Mô hình kinh tế Tiếp Sức Tìm Đầu Ra Cho Nhãn Và Chôm Chôm VietGAP

Tiếp Sức Tìm Đầu Ra Cho Nhãn Và Chôm Chôm VietGAP

Publish date Tuesday. July 16th, 2013

Vào năm 2011, huyện Cai Lậy có hai loại trái cây được cấp chứng nhận VietGAP là nhãn tiêu da bò Nhị Quí và chôm chôm Tân Phong. Tham gia mô hình liên kết sản xuất hướng đến đầu ra nông sản sạch, đa số nhà vườn là tổ viên các tổ hợp tác đều mong muốn đây là hướng đi bền vững, tăng giá trị kinh tế cho loại cây trồng tiềm năng của địa phương.

Tuy nhiên, gần hai năm được cấp chứng nhận, thị trường cho trái cây VietGAP ở huyện Cai Lậy vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”.

Tháng 9-2011, Tổ hợp tác (THT) nhãn Nhị Quí được cấp chứng nhận VietGAP trên diện tích 15,3ha của 27 tổ viên. Gắn bó với vùng đất cát giồng Nhị Quí hơn nửa thế kỷ, cây nhãn tiêu da bò đã có lúc tưởng chừng “tuyệt chủng” vì giá trị kinh tế quá thấp.

Vì vậy, ngay khi THT đi vào hoạt động, đa số tổ viên đều nhận thức đây là hướng đi cần thiết để phát triển vườn nhãn theo hướng bền vững. Ngành Nông nghiệp huyện và cán bộ Viện Cây ăn quả miền Nam đã mở nhiều lớp tập huấn, giúp nhà vườn có kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch hại, vấn đề an toàn khi sử dụng nông dược, an toàn vệ sinh thực phẩm trong canh tác...

Ông Nguyễn Văn Hưng (ở ấp Quí Thành) là tổ viên của THT nhãn Nhị Qúi cho biết: “Sau hai năm thực hiện mô hình VietGAP, tôi thấy ưu điểm là so với lối canh tác truyền thống, nhãn được canh tác theo hướng VietGAP cho năng suất thu hoạch cao hơn 20%. Được tập huấn bài bản nên tổ viên sử dụng phân bón, thuốc hóa học đúng quy trình, theo danh mục, chứ không làm bừa bãi như trước kia nên tiết kiệm chi phí phân thuốc trong mỗi vụ. Ngoài ra, vấn đề dịch hại trên cây trồng cũng được hạn chế đáng kể”.

Tuy nhiên, những lợi thế trong việc trồng nhãn theo hướng VietGAP vẫn chưa thật sự hấp dẫn tổ viên khi THT nhãn Nhị Quí vẫn không tìm được thị trường tiêu thụ cho nhãn VietGAP và đang chờ hỗ trợ kinh phí để được tái chứng nhận. Theo ông Lê Trung Hiếu, Tổ trưởng THT nhãn Nhị Quí, thời gian qua, tổ viên vẫn phải bán nhãn VietGAP cho thương lái địa phương và chịu rủi ro theo giá thị trường. Lý do là diện tích canh tác quá ít, không đủ sản lượng cung ứng cho các đơn đặt hàng với số lượng lớn. Đây là trở ngại không nhỏ để duy trì mô hình, bởi canh tác theo VietGAP đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật.

Hiện nay, được sự hỗ trợ của Viện Cây ăn quả miền Nam, diện tích nhãn VietGAP đã được mở rộng lên 26,85 ha với 65 hộ tham gia. Các tổ viên của THT nhãn Nhị Qúi hy vọng thời gian tới, đầu ra cho nhãn VietGAP sẽ khởi sắc hơn từ thu mua cho đến giá cả.

Riêng THT chôm chôm Tân Phong được Công ty cổ phần Giám định và khử trùng FCC cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 16,6 ha của 34 thành viên vào tháng 11-2011. Đây là tín hiệu vui cho nhà vườn trồng chôm chôm ở cù lao Tân Phong, bởi việc đạt chứng nhận VietGAP mở ra cơ hội tăng giá trị kinh tế cho loại cây trồng truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, sau gần hai năm sản xuất, chôm chôm VietGap vẫn không tránh được tình trạng “dội chợ, rớt giá”.

Trong hoạt động giới thiệu và tìm kiếm khách hàng, THT chôm chôm Tân Phong đã chủ động tìm hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm với một số doanh nghiệp nhưng việc tuyển chọn trái đạt kích cỡ và mẫu mã đẹp, giá thành tiêu thụ chưa cao, chi phí vận chuyển lớn là nguyên nhân khiến các tổ viên của THT chôm chôm Tân Phong vẫn phải bán chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP cho thương lái như chôm chôm sản xuất truyền thống.

Ông Trần Hữu Trí, Tổ trưởng THT chôm chôm Tân Phong nhìn nhận: “Sau khi nhận chứng nhận VietGAP, chúng tôi đã liên hệ với DNTN Chánh Thu (Chợ Lách, Bến Tre) để tìm đầu ra. Tuy giá thu mua của doanh nghiệp này cao hơn thị trường nhưng sau khi trừ chi phí vận chuyển thì vẫn không có lãi. Vì thế, hoạt động của THT chỉ dừng ở việc định hướng tổ viên đến khâu sản xuất trái an toàn, chất lượng cao chứ chưa nâng được giá trị kinh tế cho cây trồng”.

Hiện nay, giấy chứng nhận VietGap của THT chôm chôm Tân Phong cũng đã hết hạn nhưng vẫn chưa có kinh phí để tái chứng nhận. Điều này gây khó khăn cho việc vận động mở rộng thêm 50 ha chôm chôm VietGAP theo kế hoạch hỗ trợ của Viện Cây ăn quả miền Nam.

Qua mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của THT nhãn Nhị Quí và THT chôm chôm Tân Phong cho thấy, nhà vườn hoàn toàn có khả năng thực hiện các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), song hạn chế lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ chưa minh bạch giữa sản phẩm an toàn được chứng nhận (với các yêu cầu về kỹ thuật khá khắt khe) và sản phẩm không rõ nguồn gốc nên chưa được ưu tiên trong giá cả.

Sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là định hướng phát triển phù hợp để nâng giá trị kinh tế cho trái cây đặc sản của địa phương nhưng để duy trì bền vững rất cần sự tiếp sức từ các ngành chức năng, bởi đầu ra không thật sự hấp dẫn, nông dân sẽ trở lại với lối canh tác truyền thống.


Related news

hon-64-ty-dong-xay-dung-nganh-ca-tra-ben-vung Hơn 64 Tỷ Đồng Xây… chuyen-dat-lua-kem-hieu-qua-sang-cay-trong-khac-co-loi-the-hon Chuyển Đất Lúa Kém Hiệu…