Tôm thẻ chân trắng Tìm hiểu nguyên nhân cá bệnh và kỹ thuật phòng bệnh cá trong mùa mưa

Tìm hiểu nguyên nhân cá bệnh và kỹ thuật phòng bệnh cá trong mùa mưa

Publish date Thursday. June 18th, 2015

Những nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh cá:

* Chất lượng nước bị thay đổi: Nhiệt độ nước có biên độ dao động giữa ngày – đêm lớn và giảm thấp vào tháng 12 - 2 (có thể xuống thấp đến 200C) hoặc nhiệt độ tăng cao vào tháng 3 - 5 (lên đến 30 - 340C) đều làm cho cá bị sốc bỏ ăn, suy yếu tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh cá phát triển, làm cho cá dễ bệnh. Nước ao kém chất lượng do quản lý không đúng kỹ thuật hoặc nguồn nước cấp bị ô nhiễm chất độc, vi khuẩn.

* Chất lượng thức ăn kém: Chất lượng thức ăn kém, không đủ dinh dưỡng, cá suy giảm sức đề kháng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh trên cá phát triển và làm ô nhiễm nước ao.

* Thiếu cẩn thận khi chăm sóc cá: Các dụng cụ cho ăn không được vệ sinh thường xuyên là nơi ẩn chứa mầm bệnh. Các dụng cụ vận chuyển, bắt cá như lưới, vợt, thùng… có thể làm sây sát cá trong quá trình thao tác và vì thế mầm bệnh có điều kiện xâm nhập vào cá nuôi.

* Nguồn giống thả kém chất lượng: Cá có thể đã bị mắc bệnh từ nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, mang sẵn mầm bệnh mà chưa được xử lý diệt trùng, khi cá thả xuống nuôi một thời gian gặp thời tiết thay đổi theo mùa nếu cá suy yếu thì mầm bệnh dễ dàng phát triển.

Phòng bệnh cho cá:

Trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ môi trường dao động lớn và thay đổi đột ngột dễ làm cho cá bị sốc, tác nhân gây bệnh có điều kiện phát triển và xâm nhập vào vật nuôi. Nên điều cơ bản để giữ sức khỏe và phòng bệnh cho đàn cá là việc tránh sốc bằng cách duy trì chất lượng môi trường nước tốt qua việc chăm sóc đúng kỹ thuật:

1. Vệ sinh ao đìa sạch sẽ trước mỗi vụ nuôi: dọn sạch cỏ; vét bùn đáy ao; lấp hết các lỗ mọi hang hốc xung quanh bờ ao; bón vôi để tiêu diệt mầm bệnh, ổn định pH và diệt tạp.

2. Chọn loài cá nuôi phù hợp: hiện nay có rất nhiều loài cá nuôi, để chọn được loài cá nuôi thích hợp với điều kiện từng nông hộ cần phải xem xét 3 vấn đề sau: - Thức ăn: khả năng cung cấp thức ăn là tự có hay mua. - Mục đích sử dụng: nuôi để bán hay nuôi để ăn. - Tùy từng vùng sinh thái khác nhau mà chọn loài cá nuôi cho phù hợp. Ví dụ vùng khó thay nước hay mô hình VAC có thể nuôi cá trê, tra…; vùng phèn có thể nuôi cá rô đồng, sặc rằn, trê… Từ cơ sở đó mà nông hộ có thể chọn loài cá nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của mình để có thể tận dụng hết những tiềm năng sẵn có tại nông hộ.

3. Chất lượng con giống: Chọn giống tốt, không mang mầm bệnh, cá tương đối đều cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, phản ứng nhanh, không bị dị hình, trầy sướt, nên mua giống ở những nơi có uy tín… Trước khi thả giống nên tắm cá giống qua nước muối 2 – 3% trong 5 – 10 phút và phải theo dõi cá trong quá trình tắm.

4. Mật độ thả thích hợp: nên thả với mật độ dưới 5con/m2 đối với những loài không có cơ quan hô hấp phụ (rô phi, mè hoa, trắm cỏ, chép, mè vinh…); thả với mật độ 5 – 10con/m2 đối với những loài có cơ quan hô hấp phụ (tra, trê, tai tượng, rô đồng, sặc rằn…).

5. Nuôi ghép: Khi nuôi ghép cần tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về thành phần loài, tỷ lệ ghép.

6. Chăm sóc đúng kỹ thuật, cho ăn phải đạt 4 yêu cầu: định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh. Nếu thức ăn là tấm cám nấu thì nên để vô sàng cho cá ăn để dễ quản lý được thức ăn.

7. Quản lý chất lượng nước ao nuôi: ao phải thông thoáng, độ sâu ao nuôi cá thịt 1,2 – 2m, độ sâu ao ương cá giống: 0,5 – 1.2m, pH ổn định từ 6,5 – 8,5 tức là nước ao nuôi cá có màu xanh vỏ đậu hoặc xanh lá chuối non là tốt, hàm lượng oxy hòa tan 3 - 8mg/l, nhiệt độ nước khoảng 30oC.

8. Đối với ao khó thay nước hoặc không thay nước được: khi nuôi cá vào các tháng cuối gần thu hoạch, nước ao và nền đáy ao rất dơ do thức ăn dư thừa và phân cá thải ra trong suốt quá trình nuôi nên cá có nguy cơ phát sinh bệnh rất cao. Do đó có thể xử lý nền đáy bằng cách dùng các chế phẩm sinh học trong suốt vụ nuôi.

9. Phòng bệnh cho cá lúc giao mùa: Vào mùa mưa nhất là giai đoạn chuyển mùa nắng sang mưa nước ao rất dễ bị nhiễm phèn làm pH nước ao giảm thấp; pH thay đổi đột ngột như vậy làm cá bị sốc sẽ giảm sức đề kháng và mầm bệnh dễ dàng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể cá. Nên phòng bằng cách: Định kỳ 2 tuần/lần rải vôi xung quanh bờ ao hoặc đào rãnh xung quanh bờ ao rãi vôi vào rãnh để ngăn nước mưa mang phèn và mầm bệnh từ trên bờ ao xuống. Đồng thời, ngâm vôi vào nước để nguội lấy phần nước vôi tạt đều khắp ao lượng 1 – 3kg/100m3 nước, vôi có tác dụng ổn định pH nước và phòng bệnh cho cá.

10. Trong suốt quá trình nuôi nên phòng bệnh cho cá là tốt nhất vì khi cá bị bệnh việc điều trị rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao vì vậy định kỳ 1 tuần/2lần trộn Vitamin C vào thức ăn cho cá ăn để tăng sức đề kháng cho cá, lưu ý: Vitamin C rất dễ tan trong nước nên khi trộn Vitamin C vào thức ăn phải dùng chất kết dính như dầu mực, bột gòn… để tăng hiệu quả sử dụng. Hoặc có thể sử dụng những cây thuốc nam sẵn có tại chỗ để phòng bệnh cho cá như: lá giác, lá xoan, cỏ mực… bó thành từng cụm ngâm xuống ao.

Tags: nguyen nhan ca benh, phong cho ca, nuoi ca, thuy san


Related news

tac-dung-cua-voi-trong-nuoi-thuy-san Tác dụng của vôi trong… kinh-nghiem-xu-ly-rong-phat-trien-duoi-day-ao-nuoi-tom Kinh nghiệm xử lý rong…