Tin thủy sản Tinh dầu trị bệnh cho cá vượt trội hơn kháng sinh

Tinh dầu trị bệnh cho cá vượt trội hơn kháng sinh

Author Văn Thái (Lước dịch), publish date Saturday. February 8th, 2020

Bốn loại tinh dầu có nguồn gốc từ thực vật đã được chứng minh là sự thay thế hiệu quả cho thuốc kháng sinh để điều trị một loạt các mầm bệnh do vi khuẩn thường gặp trên cá nuôi.

Sử dụng tinh dầu trị bệnh trên cá

Sự xuất hiện của vi khuẩn kháng kháng sinh do lạm dụng kháng sinh – cùng với sự tồn dư của nhiều hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng kèm theo những mối nguy môi trường. Điều này buộc ngành thủy sản cũng như các nhà khoa học nghiên cứu phải tìm ra những chất thay thế kháng sinh để kiểm soát mầm bệnh trên cá.

Việc sử dụng kháng sinh để đối phó với mầm bệnh vi khuẩn - ví dụ như loài Aeromonas sp- gây bệnh xuất huyết ở cá nuôi - đang bị hạn chế do sự xuất hiện của các chủng kháng thuốc làm giảm khả năng trị bệnh và nguy cơ sức khỏe.

Dầu dễ bay hơi hoặc tinh dầu - là chất chuyển hóa thực vật thứ cấp có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học khác nhau. Các loại dầu có tác dụng trị liệu rộng. Hoạt động sát trùng mạnh mẽ của các loại tinh dầu đã được biết đến trên toàn thế giới trong nhiều thế kỷ. Một số lượng lớn các loại tinh dầu đã cho thấy khả năng kháng lại một số vi khuẩn, nấm, vi rút và động vật nguyên sinh. Vi khuẩn Gram dương thường nhạy cảm với các loại tinh dầu hơn so với vi khuẩn Gram âm. Tinh dầu từ húng tây, quế, kinh giới cay, bạch đàn, hoa oải hương, bạc hà… đã cho thấy các đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm mạnh mẽ. Các loại tinh dầu cũng có hoạt tính kháng cao kể cả một số chủng kháng kháng sinh như Staphylococci kháng kháng sinh methycillin, Streptococci kháng vancomycin và chống lại các vi khuẩn gram âm. Trong số khoảng 3.000 tinh dầu được biết đến thì có hơn 300 loại có ý nghĩa thương mại và được sử dụng rộng rãi trong ngành dược phẩm, thực phẩm, vệ sinh và mỹ phẩm (Hajhashemi, Ghannadi, & Sharif, 2003 ; Perry, Bollen, Perry, & Ballard, 2003 ).

Kinh giới cay Origanum Vulgare

Origanum Vulgare hay còn gọi là kinh giới cay, chúng chứa các hợp chất carvacol và thymol đã được báo cáo bởi Okmen, Ugur, Sarac, và Arslan (2012) có hoạt tính in vitro chống lại chủng Aeromonas hydrophila.  

Bạch đàn xanh Eucalyptus globulus. 

Eucalyptus globulus còn gọi là cây bạch đàn xanh. Đóng góp chính cho hoạt động kháng khuẩn của bạch đàn xanh được cho là terpineol (Park, Wendt, & Heo, 2016 ). Park và cộng sự 2016 đã cho thấy tinh dầu bạch đàn xanh chống lại một số loài vi khuẩn Gram dương và Gram âm được phân lập từ cá bơn ô liu.

Tràm trà Melaleuca Alternifolia. 

Tinh dầu từ cây tràm trà (M. Alternifolia) có nguồn gốc ở Úc, đã được biết đến như là một chất chống vi trùng tại chỗ với các đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm trong cả thử nghiệm in vitro và lâm sàng (Cox & Markham, 2007 ; Papadopoulos, Carson, Hammer, & Riley, 2006 ).

Tinh dầu hoa oải hương trị bệnh trên cá

Lavandula angustifolia (hoa oải hương) là loài được trồng rộng rãi nhất trong bốn loại thực vật trên và các thành phần tinh dầu của hoa oải hương bao gồm: linalool, linalyl acetate, limonene, α ‐ pinene và β pinene đã được chứng minh có hoạt tính kháng khuẩn (Hossain và cộng sự, 2017 ; Inouye, Takizawa, & Yamaguchi, 2001 ; Nelson, 1997).

Các đặc tính không mong muốn của tinh dầu, như nhạy cảm với oxy, ánh sáng, độ ẩm và nhiệt độ làm giảm tác dụng của chúng trong các ngành công nghiệp dược phẩm; do đó, phương pháp bọc các hạt nano tạo ra dạng nano nhũ tương có thể khắc phục các vấn đề này và là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để tạo ra các loại dầu hoạt tính sinh học. Phương pháp bọc các hạt nano có thể làm tăng khả năng phân tán của tinh dầu vào các khu vực nơi vi sinh vật phát triển và sinh sôi nảy nở (Donsìa & Ferrari, 2016). Hơn nữa, việc tăng tính thấm của tinh dầu vào thành tế bào của vi sinh vật được tăng cường giúp tăng hiệu quả kháng khuẩn.

Tinh dầu trị bệnh cá vượt trội hơn kháng sinh

Nghiên cứu mới đây được công bố trên Aquaculture Research của Hosna Gholipourkanani,  Nicky Buller và Alan Lymbery 2018 - đã đánh giá việc bổ sung 4 loại tinh dầu có nguồn gốc thực vật là: kinh giới cay Origanum Vulgare, bạch đàn xanh Eucalyptus globulus, tràm trà Melaleuca Alternifolia và hoa oải hương Lavendula angustifolia ở dạng thường và dạng nano nhũ tương trong tác dụng kìm khuẩn hoặc diệt khuẩn với 3 mầm bệnh phổ biến trên cá là Aeromonas hydrophila , Streptococcus iniae và Photobacteriumdamselae phân loài damselae.

Kết quả cho thấy rằng cả bốn loại tinh dầu đều cho thấy hoạt động kháng khuẩn và trong hầu hết các nhóm thử nghiệm, hoạt tính của tinh dầu sau khi bọc các hạt nano có đặc tính kháng khuẩn vượt trội hơn so tinh dầu dạng thường của chúng. Origanum Vulgare (kinh giới cay) có hoạt tính kháng khuẩn hiệu quả nhất, với nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) là 3,12 μg/ml đối với cả ba loài vi khuẩn gây bệnh trên cá và tốt hơn đáng kể so với kháng sinh tetracycline. 

Nghiên cứu này đã nhấn mạnh tiềm năng của các loại tinh dầu tự nhiên trong việc tăng cường kiểm soát và điều trị bệnh do vi khuẩn trên cá nuôi và chúng có thể là ứng cử viên lý tưởng cho việc điều trị nhiễm trùng hoặc khử nhiễm bề mặt.

Tuy nhiên các nhà khoa học cũng gợi ý rằng, các nghiên cứu bổ sung là cần thiết để thử nghiệm thêm các loại kháng sinh thảo dược để đạt được hiệu quả diệt khuẩn tối đa, tìm ra các phương pháp bổ sung hiệu quả nhất và tối ưu nhất cho các loại tinh dầu.


Related news

nuoi-ca-that-lat-cuom-theo-chuoi Nuôi cá thát lát cườm… lam-the-nao-de-cai-thien-hieu-qua-nuoi-ca-lam-sach Làm thế nào để cải…