Tin nông nghiệp Tình hình dịch cúm gia cầm và một số lưu ý đối với hộ chăn nuôi gia cầm

Tình hình dịch cúm gia cầm và một số lưu ý đối với hộ chăn nuôi gia cầm

Author Liên Hương, publish date Wednesday. April 19th, 2017

Hiện nay, dịch cúm gia cầm vẫn lác đác xảy ra ở một số nơi. Cả nước có 03 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 03 hộ chăn nuôi trên địa bàn 03 tỉnh và 02 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 02 hộ chăn nuôi trên địa bàn 01 tỉnh, chưa qua 21 ngày.

- Tỉnh Vĩnh Long có 01 ổ dịch (cúm A/H5N1) xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi gia cầm thuộc phường Thành Phước, thị xã Bình Minh (đã qua 06 ngày). Số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 3.000 con gà.

- Tỉnh Đắk Lắk có 01 ổ dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi gia cầm thuộc phường An Bình, thị xã Buôn Hồ (đã qua 09 ngày). Số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 43 con ngan và gà.

- Tỉnh Quảng Ninh: Ngày 12/4/2017 xảy ra 01 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 01 hộ chăn nuôi thuộc khu 2, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái. Số gia cầm ốm, chết là 320 con (240 vịt và 80 ngan) và số gia cầm tiêu hủy là 670 con (570 con vịt và 100 con ngan).

- Tỉnh Thừa Thiên Huế: Ngày 10/4/2017 xảy ra 02 ổ dịch cúm A/H5N6 tại  tại 02 hộ chăn nuôi thuộc các xã Lộc An và Lộc Hòa, huyện Phú Lộc. Số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 6.500 con vịt.

Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm, tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Các hộ chăn nuôi gia cầm cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm, cụ thể như sau:

a)    Phòng bệnh

* Vệ sinh phòng bệnh

- Chỉ mua gia cầm khoẻ mạnh ở những cơ sở giống tốt, đảm bảo không có bệnh.

- Khi mới mua về, cần cách ly nuôi ở khu riêng biệt ít nhất 14 ngày.

- Chuồng nuôi gia cầm cách ly với bên ngoài, hạn chế người ra vào khu chăn nuôi. Vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, máng ăn, máng uống thường xuyên; tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi định kỳ 1 lần/ tuần. 

- Nuôi tách biệt từng loại gia cầm, từng lứa tuổi ở các khu khác nhau. Có biện pháp ngăn ngừa, không cho gia cầm tiếp xúc với bồ câu, chim trời, động vật khác.

- Thường xuyên quan sát đàn gia cầm để sớm phát hiện, thải loại những gia cầm ốm, yếu ra khỏi đàn và xử lý, điều trị nếu cần thiết.

* Phòng bệnh bằng vắc-xin

Tiêm vắc-xin cúm gia cầm và các vắc-xin phòng bệnh khác theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại

b) Khi có dịch bệnh xảy ra

- Khi thấy gia cầm có hiện tượng ốm, chết bất thường phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương.  

- Không bán chạy gia cầm ốm, không ăn thịt gia cầm trong đàn bị bệnh, không vứt xác chết, chất thải bừa bãi.

- Bao vây ổ dịch, tiêu huỷ toàn bộ gia cầm chết, mắc bệnh và gia cầm khác trong đàn, bằng cách đốt hoặc đào hố chôn sâu với chất sát trùng hoặc vôi bột theo quy định của thú y.

 - Vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

- Sau khi vệ sinh, tiêu độc trong chuồng nuôi và môi trường xung quanh, cần trống chuồng, dụng cụ, thiết bị chăn nuôi ít nhất 30 ngày; trong thời gian trống chuồng cần phun khử trùng 1 lần/tuần, phun kỹ từ mái, tường, dụng cụ, thiết bị chăn nuôi, nền, rãnh thoát nước và xung quanh chuồng nuôi; cần đóng kín cửa chuồng lại, không cho người và động vật khác vào chuồng đang trống.

Tuân thủ quy trình tiêu huỷ toàn bộ gia cầm chết

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia


Related news

dong-thap-day-manh-san-xuat-lua-huu-co Đồng Tháp đẩy mạnh sản… khanh-hoa-cong-bo-nhan-hieu-chung-nhan-xoai-cam-lam Khánh Hòa: Công bố nhãn…