Tiêu độc, khử trùng góp phần phát triển bền vững đàn vật nuôi
Bởi vậy, định kỳ vệ sinh tiêu độc, khử trùng (TĐKT) môi trường chăn nuôi được coi là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh, góp phần phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh ta theo hướng bền vững, an toàn.
Khu chăn nuôi hơn 500 con gà thịt và gà đẻ trứng của gia đình bà Nguyễn Thị Lan, khối Thắng Lợi, thị trấn Tuần Giáo là một trong những nơi bị ảnh hưởng của cơn lũ vào ngày 1/8 vừa qua. Bà Lan cho biết: Khi nước tràn vào khu chăn nuôi, gia đình tôi đã kịp thời huy động nhân lực trong gia đình nhanh chóng đưa cành cây, bắc ván khu vực chuồng nuôi để gà có chỗ đậu, tránh bị ướt và giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy không gây thiệt hại, nhưng khi nước lũ đi qua đã mang theo rác thải gây ô nhiễm khu chăn nuôi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Vì vậy, sau khi nước rút, để đảm bảo vệ sinh môi trường, tôi đã kịp thời xịt rửa chuồng trại sạch sẽ, chờ khô ráo rồi tiến hành phun thuốc sát trùng, sau khoảng 1 tiếng thì rắc vôi bột để TĐKT.
Dù không bị ảnh hưởng của mưa lũ như gia đình bà Lan, nhưng chị Phạm Thị Thúy, đội 2, thôn Thanh Đông, xã Thanh Luông luôn coi việc vệ sinh TĐKT chuồng trại là phương pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho đàn lợn của gia đình trong suốt quá trình nuôi. Chị Thúy cho biết: Thời điểm tháng 8, tháng 9 thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường làm giảm sức đề kháng của đàn lợn nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Một năm gia đình tôi đều nuôi trên 200 con lợn thịt, vì vậy, để bảo đảm an toàn dịch bệnh, ngoài việc tiêm phòng định kỳ, tôi chủ động mua thuốc khử trùng để phun chuồng trại mỗi tuần một lần. Thực hiện tốt vệ sinh chăn nuôi, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý đã giúp đàn lợn của gia đình phát triển tốt, không lây nhiễm dịch bệnh.
Vệ sinh TĐKT nhằm mục đích chủ động tiêu diệt, ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh ra môi trường và giữa gia súc, gia cầm với nhau. Công tác vệ sinh TĐKT môi trường có ý nghĩa quan trọng trong việc khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán dịch cúm gia cầm và phòng, trừ dịch bệnh ở đàn gia súc. Để việc TĐKT môi trường chăn nuôi đạt hiệu quả cao, Chi cục Thú y thường xuyên chỉ đạo các Trạm Thú y trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn đúng phương pháp, hóa chất phù hợp, hiệu quả cao, đồng thời đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi, không gây hại đến môi trường.
Trước khi phun hóa chất khử trùng cần phải thực hiện các biện pháp vệ sinh cơ giới như: khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại, quét dọn, thu gom phân, rác thải để đốt hoặc chôn. Cọ rửa, vệ sinh kỹ lưỡng bề mặt chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ ấp nở gia cầm, dụng cụ giết mổ, bày bán động vật, sản phẩm động vật. Sau khi làm sạch cơ học để cho bề mặt tường, nền chuồng và các vật dụng chăn nuôi khô ráo rồi mới tiến hành phun thuốc (có thể sử dụng ngay cả khi vật nuôi còn trong chuồng nhưng tránh không nên phun thuốc trực tiếp lên người vật nuôi). Sau đó sử dụng bình nén khí phun lên toàn bộ trần, vách, tường, không khí, mái chuồng, nền, máng thức ăn...
Khi phun phải đảm bảo ướt toàn bộ bề mặt, đặc biệt các hố, hốc và phun theo chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc sát trùng, tuy nhiên có thể sử dụng những loại thuốc sát trùng như: Han – Iodine, Povidine, Benkocid, Vikon… đây là những thuốc có tính sát trùng nhanh, mạnh, hoạt phổ rộng, tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, virus, các mầm bệnh kể cả nấm, bào tử. Khi không có dịch bệnh, định kỳ phun thuốc sát trùng 1 lần/tuần, còn khi có dịch bệnh cần phun 2 lần/tuần, thực hiện liên tục cho đến khi hết dịch. Sau mỗi lần xuất bán phải vệ sinh, TĐKT và để trống chuồng trong thời gia tối thiểu là 7 ngày trước khi nuôi mới.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Bên cạnh việc chủ động tiêm phòng định kỳ, người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc TĐKT chuồng trại và coi đây là một trong những khâu quan trọng không chỉ thực hiện 1 - 2 lần/năm mà phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình chăn nuôi, có như vậy mới bảo vệ đàn vật nuôi an toàn, hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường. Chi cục đang xúc tiến chuẩn bị triển khai tháng vệ sinh TĐKT đợt 1, dự kiến sẽ phun khoảng 23 tấn hóa chất, thời gian triển khai từ 25 - 30/8 trên địa bàn 10 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao