy phép, không phải chịu thuế; ngoài ra còn được Chính phủ Trung Quốc trợ giá nên việc đẩy giá mua lên cao là điều dễ hiểu.

Theo ông Thuận: “Các doanh nghiệp chế biến trong nước không thể đua giá với thương lái Trung Quốc được mà chỉ theo cầm chừng, bởi nếu mua ngang giá với họ thì cầm chắc thua lỗ. Chúng tôi kiến nghị ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường; có biện pháp đánh thuế xuất khẩu mặt hàng tôm nguyên liệu tươi để hạn chế những tác động tiêu cực của tình trạng này”.

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Thương lái Trung Quốc không chỉ thu mua tôm sú và tôm chân trắng cỡ lớn mà còn mua cả tôm cỡ nhỏ với số lượng lên đến 100 tấn/tỉnh/ngày, giá cao hơn so với giá mà các doanh nghiệp trong nước đang mua 15 - 20%.


Related news

de-giam-nhe-thiet-hai-khi-nuoi-trong-thuy-san-trong-mua-mua-bao Để Giảm Nhẹ Thiệt Hại… phat-trien-nghe-nuoi-ech Phát Triển Nghề Nuôi Ếch