Tiêu chuẩn nghiêm ngặt của đậu bắp xuất đi Nhật
Để đảm bảo tiêu chí xuất khẩu Nhật Bản, đậu bắp phải trải qua 4 lần phân loại quả, 3 lần kiểm tra cùng nhiều yêu cầu khắt khe khác.
Sản phẩm đậu bắp tại nhà máy chế biến. Ảnh: Hương Giang
Tại nhà máy chế biến thủy sản Bạc Liêu, mỗi ngày có khoảng 25 tấn đậu bắp tươi chở về từ An Giang, Vĩnh Long được đưa vào sơ chế, cấp đông phục vụ xuất khẩu Nhật Bản.
Anh Tăng Hiếu Nghĩa - quản lý chất lượng tại nhà máy Chế biến Thủy sản Bạc Liêu cho biết, trong số những tiêu chí khắt khe của sản phẩm, chỉ tiêu về vi sinh là quan trọng nhất. Đối tác có thể lấy mẫu ngẫu nhiên kiểm tra đòi hỏi 100% sản phẩm tại nhà máy phải đáp ứng yêu cầu.
Sản phẩm cung ứng đi thị trường Nhật Bản khó tính nên đòi hỏi nghiêm ngặt từ giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hái tới chất lượng. Để có đủ nguyên liệu đậu bắp, doanh nghiệp đã liên kết với người trồng tại An Giang, Vĩnh Long.
Anh Nghĩa cho biết, Vĩnh Long từ tháng 7 đến tháng 10 gặp mùa nước, khó trồng hơn khiến doanh nghiệp phải tìm thêm cơ sở tại An Giang.
Những vùng đất này trước kia bà con trồng cây ngắn ngày như ớt, dưa leo, hoa huệ sau đó mới chuyển đổi sang đậu bắp. Để thuyết phục nông dân tham gia mô hình liên kết, doanh nghiệp đã cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho năng suất và không tồn dư hóa chất, bao tiêu đầu ra với giá cam kết.
Ban đầu, doanh nghiệp mượn đất trồng thử nghiệm. Sau một vài vụ, thấy mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, nhiều bà con bắt đầu tham gia, dần dần nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu lên khoảng 150ha.
Dây chuyền rửa đậu bắp trước khi đưa vào sơ chế và hấp. Ảnh: Hương Giang
Theo anh Nghĩa, gây dựng vùng nguyên liệu là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong sản xuất. Anh nhớ lại, có thời điểm, cây đậu bắp bị thương lái Trung Quốc cạnh tranh phá giá, nhiều hộ đang hợp tác với công ty quay ra bán cho thương lái.
Người thu mua của công ty đến tận nhà thuyết phục nhưng nông dân không nghe. Công ty buộc phải cắt hợp đồng với những nông dân hủy kèo. Tuy nhiên, giá lên cao chỉ được 1-2 vụ, sau đó quay trở lại mức thấp. "Khi họ xin quay trở lại, để làm gương cho những hộ khác tôi buộc lòng không đồng ý, từ đó người trồng sợ không dám phá giá nữa. Suốt 8 năm nay chúng tôi đều mua với cùng một giá chưa từng giảm", anh Nghĩa chia sẻ.
Làm được vùng nguyên liệu ổn định đã khó, các chỉ tiêu sản xuất tại nhà máy phải thực hiện nghiêm ngặt không kém. Từng khâu đều có nhân viên giám sát kiểm tra và theo dõi chặt chẽ.
Nguyên liệu sau khi đưa về kho được chuyển lên dây chuyền phân loại. Tại đây, 5 đến 7 công nhân túc trực mỗi người một công đoạn như loại bỏ quả sai kích cỡ, sai hình dáng, dị vật, chất bẩn... Sau đó, đậu bắp đạt chỉ tiêu được lựa lại lần nữa trước khi đưa vào sơ chế cắt đầu, rửa, hấp, làm lạnh, phân loại rồi mới cấp đông âm 40 độ C trước khi đóng gói.
Đậu bắp cấp đông ở nhiệt độ cấp đông. Ảnh: Hương Giang
Hiện, doanh nghiệp cung ứng khoảng 7 dòng sản phẩm đậu bắp chín gồm đậu bắp nguyên trái, các kiểu cắt lát, xay nhuyễn... Anh Nghĩa cho biết Nhật cũng trồng được nhưng năng suất thấp. Sản phẩm được người Nhật ưa chuộng bởi trong trái đậu bắp có chất nhớt tốt cho xương khớp.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao