Mô hình kinh tế Thủy Sản Chết Hàng Loạt

Thủy Sản Chết Hàng Loạt

Publish date Thursday. October 3rd, 2013

Những ngày qua, người dân ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) “đứng ngồi không yên” vì thủy sản chết hàng loạt tại khu vực bùng binh đồng Cù Lao, nằm cạnh đầm nước mặn và đồng muối Sa Huỳnh.

Bùng binh đồng Cù Lao có diện tích khoảng 8ha, là nơi lưu dẫn nước mặn giữa đầm Nước Mặn (hơn 210ha) và đồng muối Sa Huỳnh (hơn 116ha) với lượng thủy sản khá phong phú. Nơi đây còn là nguồn cung ứng giống để sinh sôi, phát triển lượng thủy sản trên đồng muối Sa Huỳnh vào mùa mưa, sau vụ sản xuất muối.

Dọc theo tuyến đê bao quanh bùng binh đồng Cù Lao vô số cá, cua và lịch huyết chết dạt vào bờ bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nhiều khu vực nước đổi màu xanh trong sang nâu đỏ. “Thủy sản chết hàng loạt dạt vào bờ từ ngày 12.9 và ngày càng nhiều. Đến nỗi lịch huyết nằm tận dưới bùn cũng chết thì hỏi các loài khác sao sống nổi?” – anh Trần Ngọc Tiên, người chuyên thả lồng đánh bắt thủy sản tại đây, cho biết.

Theo lời nhiều người dân địa phương thì tình trạng thủy sản chết hàng loạt do bị đối tượng xấu bỏ thuốc độc vào nguồn nước. Trao đổi với chúng tôi về thông tin này ông Phạm Văn Hai – Trưởng Ban Công an xã Phổ Thạnh cho biết: Công an xã sẽ tiến hành xác minh sự việc và báo cáo với lãnh đạo xã cho ý kiến chỉ đạo để tiến hành điều tra, xử lý.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có hơn 100 hộ dân trong xã mưu sinh bằng việc đặt lồng, giăng lưới đánh bắt thủy sản tại khu vực bùng binh đồng Cù Lao và đầm Nước Mặn. Sau vụ sản xuất, diện tích đánh bắt mở rộng sang cả đồng muối Sa Huỳnh. Nghề đánh bắt thủy sản được xem là khoản thu nhập chính với mức thu nhập mỗi hộ từ 50.000 – 200.000 đồng/đêm. Do thủy sản chết hàng loạt nên hàng chục hộ phải “phơi lồng, gác lưới” vì mức thu nhập quá thấp. “Sau vụ sản xuất muối, diêm dân chúng tôi chỉ trông chờ vào việc đánh bắt cá, tôm, cua để nuôi sống gia đình. Giờ thủy sản chết hàng loạt ở “vựa cá, tôm, cua” thì biết lấy gì mà sống?” – anh Võ Tấn Nghi than thở.

“Lúc trước, vợ chồng tôi thu nhập trên 200.000 đồng sau mỗi đêm đánh bắt với 120 chiếc lồng lưới. Nhờ nguồn thu này mà vợ chồng tôi nuôi 3 con theo học đại học, cao đẳng tại Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh. Giờ phải mang sang bên đầm Nước Mặn nhưng chỉ được gần 100.000 đồng. Rồi đây chẳng biết kiếm đâu ra tiền để gửi cho chúng nó” – anh Lê Văn Duyệt lắc đầu lo lắng.


Related news

su-dung-hem-bia-trong-nuoi-tom-xen-ghep Sử Dụng Hèm Bia Trong… loi-nhuan-tu-nuoi-tom-nuoc-lo-dat-tren-6-2-ty-dong Lợi Nhuận Từ Nuôi Tôm…