Tin thủy sản Tôm hùm chết đột ngột, người nuôi Phú Yên thiệt hại nặng

Tôm hùm chết đột ngột, người nuôi Phú Yên thiệt hại nặng

Author Kim Sơ, publish date Monday. June 5th, 2017

Những ngày gần đây, người tôm tôm hùm ở xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, TX Sông Cầu (Phú Yên) đang “méo mặt” vì tôm nuôi bỗng dưng chết đột ngột, gây thiệt hại nặng.

Tôm hùm bỗng dưng chết đột ngột khiến người nuôi thiệt hại nặng

Thiệt hại nặng

Theo người nuôi trồng thủy sản ở xã Xuân Phương, trước ngày 18/5, tại địa phương bắt đầu xuất hiện một số loài cá tự nhiên sống ở tầng đáy bị chết bất thường, nổi trên mặt nước biển.

Đến ngày 18/5, bà con quan sát thấy màu nước trong khu vực nuôi chuyển sang màu đỏ, sau đó nhiều hộ nuôi tôm hùm do chưa áp dụng biện pháp nâng lồng kịp thời đã xảy ra hiện tượng tôm hùm chết đột ngột.

Theo thống kê chính quyền địa phương, tại khu vực này có 3 hộ nuôi tôm hùm bị chết khoảng 34 lồng với 1.150 con, kích cỡ từ 0,3 – 0,8 kg/con, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Tương tự, tại vùng nuôi lồng thuộc khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên cũng xảy ra hiện tượng một số đối tượng thủy sản tự nhiên chết bất thường diễn ra từ ngày 15/5 đến ngày 19/5.

Theo thống kê ban đầu của UBND phường Xuân Yên, có 80 hộ nuôi tôm hùm ở khu vực Phước Lý có tôm nuôi bị thiệt hại, với số lượng khoảng 10.000 con tôm hùm, trong đó tôm hùm bông chiếm 30% và tôm xanh 70%, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.  

Tôm chết do yếu tố môi trường

Đứng trước tình hình tôm chết, từ ngày 24-25/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cùng Cơ quan Thú y Vùng IV phối hợp chính quyền xã Xuân Phương và phường Xuân Yên tiến hành kiểm tra thực địa, lấy mẫu để xác định nguyên nhân.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, qua kiểm tra trong số tôm bị chết, đa số không có các dấu hiệu bệnh lý lâm sàng của bệnh truyền nhiễm, chỉ có một vài con có dấu hiệu của bệnh sữa.

“Tôm chết xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, đột ngột, thời điểm chết xảy ra vào ban đêm (thời điểm hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp nhất), cùng một thời điểm có nhiều loài thủy sản bị chết. Mặt khác, quan sát vùng nước nuôi khu ở các địa phương trên đều có hiện tượng chuyển sang màu đỏ, đã khiến tôm, cá chết nên không có biểu hiện bất thường. Bên cạnh đó, theo kết quả quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh vùng nuôi thủy sản các tỉnh miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) cũng nhận định từ ngày 11 đến 14/5, tại các khu vực nuôi trên, hàm lượng oxy hòa tan trong nước có xu hướng giảm thấp hơn quy định.

Như vậy, từ kết quả trên có thể nhận định thủy sản bị chết do yếu tố môi trường, không phải do bệnh truyền nhiễm”, ông Phát cho biết thêm.

Để hạn chế rủi ro môi trường đối với các đối tượng thủy sản nuôi lồng trong khu vực xảy ra sự cố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi thủy sản nuôi, nhất là ban đêm. Nếu phát hiện thủy sản nuôi xảy ra hiện tượng ngạt, cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp di chuyển lồng đến vị trí thông thoáng hơn, nâng lồng lên gần mặt nước, áp dụng các biện pháp tạo ôxy để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước cho thủy sản hô hấp. Cần đặt lồng nuôi ở vị trí thông thoáng, nâng vị trí đặt lồng lên cách mặt nước khoảng 1 – 1,5 m khi phát hiện môi trường nuôi biến đổi bất thường. Cần nuôi thủy sản mật độ thưa để tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi...


Related news

bap-benh-nghe-che-bien-sua-xuat-khau-sang-trung-quoc Bấp bênh nghề chế biến… go-kho-cho-chuoi-gia-tri-ca-ngu Gỡ khó cho chuỗi giá…