Mô hình kinh tế Tọa đàm Cây trồng biến đổi gen nguồn thực phẩm của tương lai

Tọa đàm Cây trồng biến đổi gen nguồn thực phẩm của tương lai

Publish date Saturday. September 26th, 2015

Cho dù, Việt Nam đã có quy định nhưng thực tế nhiều sản phẩm không dán nhãn, gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra trong buổi tọa đàm "Cây trồng biến đổi gen: Nguồn thực phẩm của tương lai?" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 24-9 tại TPHCM với diễn giả là Tiến sĩ sinh học Trang Quan Sen đến từ Đức.

Theo ông Sen, với quốc gia như Đức, nếu sản phẩm làm từ cây trồng chuyển gen nếu bán ra thị trường có tỷ lệ 0,9% thì phải dán nhãn để người tiêu dùng nhận biết và Việt Nam quy định mức dán nhãn là 5%, mức tương tự các nước trên thế giới đối với cây trồng chuyển gen. Riêng tại Mỹ, quốc gia số một về cây trồng chuyển gen lại không có quy định này.

Song, dù có quy định nhưng hiện nay trên thị trường Việt Nam không có những sản phẩm liên quan đến cây trồng chuyển gen được dán nhãn. Chính vì mọi sự không rõ ràng nên nhiều khách mời tham dự cũng tỏ ra lo lắng vì lo ngại hằng ngày mình đang ăn những sản phẩm có liên quan đến kỹ thuật chuyển gen mà không biết.

Một đại biểu đến từ công ty giống cây trồng có văn phòng tại TPHCM cho biết hiện tại, một nông dân trồng đậu nành (đậu tương) bán với giá 20.000 đồng/kg, mức giá này là không có lãi vì chi phí sản xuất cao, song, người tiêu dùng vẫn có thể mua được đậu nành giá chỉ có 10.000 đồng/kg ở tại các chợ một cách dễ dàng.

Theo bà, đa phần đậu nành này có nguồn gốc nhập khẩu và có thể là nhập khẩu từ Mỹ, quốc gia đang trồng 90% diện tích là đậu nành chuyển gen.

Cũng có ý kiến cho rằng, lâu nay, Việt Nam nhập đậu nành từ những nước cho trồng cây trồng chuyển gen về để sản xuất dầu ăn nhưng trên thị trường không có một sản phẩm nào ghi là sản phẩm sản xuất từ đậu nành biến đổi gen, liệu điều này có công bằng với người tiêu dùng hay không?

Theo một số khách mời tham dự tọa đàm, cây trồng chuyển gen vẫn đang có những tranh cãi và người nông dân là phía ít được tiếp nhận thông tin nhất, và họ cứ trồng nếu thấy có lợi nhuận cao hơn giống cây trồng bình thường trước đó. Còn khi có sự cố xảy ra, phần thiệt thòi là người tiêu dùng.

Ông Võ Thanh Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nguồn sinh thái, TPHCM đặt câu hỏi, nếu một sản phẩm làm ra từ một cây trồng chuyển gen được cho là an toàn, vậy tại sao những công ty này không dán nhãn để người tiêu dùng biết và lựa chọn.

Tuy nhiên, câu hỏi chỉ đưa ra trong khuôn khổ của cuộc tọa đàm và các đại biểu ra về vẫn chưa có câu trả lời. Đó là điều đáng tiếc vì trong thành phần những khách mời lần này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn có mời những đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước song vì một lý do nào đó, những đại biểu này đã không thể đến dự.

Trong bài chia sẻ của mình, ông Sen cho biết, đúng là hiện chưa có những công trình nào chứng minh những tác hại đi kèm khi con người ăn những sản phẩm chuyển gen, song, chưa có nhưng không có nghĩa là không có. Vì thế, cách tốt nhất là hãy mang thông tin đến cho người tiêu dùng.

"Về mặt cảm quan, nếu quan sát ở bên ngoài, người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là sản phẩm chuyển gen, đâu là sản phẩm thu hoạch từ cây trồng bình thường và cách nhận biết là thông tin trên nhãn mác bao bì. Tiếc là việc này chưa được làm rõ ràng ở Việt Nam", ông nói.


Related news

hoi-thao-phat-trien-san-xuat-va-tieu-thu-san-pham-nong-nghiep-viet-nam Hội thảo phát triển sản… se-khoi-kien-ban-pha-gia-thit-ga-nhap-khau-vao-viet-nam Sẽ khởi kiện bán phá…