Mô hình kinh tế Thủy Sản ĐBSCL Tái Cơ Cấu Để Phát Triển Bền Vững

Thủy Sản ĐBSCL Tái Cơ Cấu Để Phát Triển Bền Vững

Publish date Monday. September 16th, 2013

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển ngành thủy sản theo hướng hội nhập bền vững với chỉ tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng đạt 1 triệu ha mặt nước, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,5 triệu tấn, trong đó có 450.000 tấn tôm.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu đến năm 2020 cũng nâng tổng số tàu đánh bắt trên biển lên 30.500 chiếc, tổng công suất 2,5 triệu CV, sản lượng khai thác đạt 1,2 triệu tấn. Các chỉ tiêu khác như: Chế biến thủy sản xuất khẩu phấn đấu đạt 1,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt gần 7 tỉ USD; chế biến tiêu thụ nội địa đạt 650.000 tấn; tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đạt 60% khối lượng sản phẩm chế biến; 100% cơ sở chế biến thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, trước năm 2020, ĐBSCL sẽ xây dựng hai Trung tâm Nghề cá cấp vùng là Trung tâm Nghề cá Kiên Giang (gắn với ngư trường Tây Nam bộ) và Trung tâm Phát triển thủy sản Cần Thơ (gắn với vùng nuôi trồng thủy sản toàn vùng ĐBSCL). Đến năm 2020, các đối tượng như tôm, cá tra và nhuyễn thể (mực, bạch tuộc) đông lạnh vẫn là nhóm sản phẩm quan trọng, chiếm từ 70 - 80% sản lượng thủy sản xuất khẩu.

Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu trên, các tỉnh ĐBSCL thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất, khuyến khích mở rộng các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất nguyên liệu với các nhà chế biến, thương nhân, các nhà đầu tư, tín dụng... theo chuỗi giá trị của sản phẩm với sự tham gia quản lý, tổ chức của cộng đồng, của các hội, hiệp hội.

Theo đó, các tỉnh ĐBSCL đã và đang tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường và từng vùng biển, gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tổ chức lại sản xuất trên biển gắn với các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ tàu thuyền, nậu vựa, các đơn vị hoạt động công ích... nhằm khai thác hải sản xa bờ hiệu quả, hạ giá thành sản xuất và nâng cao đời sống ngư dân.

Trong nuôi trồng, các tỉnh hoàn thiện hệ thống thủy lợi bảo đảm cung cấp đủ nước cho nuôi trồng, khắc phục tình trạng ô nhiễm cục bộ tại một số địa phương. Các tỉnh ĐBSCL áp dụng mô hình sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, ưu tiên phát triển nuôi công nghiệp đối với các đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Riêng các tỉnh vùng ven biển tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chế biến, tiêu thụ với sản xuất nguyên liệu; ưu tiên phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng; xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh. Các tỉnh cũng nhân rộng mô hình nuôi theo phương pháp GAP, ASC, đồng thời tổ chức tốt việc kiểm tra chất lượng, kiểm dịch giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh cho tôm.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý môi truờng nước vùng nuôi, từng bước giảm thiểu, tiến tới chấm dứt gây ô nhiễm môi trường nuôi bằng cách thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, hạn chế, tiến tới ngăn chặn hoàn toàn các tác động xấu đến môi trường trong quá trình nuôi thủy sản.

Trong chế biến xuất khẩu, các tỉnh ĐBSCL xây dựng các mô hình sản xuất gắn chế biến với các vùng sản xuất nguyên liệu, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ đồng thời từng bước xây dựng mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư. Trước hết, tập trung đầu tư hình thành và tổ chức hoạt động các trung tâm nghề cá lớn tại Kiên Giang và Cần Thơ tạo động lực cho ngành thủy sản toàn vùng phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Mục tiêu xuất khẩu được đưa ra là phấn đấu giữ vững các thị trường truyền thống và các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Đông Âu, Trung Quốc, Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ, đồng thời từng bước chuyển sang xuất khẩu trực tiếp cho hệ thống phân phối, các chuỗi siêu thị nước ngoài. Riêng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trong vùng đang hướng tới tiêu chuẩn quốc tế ASC (Aquaculture Stewaship Council) để hội nhập.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, đây là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu đối với môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và bảo đảm thực hiện tốt các quy định về lao động.

Ngoài tiêu chuẩn ASC, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đang khuyến khích các doanh nghiệp chế biến hải sản và chủ các tàu đánh bắt hải sản phấn đấu đạt tiêu chuẩn "Chuỗi hành trình sản phẩm" - MSC (Marine Stewardship Council) để sản phẩm bảo đảm được khai thác từ một ngư trường bền vững, được khai thác một cách có trách nhiệm và được quản lý tốt. Việc được chứng nhận đạt tiêu chuẩn MSC sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu gắt gao về truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản.


Related news

huong-mo-tu-htx-nuoi-ngheu-dat-mui Hướng Mở Từ HTX Nuôi… nen-hay-khong-nen-nuoi-tom-the-chan-trang-ven-song-ham-luong Nên Hay Không Nên Nuôi…