Tiềm năng nuôi tôm càng xanh toàn đực quảng canh
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (trước đây là Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ) đã hỗ trợ nông dân tại huyện Vĩnh Thạnh thực hiện nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao nuôi quảng canh, kết hợp cho tôm ăn các loại củ quả với thức ăn công nghiệp và thu tỉa dần. Mô hình này không chỉ giúp nông dân nuôi tôm mau lớn và tiết kiệm chi phí mà còn bán được giá hơn nhờ tôm đạt chất lượng cao.
Nhiều tiềm năng
Ông Mai Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ cho biết, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực đã được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ người dân tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh thực hiện từ năm 2016, với diện tích 20 ha và đã được duy trì đến nay. Hiện mô hình cũng đã được phát triển, nhân rộng tại một số địa bàn các ấp nằm giáp ranh với xã Vĩnh Thạnh, nhất là tại ấp Vĩnh Mỹ thuộc thị trấn Vĩnh Thạnh.
Tôm càng xanh đực và cái có sự khác biệt rõ rệt về tốc độ sinh trưởng, kích cỡ khi thu hoạch, vì thế chọn tôm càng xanh toàn đực để thả nuôi giúp tăng năng suất, tận dụng thức ăn tối đa. Nuôi tôm toàn đực giúp nâng cao chất lượng sản phẩm so với nuôi lẫn lộn giữa tôm đực và tôm cái. Bởi khi nuôi lẫn lộn, đến giai đoạn tôm cái ôm trứng, theo tập tính thì 2 càng của con tôm đực sẽ phát triển dài ra nhằm ôm con cái, bảo vệ con cái. Từ đó, cả tôm đực và tôm cái đều chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng thịt tôm.
Đặc biệt, tôm càng xanh toàn đực thường có giá bán cao gấp đôi so với tôm càng xanh cái. Để giảm chi phí nuôi tôm và bán sản phẩm được giá cao, ngoài việc chọn giống tôm toàn đực để nuôi, nông dân tại các ấp thuộc xã Thạnh Mỹ và thị trấn Vĩnh Thạnh còn áp dụng giải pháp cho tôm ăn thức ăn công nghiệp kết hợp với ăn dặm thêm các loại củ quả sẵn có tại địa phương như: mì, bắp, dừa, chuối, khoai lang…
Nhân rộng hiệu quả
Ông Nguyễn Lê Chủng, nông dân nuôi tôm càng xanh tại ấp Lân Quới, xã Thạnh Mỹ chia sẻ, từ năm 2016 được Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ triển khai mô hình nuôi tôm toàn đực trong đất ruộng lúa; kết quả đã đem lại thắng lợi và tính ra thu nhập tăng gấp 3 – 4 lần so trồng lúa. Vụ tôm năm nay với 1,2 ha mặt nước ông bắt đầu thả giống tôm toàn đực từ tháng 9/2020, đến nay tôm đạt 6 tháng tuổi và đang bước vào giai đoạn thu tỉa thưa bán. Hiện tôm đạt trọng lượng bình quân từ 20 – 22 con/kg, giá bán dao động từ 160.000 – 170.000 đồng/kg, dự kiến đến tháng 9 mới thu dứt điểm vụ tôm năm nay, ông Chủng tâm sự.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình của mình, ông Chủng vui vẻ nói: “Nuôi tôm toàn đực rất khỏe ở khâu chăm sóc. Một ngày cho ăn 2 – 3 cữ, bình quân khoảng 10 – 15 ngày thay nước một lần trong ao nuôi. Đây là loại tôm sống chịu đựng độ mặn 15‰ (0 – 15‰), nhiệt độ thích hợp 26 – 30 độ C, pH: 7 – 8,7, DO ≥ 3 mg/l, độ kiềm: 60 – 180 mg/l.
Như vậy đây là đối tượng rất dễ nuôi và phù hợp với điều kiện của vùng ĐBSCL. Chính vì vậy mô hình nuôi tôm toàn đực kết hợp nuôi cá và trồng dừa đã thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu, đem lại cho tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/vụ”.
Theo nhiều hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại xã Thạnh Mỹ, với diện tích ao nuôi khoảng 1 ha, người dân có thể thu tổng sản lượng tôm từ 1 – 1,2 tấn. Các năm trước, nhờ tôm bán được giá cao lên đến 200.000 – 220.000 đồng/kg (loại 20 con kg), mỗi ha nuôi tôm càng xanh nông dân có thể đạt lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng/vụ nuôi. Riêng năm nay giá tôm càng xanh có phần giảm thấp so mọi năm do dịch COVID-19, với tôm loại 20 con/kg hiện chỉ còn ở mức khoảng 160.000 đồng/kg. Dù vậy, các hộ nuôi tôm cho biết, bán mỗi ký tôm thương phẩm, người nuôi vẫn còn lời khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg; với phương thức thu tôm tỉa dần.
Ông Nguyễn Quốc Huy, cán bộ khuyến nông xã Thạnh Mỹ cho biết, việc thực hiện khá thành công mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực cho thấy mô hình đã thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, giảm chất thải ra môi trường, sản phẩm an toàn vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa thuần túy từ 3 lần trở lên. Thời gian tới, xã vận động bà con mở rộng là mô hình nuôi tôm toàn đực với diện tích lên 30 ha, theo chủ trương xoay trục ưu tiên thủy sản lên đầu, kế đến cây ăn trái và lúa; nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao